Trang mạng aljazeera.com mới đây đã đăng tải bài viết trong đó dự đoán những xu hướng kinh tế chủ đạo của thế giới trong năm 2023.
Theo bài viết, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua một năm 2022 nhiều chông gai.
Khi các tác động tồi tệ nhất của dịch bệnh COVID-19 đã giảm bớt, xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường năng lượng và thực phẩm, trong khi lãi suất tăng có nguy cơ bóp nghẹt quá trình phục hồi sau đại dịch.
[2023 có thể là một năm ảm đạm hơn đối với nền kinh tế toàn cầu]
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau 3 năm thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt kiềm chế đại dịch, mang lại hy vọng phục hồi toàn cầu.
Tuy nhiên, hy vọng này cũng bị hạn chế giữa những lo ngại rằng sự lây lan dịch bệnh trong 1,4 tỷ dân của nước này có thể làm phát sinh nhiều biến thể nguy hiểm hơn.
Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong năm 2023, tuy nhiên sẽ vẫn ở mức cao.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo lạm phát toàn cầu sẽ ở mức 6,5% vào năm tới, giảm từ mức 8,8% năm 2022.
Lạm phát của các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ giảm ít hơn, dự kiến chỉ giảm xuống mức 8,1%.
Mặc dù tình trạng giá cả leo thang dự kiến sẽ giảm trong năm 2023, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ chậm lại cùng với việc lãi suất tăng.
IMF ước tính rằng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm 2023, giảm từ mức 3,2% của năm 2022.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán năm 2023 nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 2,2%, so với mức 3,1% của năm 2022.
Nhiều nhà kinh tế bi quan hơn và tin rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra vào năm 2023, chỉ 3 năm sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra.
Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật - được xác định khi 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm, nhà kinh tế trưởng của IMF mới đây đã cảnh báo rằng năm 2023 với nhiều người có thể vẫn giống một cuộc suy thoái do sự kết hợp của mức tăng trưởng chậm, giá cả cao và lãi suất tăng cao.
Bất chấp sự tàn phá kinh tế do COVID-19 và các đợt phong tỏa, các vụ phá sản trên thực tế đã giảm ở nhiều quốc gia trong năm 2020 và 2021 do sự kết hợp giữa các thỏa thuận không chính thức với các chủ nợ và các gói kích thích lớn của chính phủ.
Ví dụ, tại Mỹ, 16.140 doanh nghiệp đã nộp đơn tuyên bố phá sản vào năm 2021 và 22.391 doanh nghiệp đã làm như vậy vào năm 2020, so với con số 22.910 doanh nghiệp vào năm 2019.
Xu hướng này dự kiến sẽ đảo ngược vào năm 2023 trong bối cảnh giá năng lượng và lãi suất tăng cao.
Allianz Trade ước tính rằng tỷ lệ phá sản trên toàn cầu sẽ tăng hơn 10% trong năm 2022 và 19% vào năm 2023, cao hơn hẳn các mức trước đại dịch.
Ông Alexander Tziamalis, giảng viên kinh tế cấp cao tại Đại học Sheffield Hallam (Anh), cho rằng đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều doanh nghiệp phải đi vay các khoản lớn, làm tăng sự phụ thuộc vào các khoản vay giá rẻ.
Giờ đây, sự sống còn của các doanh nghiệp có nhiều nợ đang bị lung lay khi họ phải đối mặt với lãi suất và giá năng lượng cao hơn, nguyên liệu thô đắt hơn và chi tiêu tiêu dùng của người dân ít hơn.
Những nỗ lực nhằm đẩy lùi quá trình toàn cầu hóa đã tiến triển nhanh hơn năm nay và có vẻ sẽ tiếp tục tăng tốc vào năm 2023.
Kể từ khi bắt đầu dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung ngày càng diễn ra sâu sắc hơn dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Vào tháng Tám, Tổng thống Biden đã ký Đạo luật CHIPS và Khoa học ngăn chặn việc xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất tiên tiến sang Trung Quốc - một động thái nhằm kiềm chế sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc và thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp trong lĩnh vực sản xuất chip.
Việc thông qua luật này chỉ là một ví dụ mới nhất về xu hướng ngày càng rời xa tự do hóa thương mại và tự do hóa kinh tế, xích lại gần chủ nghĩa bảo hộ và khả năng tự cung tự cấp hơn, đặc biệt là trong các ngành quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia./.