Những yếu tố cộng hưởng kéo nền kinh tế Nhật Bản rớt hạng

Tình trạng đình trệ của Nhật Bản đã kéo dài hơn 30 năm. IMF dự báo hai năm nữa, kinh tế Xứ hoa Anh đào tiếp tục rơi xuống vị trí thứ 5 khi Ấn Độ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Số liệu thống kê mới nhất được Chính phủ Nhật Bản công bố cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2023 chỉ đạt 4.210 tỷ USD, thấp hơn so với mức 4.460 tỷ USD của Đức, khiến Nhật Bản chính thức đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới “vào tay” quốc gia Tây Âu.

Đáng chú ý, GDP quý 4/2023 của Nhật Bản cũng giảm 0,4%. Con số này không chỉ thấp hơn dự kiến mà còn xác lập kỷ lục hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, khiến nền kinh tế Xứ sở Mặt Trời mọc rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Đi trước, về sau

Sự thay đổi này diễn ra sau hơn một thập kỷ Nhật Bản nhường vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho Trung Quốc. Theo các nhà phân tích Nhật Bản, có hai lý do chính khiến kinh tế nước này rớt hạng.

Đầu tiên là do đồng yen liên tục mất giá trong năm 2023, làm xói mòn lợi nhuận xuất khẩu.

Đồng tiền này đã giảm đến 20% giá trị so với đồng USD trong hai năm 2022 và 2023, trong khi đồng euro lại tăng 3,7%, giúp GDP của Đức vượt Nhật Bản.

Thứ hai, Nhật Bản tiếp tục vật lộn với tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ sinh thấp và lạm phát tăng cao, khiến tiêu dùng của người dân, vốn đã suy yếu do tỷ lệ người già trên 65 tuổi chiếm hơn 29% dân số, lại tiếp tục sụt giảm.

Tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế ở Nhật Bản, đã giảm 0,2% trong quý 4/2023. Trong khi đó, Nhật Bản không thể thúc đẩy tỷ lệ sinh tăng đồng nghĩa với việc tình trạng thiếu lao động kinh niên dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn, ngay cả khi nước này ghi nhận số lao động nước ngoài cao kỷ lục.

sony.jpg
Trụ sở tập đoàn Sony tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tuy nhiên, nếu xem xét một cách kỹ lưỡng và phân tích sâu hơn, việc các doanh nghiệp Nhật Bản thiếu hụt sức sống cùng khả năng đổi mới và sáng tạo trong suốt thời gian dài (từ khi “bong bóng kinh tế” bùng nổ vào năm 1992 đến nay) mới là nguyên nhân chính đẩy kinh tế nước này vào trạng thái trì trệ.

Ngành sản xuất của Nhật Bản từng nổi tiếng với một loạt thương hiệu được ưa chuộng, thậm chí tôn sùng như Sony, Panasonic, Toshiba, Hitachi và Misubishi…

Trong những năm bùng nổ kinh tế, một số người còn dự đoán xuất khẩu ôtô và hàng điện tử tiêu dùng giá rẻ với chất lượng tốt của Nhật Bản sẽ giúp nước này vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Điều này phần nào khiến những công ty này nảy sinh tâm lý kiêu ngạo, cho rằng sản phẩm do mình nghiên cứu và chế tạo ra sẽ luôn thống trị thế giới.

Ví dụ, Hãng điện tử Sony từng tin tưởng rằng sản phẩm thẻ nhớ của họ sẽ luôn là phụ kiện vô cùng quan trọng, thậm chí không thể thiếu cho các loại máy ảnh, máy quay phim và máy nghe nhạc cầm tay nên họ tỏ ra thờ ơ và không mấy hứng thú với các loại hình công nghệ mới như MP3 (một định dạng mã hóa âm thanh kỹ thuật số).

Tuy nhiên, sau khi các loại thiết bị di động hiện đại như iPod và iPhone xuất hiện, “giấc mộng” của Sony đã nhanh chóng tan vỡ.

Sau thời kỳ kinh tế bùng nổ, các doanh nghiệp Nhật Bản không còn đủ khả năng tài chính để đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm như trước đây nên ngoài việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Trung Quốc và các nước Đông Nam Á để giảm giá thành sản phẩm, họ còn vướng vào một số vụ việc giả mạo hoặc sản xuất sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin và tâm lý của người tiêu dùng.

Ví dụ như bê bối làm giả dữ liệu của Tập đoàn thép Kobe, gian lận trong thử nghiệm an toàn cho sản phẩm của Công ty Daihatsu (thuộc Toyota) và việc làm sai lệch kết quả kiểm tra mức tiêu hao nhiên liệu xe của Hãng Mitsubishi…

Kết quả là, sự bùng nổ của kinh tế Nhật Bản vào đầu những năm 1990 đã dẫn tới nhiều “thập kỷ mất mát” với sự trì trệ và giảm phát trong nền kinh tế.

Các doanh nghiệp Nhật Bản từng luôn dẫn đầu thị trường ôtô thế giới và cũng hiểu rất rõ về xu hướng phát triển ôtô sử dụng năng lượng mới, nhưng họ lại đặt cược vào xe chạy bằng khí hydro mà không mặn mà với xe điện.

Điều này đã khiến họ phải trả giá đắt. Mặc dù việc nghiên cứu phát triển xe chạy bằng khí hydro của Nhật Bản đạt được kết quả khả quan, nhưng giá thành chế tạo lại quá cao khiến chúng khó trở thành loại phương tiện được sử dụng phổ biến trên toàn cầu.

o to nhat.jpg
Xe ôtô của Hãng Toyota Nhật Bản tại trung tâm phân phối xe của hãng ở cảng Long Beach, Mỹ. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Tình trạng đình trệ của Nhật Bản đã kéo dài hơn 30 năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Ấn Độ sau hai năm nữa sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới và điều này cũng đồng nghĩa với việc kinh tế Nhật Bản sẽ rơi xuống vị trí thứ 5.

Ngược lại, với việc chú trọng phát triển xe điện, Trung Quốc năm 2023 đã lần đầu tiên vượt Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu nhiều xe điện nhất trên thế giới, với hơn 4,9 triệu chiếc.

Lúc này, các doanh nghiệp ôtô Nhật Bản mới bắt đầu nghiên cứu, chế tạo ôtô điện, nhưng đã muộn và sản phẩm họ làm ra khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, kinh tế Nhật Bản “cất cánh” và liên tục phát triển mạnh trong hơn 40 năm nhờ sáng tạo công nghệ và cách mạng trong kinh doanh.

Tuy nhiên, từ sau khi “bong bóng kinh tế” bùng nổ đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản dường như lại “ngủ quên” với công nghệ vốn có, không kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo những thay đổi và biến động của thị trường.

Giáo sư kinh tế tại Đại học Tokyo Tetsuji Okazaki cho biết dữ liệu mới nhất phản ánh thực tế về một Nhật Bản yếu hơn - một quốc gia có thể ít sự hiện diện hơn trong kinh tế toàn cầu.

“Vài năm trước, Nhật Bản tự hào về lĩnh vực ô tô phát triển mạnh mẽ. Nhưng với sự ra đời của xe điện, ngay cả lợi thế đó cũng bị lung lay,” ông nói.

Những dự báo thiếu lạc quan

Tình trạng đình trệ của Nhật Bản đã kéo dài hơn 30 năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Ấn Độ sau hai năm nữa sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới và điều này cũng đồng nghĩa với việc kinh tế Nhật Bản sẽ rơi xuống vị trí thứ 5.

Mặc dù chỉ là một so sánh đơn giản nhưng Nhật Bản đã từ vị trí có GDP danh nghĩa bình quân đầu người cao nhất trong Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển hàng đầu Thế giới (G7) vào năm 2000 xuống vị trí cuối cùng trong danh sách vào năm 2022.

kinh te Nhat Ban2.jpg
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Năm 2022, Nhật Bản cũng đứng thứ 21/38 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), theo sát là Hàn Quốc ở vị trí thứ 22.

Chuyên gia kinh tế Shinichiro Kobayashi tại công ty nghiên cứu và tư vấn Mitsubishi UFJ nhận định: “Năm vừa qua chỉ là đòn quyết định. Đây là kết quả của 20 năm đầu tư đình trệ.”

Ông cho rằng Nhật Bản đã phản ứng chậm chạp trước tình trạng tỷ lệ sinh giảm, dân số già và tình trạng thiếu lao động. Năng suất lao động thấp và sự tham gia chậm trễ của phụ nữ vào lực lượng lao động đã tiếp tục cản trở tăng trưởng.

Việc Nhật Bản tụt xuống vị trí nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới cũng khiến giới quan sát đặt câu hỏi về việc liệu Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007 hay không.

Ông Marcel Thieliant, người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại cơ quan nghiên cứu Capital Economics, cho biết ông hoài nghi khả năng BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng Tư tới.

Một thách thức đối với ngân hàng trung ương là đồng yen Nhật liên tục yếu. Sức mua của đồng tiền giảm đồng nghĩa với việc giá hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản tăng, làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát đối với người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Saisuke Sakai tại Mizuho Research & Technologies, cho biết có vẻ như kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục sụt giảm trong ba tháng đầu năm 2024, do sự gián đoạn từ trận động đất lớn hồi tháng Một làm rung chuyển miền Tây nước này - một khu vực tập trung nhiều nhà sản xuất.

Điều này có thể làm tổn thương tâm lý người tiêu dùng nhiều hơn nữa.Và nếu có ba quý tăng trưởng âm liên tiếp, câu hỏi được đặt ra sẽ là: “Kinh tế Nhật Bản có đang ổn hay không?”

Cải cách là “sống còn”

Việc Nhật Bản để mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới “vào tay” nước Đức cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế là một đòn giáng mạnh vào lòng tự trọng của Xứ hoa Anh đào cũng như đối với Thủ tướng Fumio Kishida.

Tờ Nikkei cho biết trong một bài xã luận gần đây rằng Nhật Bản đã thất bại trong việc nâng cao tiềm năng tăng trưởng. Đây là tình trạng khó khăn mà các nhà kinh tế cho là do cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tại nước này.

Tờ báo nhận định: “Tình trạng này nên được coi là một lời cảnh tỉnh nhằm đẩy nhanh những cải cách kinh tế đang bị lãng quên (của Nhật Bản).”

Trong khi đó, Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Yoshitaka Shindo của Nhật Bản chia sẻ với các phóng viên rằng việc Đức vượt qua Nhật Bản về quy mô kinh tế cho thấy thúc đẩy cải cách cơ cấu là điều “bắt buộc.”

Cải cách sẽ bao gồm thu hút nhiều phụ nữ hơn làm việc toàn thời gian và giảm bớt các rào cản đối với đầu tư nước ngoài.

Hãng tin Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Shindo cho biết: “Chúng tôi sẽ triển khai tất cả các chính sách hỗ trợ tăng lương” nhằm khuyến khích tăng trưởng với động lực là nhu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục