“Du lịch xanh, du lịch bền vững trên nền tảng du lịch xanh sẽ là con đường phát triển xuyên suốt trong 10 năm tới của ngành du lịch Việt Nam.”
Tuy là xu hướng không mới trên thế giới và phát triển theo dòng chảy tòan cầu, nhưng lại một lần nữa vấn đề này được lãnh đạo ngành khẳng định tại hội thảo Xu hướng phát triển du lịch của thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam, diễn ra sáng nay (ngày 20/8), tại Hà Nội.
[Bảo tồn văn hóa người Dao gắn với du lịch cộng đồng ở Ba Chẽ]
Dự báo từ Tổ chức Du lịch thế giới
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích thăm quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%.
Theo tổ chức này dự báo trong thời gian tới, du lịch toàn cầu tiếp tục tăng trưởng theo các xu hướng chủ đạo như: Nhu cầu du lịch toàn cầu bùng nổ, đặc biệt trong giới trung lưu đang tăng lên tại Trung Quốc, tạo cơ hội kinh tế đáng kể cho các điểm đến khu vực Đông Nam Á. Đất nước tỷ dân trở thành thị trường nguồn lớn nhất thế giới và sẽ tác động mạnh đến chính sách phát triển du lịch của nhiều quốc gia.
Trong giai đoạn 2018-2028, nhu cầu du lịch sẽ tăng 4% hàng năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự báo đón 535 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030, đứng đầu thế giới.
Tuy mục đích của đa số thị trường khách vẫn là thăm quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, song nhiều nhu cầu mới sẽ hình thành. Du khách ngày càng quan tâm tới nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi).
Đăc biệt, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến. Phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng vừa là xu hướng vừa là đòi hỏi tất yếu đối với ngành du lịch để thực hiện nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững.
Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá, sự phát triển mạnh mẽ của hàng không giá rẻ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho ngành du lịch, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch bằng đường hàng không. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch tàu biển tiếp tục gia tăng với các du thuyền sang trọng, hiện đại.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh đến phương thức quản lý và kinh doanh du lịch, hình thành các xu hướng du lịch mới như du lịch thông minh, du lịch sáng tạo.
Khác với tour truyền thống, du lịch thông minh chú trọng đến lợi ích của du khách nhưng lại đảm bảo mức chi phí thấp, an toàn và thuận tiện nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ, sử dụng các thiết bị hiện đại và thông tin, dữ liệu toàn cầu…
Đâu là tương lai của du lịch?
Những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng du lịch bắt đầu có những thay đổi mới mẻ từ chi trả tiền mặt sang thanh toán thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh.
Khách đi du lịch theo phương thức trả sau với 82% ứng từ lương cũng đang là xu hướng được ưa chuộng. Các dịch vụ đặt chỗ vé máy bay, khách sạn thông qua điện thoại thông minh tăng mạnh.
Nền tảng công nghệ số và dữ liệu sẽ chi phối tăng trưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 80% chuyến đi du lịch được đặt trực tuyến và 87% thế hệ trẻ cho rằng, điện thoại thông minh là công cụ cần thiết cho du lịch.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành dịch vụ nhận định, công nghệ thông tin và mạng xã hội sẽ là tương lai của ngành du lịch.
Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch cũng đang thay đổi rõ rệt. Những năm trước đây, nếu tỷ trọng chi tiêu của khách dành phần lớn cho dịch vụ cơ bản như ăn, uống, vận chuyển, thì nay tỷ trọng này đã nhường chỗ cho các dịch vụ như mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm, thăm quan giải trí…
Trên thực tế, ngành du lịch thế giới đang chứng kiến sự phát triển của nhiều xu hướng du lịch khác nhau như: tour tự thiết kế, tour cao cấp, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch giải trí với các thiết bị hiện đại… Trước làn sóng này, lữ hành trong nước cũng phải đầu tư chất xám nhiều hơn trong việc xây dựng các sản phẩm tour đáp ứng nhu cầu thị trường.
Không chỉ thế giới mà ở Việt Nam, những chuyến đi nghỉ dưỡng đơn thuần không còn được lựa chọn nhiều. Du khách đang quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị. Nếu trước đây, du lịch biển theo trào lưu là phổ biến thì những năm gần đây đã chuyển hướng sang nghỉ dưỡng ở núi, trải nghiệm văn hóa địa phương.
Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành.
Du lịch công nghệ cao như du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo, du lịch điện tử… thông qua các khu vui chơi giải trí hiện đại, các công viên, tổ hợp giải trí cũng ngày càng thu hút số lượng lớn khách du lịch.
Không nằm ngoài dòng chảy đó, diện mạo du lịch Việt cũng đang có những chuyển biến tích cực theo xu thế toàn cầu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tổ chức UNWTO đánh giá khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới, và Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất./.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), số lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu năm 2018 đã vượt lên mốc 1,4 tỷ lượt khách, tăng 74 triệu lượt so với năm 2017. Dự báo đến năm 2030, số lượng khách du lịch đạt 1,8 tỷ lượt. Năm 2018, ngành du lịch Việt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 15,6 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Cùng với số lượng khách du lịch tăng nhanh, nhu cầu xu hướng du lịch mới đã và đang có sự thay đổi đáng kể. |