Việc các thương hiệu đồ uống - nhất là trà sữa phát triển bùng nổ ở Việt Nam chứng tỏ sự hấp dẫn của thị trường một trăm triệu dân.
Để lĩnh vực này thực sự là sân chơi bình đẳng, tạo thêm nhiều trải nghiệm cho khách hàng, hấp dẫn các nhà đầu tư thì vấn đề đặt ra là cần quản lý được chất lượng, tạo sân chơi bình đẳng và chuyên nghiệp.
Sức hấp dẫn của thị trường
Ở Việt Nam, nhượng quyền thương hiệu đang trở nên phổ biến trong kinh doanh, thậm chí cả trong các mặt hàng bình dân như trà chanh, trà sữa... Báo cáo mới đây của Reputa (đơn vị thu thập và phân tích dữ liệu trên Internet), trong ngành lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, ăn uống (F&B), trà sữa tiếp tục dẫn đầu danh sách các loại đồ uống nhận được nhiều lượt thảo luận nhất trên mạng xã hội, chiếm hơn 38% thảo luận của người dùng, tiếp đến là trà (chiếm 26,03%), nước ép và càphê (cùng tỷ lệ 14,98%)...
Trong số đó, một số thương hiệu như: Dingtea, TocoToco, Tiger Sugar, Phúc Long, Gong Cha... phát triển tại Việt Nam từ sớm và có thị phần khá lớn.
Đối với Mixue - một thương hiệu của Trung Quốc với hai mảng kinh doanh chính là kem và trà sữa dù có mặt tại Việt Nam khoảng 5 năm nay song tốc độ phát triển khá nhanh chóng. Trên trang web của công ty này cập nhật đến ngày 11/4 cho thấy Mixue đã đạt 1.000 cửa hàng tại Việt Nam.
[Cả hai công ty Phở Thìn và Phở VieThin đều chưa đăng ký được nhãn hiệu]
Trước bức tranh sôi động của lĩnh vực này, các chuyên gia kinh tế cho rằng nhượng quyền thương hiệu là giải pháp nhanh và hữu hiệu đối với các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường nhờ áp dụng mô hình kinh doanh đã được thiết lập.
Cụ thể hơn, theo ông Quang San, một chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu, thị trường Việt Nam có sức mua tốt không chỉ doanh nghiệp nội mà còn rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Với số vốn không phải quá lớn (từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng), nhiều người đã có thể sở hữu một cửa hàng để kinh doanh mà không cần phải lo đến việc xây dựng thương hiệu.
Đối với ngành đồ uống, cụ thể là trà sữa, ông đánh giá vòng đời của sản phẩm rất ngắn nên việc các doanh nghiệp thường đẩy nhanh việc xây dựng các chuỗi cửa hàng.
“Do công thức pha chế cũng đơn giản nên trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp khác cũng sẽ nhảy vào để kinh doanh nên để giữ vị thế trong một thời gian dài với lĩnh vực này là rất khó,” ông chia sẻ.
Hiện nhiều thương hiệu mở ra đã ăn khách, đơn cử với từ khóa Mixue trên Google map thì trên địa bàn nội thành Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt địa chỉ, thậm chí trên cùng một con phố có thể xuất hiện vài cửa hàng gần nhau.
Bàn về khía cạnh này, chuyên gia Quang San cho rằng quan niệm của người dân là “buôn có bạn, bán có phường” nên việc chọn địa điểm để mở điểm bán theo các tuyến phố san sát nhau không có gì lạ. Đây cũng là cách để quảng bá, tạo sự thuận lợi nhất cho khách hàng.
Bên cạnh đó, với các sản phẩm có giá bán ở mức thấp, như kem Mixue chỉ từ 10.000 đồng, thì các doanh nghiệp chắc chắn phải thu lợi bằng doanh số. Vì vậy, việc mở ra với số lượng lớn trong một thời gian ngắn cũng là cách để các doanh nghiệp nhanh chóng thu hồi vốn.
“Nếu như các sản phẩm cao cấp chỉ cần bán 1 vài chiếc là đủ vốn thì những mặt hàng bình dân lại phải bù lại bằng doanh số thật cao,” ông phân tích.
Nên để thị trường tự quyết định
Có thể thấy thị trường đồ uống nhất là trà sữa ở Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng với hàng chục thương hiệu đang cạnh tranh. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng không ít doanh nghiệp vẫn chưa đạt đến tính chuyên nghiệp của mô hình nhượng quyền thương mại.
Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học Viện Tài chính cho hay nhượng quyền thương mại là hình thức đầu tư trực tiếp và đây là mô hình tồn tại rất lâu tại nước ngoài. Theo đó, chủ thương hiệu phải thực hiện luật hợp đồng nhượng quyền đồng thời kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, công nghệ chế biến và trực tiếp kiểm tra quá trình sản xuất mà họ đăng ký bản quyền tại nước sở tại.
Còn ở Việt Nam, mô hình này mới phát triển trong vòng hơn 10 năm gần đây. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã chú trọng kiểm soát hệ thống theo chuỗi, từ bài trí đến công thức pha chế, song cũng không ít doanh nghiệp gần như chỉ là bán tên thương hiệu, phó mặc thương hiệu cho người nhận nhượng quyền.
Ví dụ điển hình nhất là mô hình nhượng quyền của Phở 24 trước đây, khi một số nhà hàng ngoài thực đơn là Phở còn bán kèm cả cơm, lẩu, trong khi một số cửa hàng khác thì lại không, chưa kể vị thì mỗi nơi một khác.
Để lĩnh vực này ngày càng phát triển, theo vị chuyên gia này, điều quan trọng nhất là phải quản lý chất lượng, đảm bảo đúng với nguyên bản gốc của doanh nghiệp.
“Không nên quy định khoảng cách cho mỗi cửa hàng, việc bán ở đâu là theo tín hiệu thị trường nếu người dân chấp nhận được thì sẵn sàng còn việc thỏa thuận giữa các bên nhượng quyền khi có lãi họ mới mở, việc này nên để thị trường quyết định,” chuyên gia Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.
Chia sẻ vấn đề khoảng cách các điểm bán, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng các doanh nghiệp có thể làm những điều pháp luật không cấm, việc doanh nghiệp mở liên tiếp các cửa hàng cạnh nhau tùy thuộc vào quyết định của doanh nghiệp.
Còn theo một cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Nội, ngoại trừ các mặt hàng kinh doanh có điều kiện thì phải theo quy hoạch (như xăng dầu), còn các mặt hàng khác sẽ do chủ nhượng quyền và người nhận nhượng quyền quyết định. Song ông cũng nhấn mạnh việc kinh doanh theo quy luật thị trường với các cửa hàng không bán được sẽ tự đào thải.
Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng theo chuỗi cần vai trò của chủ doanh nghiệp, khi số lượng lớn sẽ rất khó để theo sát được.
Trong khi đó, chuyên gia Quang San cho rằng ngay tại Mỹ, thị trường trà sữa rất phát triển và chủ kinh doanh thường là người gốc Á, thì điều quan trọng là thương hiệu đó làm tốt hay không mới có thể tồn tại lâu dài.
“Việc lựa chọn đầu tư bằng hình thức nhượng quyền thương hiệu là quyền của mỗi người, xu hướng cạnh tranh cao nên việc đào thải là tất yếu. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ đã có luật định, còn doanh nghiệp có làm đúng để pháp luật bảo vệ hay không mới là quan trọng và họ cần chú trọng khi xây dựng thương hiệu,” ông nhấn mạnh./.