Những xét nghiệm cần thiết phát hiện sớm ung thư trực tràng

Tại Việt Nam, theo thống kê của ngành y tế, các bệnh lý đường tiêu hóa cũng đứng đầu trong nhóm bệnh nội khoa, nguy hiểm nhất là ung thư đường tiêu hóa.
Hệ thống xét nghiệm máu tại một bệnh viện. (Ảnh: TTXVN)

Theo số liệu cập nhật về bệnh ung thư, trên thế giới mỗi năm có 14 triệu người mắc ung thư và hơn 8 triệu người tử vong vì căn bệnh này, trong đó ung thư đường tiêu hóa đứng thứ 3 trong các loại ung thư gây tử vong trên thế giới. 

Tại Việt Nam, theo thống kê của ngành y tế, các bệnh lý đường tiêu hóa cũng đứng đầu trong nhóm bệnh nội khoa, nguy hiểm nhất là ung thư đường tiêu hóa.

[Cuba thử nghiệm loại vắcxin Savax giúp phòng chống ung thư]

Về bệnh ung thư trực tràng, theo phó giáo sư Vũ Hồng Thăng - Phó trưởng Khoa điều trị nội 4 (Bệnh viện K); Phó trưởng bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, tại bệnh viện K số bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa có xu hướng gia tăng, trong đó điển hình là ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày…

Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như ý thức của người dân, có rất nhiều bệnh nhân mắc ung thư đường tiêu hóa đã được phát hiện ở giai đoạn sớm nên kết quả điều trị khả quan.

Thạc sỹ Phí Thị Quang - Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết, hiện nay, ung thư đại trực tràng tại Việt Nam đang gia tăng bởi nhiều yếu tố nguy cơ như chế độ ăn nhiều thịt mỡ, động vật. Đặc biệt là nhiều loại thực phẩm nhiễm hóa chất gây ung thư như: benzopyren, nitrosamin, chế độ ăn ít chất xơ, vitamin A, B, C, E,…hay những bệnh nhân sống trong gia đình có người từng bị ung thư đại tràng.

Bác sỹ Quang khuyến cáo: “Ung thư tiêu hóa có khả năng chữa trị được nếu phát hiện sớm và có phương pháp can thiệp chính xác, kịp thời. Người bệnh nếu thấy xuất hiện polyp trong ruột già, đặc biệt khi kích thước trên 2cm cũng như hiện tượng viêm đại trực tràng chảy máu thì người bệnh phải hết sức lưu ý, tầm soát kỹ lưỡng.”

Theo các chuyên gia, người dân nếu nghi ngờ ung thư đại tràng, đi kiểm tra, bác sỹ có thể đề nghị bệnh nhân làm các xét nghiệm như tìm máu ẩn trong phân - đây là xét nghiệm bước đầu có giá trị trong tầm soát ung thư đường tiêu hóa.

Bên cạnh đó là các xét nghiệm đặc hiệu như xét nghiệm CEA. CEA - là các chất được tế bào ung thư sản xuất. Chất này có thể tăng cao ở bệnh nhân ung thư đại tràng, nên là xét nghiệm có ý nghĩa theo dõi bệnh nhân đang điều trị và sau điều trị ung thư đại trực tràng.

Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện thủ thuật nội soi đại tràng, sinh thiết nếu phát hiện tổn thương tiền ung thư hoặc nghi ngờ ung thư. Việc nội soi đại tràng sẽ giúp dễ dàng phát hiện khối polyp với kích thước nhỏ và tổn thương đại trực tràng khác.

Việc sinh thiết được áp dụng khi bệnh nhân nội soi đại tràng phát hiện tổn thương tiền ung thư hoặc nghi ngờ ung thư bác sỹ sẽ tiến hành sinh thiết hoặc cắt bỏ các tổn thương và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất với các tổn thương này.

Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phát hiện bệnh sớm, nên đi khám bệnh định kỳ, nếu phát hiện sớm việc điều trị sẽ đem lại hiệu quả cao. Với bệnh ung thư đại trực tràng, ngay cả khi không có triệu chứng gì thì người bình thường từ 50 tuổi trở lên nên khám sàng lọc như nội soi hay xét nghiệm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục