Không thể phủ nhận rằng công nghệ đã chiếm vị trí trung tâm trong thời kỳ đại dịch. Từ trò chuyện bằng video với bạn bè thông qua điện thoại thông minh, hay theo dõi nhịp tim của mình trên đồng hồ sức khỏe, các thiết bị công nghệ đã đóng một vai trò hỗ trợ lớn cho con người trong suốt thời gian đại dịch hoành hành khiến việc đi lại, giao tiếp trở nên khó khăn.
Một số thiết bị sẽ dần không còn hữu ích khi cuộc sống từng bước trở lại bình thường, nhưng một số khác sẽ còn tiếp tục phát triển không chỉ dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng mà còn nhờ những “làn sóng” trong ngành công nghệ.
Dưới đây là một vài thiết bị và xu hướng nổi bật trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng có tiềm năng phát triển mạnh hơn trong năm 2022.
Robot tại gia đa năng
Robot hút bụi cùng những mẫu thiết bị chỉ dành cho một mục đích nhất định đã tương đối phổ biến. Nhưng giới đam mê công nghệ đang kỳ vọng về robot gia dụng đa năng đầu tiên có tên Astro của Amazon sẽ làm được nhiều hơn thế.
Astro có thể hoạt động như một robot bảo mật lưu động, theo dõi những người không nên có mặt ở nhà gia chủ. Ngoài ra, robot này sẽ chủ động tìm kiếm chủ nhân khi có cuộc gọi hoặc cảnh báo bất thường.
Thậm chí, Astro còn được phát triển để bầu bạn với người dùng, hoặc chỉ đơn thuần cung cấp phương tiện giải trí. Các phiên bản Astro thử nghiệm hiện tại có thể giúp chủ nhân làm một số công việc nhà, theo dõi sức khỏe cho người già sống một mình hay phục vụ mục đích giáo dục.
Nếu Amazon thành công, các nhà sản xuất khác chắc chắn sẽ nối bước “đại gia” này như cách họ đã làm khi Amazon giới thiệu trợ lý ảo Alexa thông qua loa thông minh Echo.
Thiết bị gia dụng ngày càng “thông minh”
Thế hệ sản phẩm "thông minh" đầu tiên thực sự chỉ là "sản phẩm được kết nối với Internet", từ smartphone có thể lướt web đến TV kết nối với Youtube và Netflix. Công nghệ học máy sau này đã nâng tầm các thiết bị đó.
Ngày nay, thay vì chỉ cho phép người dùng xem nội dung trực tuyến và chạy các ứng dụng cơ bản, TV thông minh tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để điều chỉnh hình ảnh và âm thanh phù hợp với môi trường xung quanh, tích hợp các thuật toán nhận dạng ngôn ngữ để chủ nhân có thể điều khiển chúng bằng giọng nói.
Các thiết bị tiêu dùng thông minh của năm 2022 sẽ dựa trên nền tảng này để cung cấp các giải pháp được cá nhân hóa cho những yêu cầu đặc biệt từ phía người dùng, như điều chỉnh góc chiếu màn hình TV hay theo dõi hoạt động của chủ nhân để đưa ra lời khuyên về thể chất.
VR và AR mở rộng tầm phổ biến
Trước đây, việc tương tác với nội dung kỹ thuật số và dịch vụ trực tuyến bao gồm việc kích thích hai giác quan-thị giác và thính giác. Trong tương lai, cả nhà sản xuất và nhà cung cấp nội dung nhắm tới thu hút người dùng thông qua cả kích thích xúc giác, vị giác và khứu giác để tạo ra trải nghiệm thật nhất có thể.
Phần lớn điều này sẽ diễn ra trong môi trường thực tế ảo (VR), nơi các thiết bị mới sẽ cho chúng ta ngửi và cảm nhận trải nghiệm các nội dung kỹ thuật số thông qua các thiết bị hỗ trợ như kính VR và trang phục sử dụng công nghệ haptic (loại công nghệ cung cấp phản ứng xúc giác từ môi trường ảo cho người dùng).
Các thiết bị thực tế ảo và thực tế tăng cường (AR) sẽ phát triển mạnh trong năm 2022. Công ty con chuyên về thiết bị VR của Meta - Oculus ước tính đã bán được gần hai triệu kính VR Quest 2 trong năm 2021 - một thông tin có thể tiếp sức để nhiều nhà sản xuất nội dung đưa trò chơi và trải nghiệm của họ lên môi trường VR.
Các công ty khác như HTC và Sony cũng có thể đẩy mạnh cuộc đua để giành lấy “miếng bánh” trên thị trường VR còn non nớt nhưng đầy tiềm năng này.
Nvidia - nhà sản xuất bộ xử lý đồ họa và âm thanh hàng đầu cũng không đứng ngoài cuộc: họ đang ứng dụng công nghệ giúp xây dựng các hình ảnh kỹ thuật số siêu thực vào việc kiến tạo âm thanh để nâng cao trải nghiệm của người dùng trong hoạt động giải trí có sử dụng thiết bị tai nghe VR.
Xin chào, Metaverse!
Trong nửa cuối năm 2021, một thuật ngữ mới đã khiến giới công nghệ “phát sốt”: Metaverse. Giới công nghệ đã dồn sự chú ý vào metaverse sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook công bố một khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực này, thậm chí mạnh tay đổi tên thành Meta - phản ánh tham vọng to lớn của họ.
Tới giờ, vẫn chưa có định nghĩa cụ thể nào về metaverse. Facebook mô tả nó như một tập hợp các không gian ảo, nơi người dùng có thể kết nối và tương tác với những người khác dù họ không ở cùng một không gian thực tế.
Giới quan sát cho rằng phần mới của loạt phim Ma trận đình đám sẽ thúc đẩy sự quan tâm của công chúng đối với thế giới ảo, và metaverse sẽ giúp họ trải nghiệm một phần “hương vị” này vào năm 2022. Các công ty bao gồm Facebook, Nvidia và Microsoft đã lên kế hoạch cho metaverse, với mục tiêu tạo ra thế giới trực tuyến phong phú, ổn định cho mục đích công việc, giao lưu và giải trí.
Không chỉ giới doanh nghiệp, một số chính phủ đã chú ý tới metaverse. Chính quyền thành phố Seoul đầu tháng 11 thông báo sẽ triển khai thực hiện dịch vụ công mới thông qua thế giới ảo trực tuyến với việc xây dựng nền tảng metaverse của riêng mình. Với tên gọi "Metaverse Seoul," dự án sẽ chính thức được triển khai từ nửa cuối năm tới.
Công nghệ sẽ không ngừng biến đổi và những thiết bị trên chỉ là một vài trong số rất nhiều xu hướng sẽ phát triển trong năm 2022. Chúng hứa hẹn sẽ đưa thế giới tiến bước sang một thời kỳ với những đột phá công nghệ mới, số hóa hơn và mang tới nhiều cơ hội sáng tạo hơn./.