Đến xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa vào những ngày này sẽ dễ dàng bắt gặp những vườn cam lòng vàng, cam đường canh trĩu trịt quả, vàng rực trên những sườn đồi.
Đây là thời điểm cam Xuân Hòa bước vào thu hoạch chính vụ. Với giá giao động từ 15.000-20.000 đồng/kg, giờ đây cam Xuân Hòa không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo ở địa phương, mà còn là cây trồng chủ lực giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương mình.
Hơn một tuần nay, trên cánh đồng cam rộng hơn 10ha của gia đình anh Lê Minh Hải, xã Xuân Hòa không khí lao động sản xuất trở nên hối hả, nhộn nhịp. Đây là thời điểm thu hoạch chính trong năm, gia đình anh phải huy động hơn 10 lao động địa phương đến thu hoạch để kịp chuyển cho thương lái. Cắt cam, gùi cam, phân loại quả, đóng thùng… từng công đoạn đều được người nông dân làm tỷ mẩn, cẩn thận.
Thoăn thoắt chọn những quả cam đủ độ chín để cắt cho thương lái, ông Phạm Văn Thơ cho biết cam năm nay được đánh giá đẹp hơn mọi năm, quả to, tròn đều, vỏ nhẵn, mọng nước… Cam chỉ cho thu hoạch một vụ duy nhất trong năm, thường vào tháng 11, 12 do vậy đây là dịp cao điểm thu hoạch. Những ngày này, do thương lái đến cắt cam với số lượng lớn nên chúng tôi phải có mặt tại vườn từ sáng sớm đến tối mịt mới hết đơn hàng trong ngày.
Có mặt tại vườn cam từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Nga, quê Nghệ An cho biết cứ vào thời điểm cuối năm, tôi đều đến Xuân Hòa lấy sỉ cam chuyển về bán tại thành phố Vinh. Cam lòng vàng Xuân Hòa có vỏ căng bóng, mịn màng; khi ăn có vị ngọt đậm, nhiều nước; cam đường canh quả căng, múi mọng, ít bị khô và ăn có vị ngọt thanh mát nên năm nào tôi cũng lấy hai loại này về bán rất đắt khách…
[Cam lòng vàng Hà Giang tiêu thụ mạnh ở chuỗi siêu thụ VinMart]
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam trĩu trịt quả vàng óng cả một vạt đồi, anh Lê Minh Hải, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân - một trong những người tiên phong đầu tiên trồng cây cam ở đất Xuân Hòa cho biết trước khi trồng cam, cũng như các gia đình khác ở Xuân Hòa, anh Hải chủ yếu trồng mía, sắn, dứa… tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2015, gia đình anh Hải đã mạnh dạn phá bỏ những diện tích cây trồng kém hiệu quả và chuyển hướng sang trồng cam. Cam là một loại cây khó trồng, kén đất và thời tiết nên những năm đầu chuyển đổi, gia đình cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, do chịu khó học hỏi, tìm tòi nên sau 3 năm (từ năm 2015-2018), vườn cam của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch.
Theo hạch toán của anh Hải, một hecta cam tính từ khi trồng đến lúc thu hoạch đầu tư khoảng từ 250-300 triệu đồng/ha; với năng xuất hiện tại từ 25 đến 30 tấn/ha,trừ các chi phí, mỗi năm gia đình anh Hải thu lãi từ 150-170 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế từ trồng cam mang lại được đánh giá cao gấp từ 2-3 lần so với trồng các loại cây khác trước kia như keo, sắn, dứa…
Cũng như gia đình anh Hải, từ đầu tháng 11 đến nay, vườn cam rộng gần 8ha của gia đình anh Nguyễn Hữu Khang, thôn 8, xã Xuân Hòa cũng đang đến kỳ thu hoạch rộ. Cẩn thận chọn những quả cam to đẹp nhất để đóng thùng gửi ra cho khách hàng Hà Nội, anh Khang phấn khởi cho biết, cứ đến đầu tháng Chín hằng năm, các thương lái quen đã đến vườn cam đặt mua.
Với chất lượng cam đã được khẳng định những năm trước nên năm nay, vườn cam của gia đình anh chỉ đủ phục vụ bán cho khách quen ở trong và ngoài tỉnh. Nhiều khách hàng được bạn bè giới thiệu cũng gọi điện đặt cam nhưng không đủ để bán.
Xác định cam là một trong những cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của các hộ nông dân ở xã Xuân Hòa, từ năm 2014 đến nay, xã Xuân Hòa đã chuyển đổi được 177ha đất nông nghiệp sang trồng cam đường canh và cam lòng vàng, với 38 hộ gia đình tham gia.
Để giúp các hộ dân trong quá trình sản xuất, phát triển bền vững vùng cây ăn quả, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã có những chính sách hỗ trợ hiệu quả, phù hợp như hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giống, phân bón; hỗ trợ tiền cải tạo đất 15 triệu đồng/ha cây.
Ngoài ra, năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã hỗ trợ xã Xuân Hòa một chiếc máy cày; đầu năm 2020, hỗ trợ tiếp xây dựng một nhà kho bảo quản sản phẩm sau thu hoạch với diện tích 500m2 với tổng kinh phí 4 tỷ đồng và 2 nhà trưng bày sản phẩm…
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Hòa phấn khởi cho biết, mới đây, sản phẩm cam Xuân Hòa gồm cam đường canh và cam lòng vàng, qua kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt của cơ quan chức năng chuyên môn đã được xếp hạng 3 sao trong danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh.
Để hướng tới xây dựng thương hiệu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm cam Xuân Hòa với người tiêu dùng, chuẩn bị vào vụ thu hoạch cam năm nay (bắt đầu từ tháng 11), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã hỗ trợ cho bà con trồng cam tại đây toàn bộ bao bì bao gói sản phẩm và nhãn mác, xuất xứ của sản phẩm.
Để phát triển bền vững cây cam, sắp tới địa phương sẽ duy trì ổn định diện tích 177 ha cam; chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, địa phương sẽ chủ trọng khâu liên kết, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, không để xảy ra tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như trước kia./.