Những vụ ngộ độc do ăn sâu ban miêu và nhầm tưởng chết người

Nhiều người nhầm tưởng sâu ban miêu lành tính vì loài này có nhiều ở rau ngót, rau tầm bóp…, tuy nhiên, đây thực chất là một loài bọ cánh cứng chứa chất độc Cartharidin.
Sâu ban miêu gây ngộ độc cho nhiều người sau khi ăn. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Thời gian qua, đã có một số trường hợp ngộ độc khi ăn sâu ban miêu. Vậy sâu ban miêu có chất độc gì và vì sao nhiều người vẫn ăn loài bọ cánh cứng này?

Ngộ độc sâu ban miêu có thể dẫn tới tử vong

Hồi đầu tháng Năm này, Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 3 trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu.

Vào khoảng 19 giờ ngày 5/5, 5 người ở tỉnh Yên Bái cùng ăn cơm tối, bữa cơm có món sâu ban miêu chiên. Trong 5 người, có 3 người ăn món sâu ban miêu, 2 người còn lại không ăn.

Sau khi ăn khoảng 1-3 giờ đồng hồ, 3 người ăn sâu ban miêu có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng, tiểu buốt, tiểu khó, có người tiểu ra máu…

Sáng sớm hôm sau, 3 người cùng vào bệnh viện địa phương để thăm khám. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc nên đã chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Theo một bệnh nhân, vì nghe nói sâu ban miêu ăn được và thấy loài sâu này có nhiều ở rau ngót, rau tầm bóp…, nghĩ là lành nên người này đã bắt sâu về chế biến cho mọi người cùng ăn. Sau khi ăn, ba người có biểu hiện giống nhau, nghi bị ngộ độc nên đã cùng đến thăm khám tại bệnh viện địa phương.

Cách đây khoảng 1 năm, ba bệnh nhân ở Lạng Sơn cũng bị ngộ độc sau khi ăn món sâu ban miêu chiên.

Người nhà của bệnh nhân cho hay sau khi ăn khoảng 20 phút, cả 3 người xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn và nôn ra máu, khó thở, tiểu buốt, phồng rộp niêm mạc vùng lưỡi...

Các bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn với chẩn đoán ngộ độc do ăn sâu ban miêu, suy đa tạng. Sau đó, các bệnh nhân được chuyển tiếp đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Một trường hợp ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu. (Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai)

Hồi năm 2022, một người ở xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã tử vong sau khi ăn sâu ban miêu. Theo người nhà nạn nhân, ông Trần M.H. (50 tuổi) và bà Bùi Thị B. (64 tuổi) đã bắt loại sâu ban miêu này rồi chế biến. Sau đó, cả hai người bị nôn ra máu, rộp miệng lưỡi.

Các nạn nhân đã được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương để cấp cứu và sau đó chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, do ngộ độc nặng, bà B. đã tử vong.

Nhầm tưởng về sâu ban miêu

Sâu ban miêu có đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.

Nhiều người nhầm tưởng rằng sâu ban miêu lành tính vì loài này có nhiều ở rau ngót, rau tầm bóp…, tuy nhiên đây thực chất là một loài bọ cánh cứng, chứa chất độc Cartharidin. Sâu ban miêu có một số loài khác nhau nhưng chúng đều chứa chất độc này.

Sâu ban miêu.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai, sâu ban miêu chứa chất độc Cartharidin - một chất rất độc, hủy hoại và gây chết protein. Chất này đi đến đâu sẽ gây tổn thương protein đến đó.

"Khi ăn phải chất này, đầu tiên, người bệnh sẽ bị tổn thương đường tiêu hóa, gây phồng rộp, bỏng đường tiêu hóa, hoại tử dạ dày, ruột… Cartharidin đi đến cơ quan nào sẽ làm tổn thương cơ quan đó nên sau khi gây tổn thương đường tiêu hóa sẽ gây tổn thương gan, thận… và thậm chí có thể gây tử vong," Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Cũng theo chuyên gia chống độc, biểu hiện đầu tiên của người ngộ độc Cartharidin sẽ liên quan đến đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, nôn ra máu, đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy…, sau đó đến các biểu hiện như đi tiểu buốt, tiểu khó, tiểu ra máu…

Các bệnh nhân ngộ độc Cartharidin cần phải được cấp cứu kịp thời, nếu không nguy cơ biến chứng sẽ rất nặng. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm chất độc này cũng rất cao. Thực tế đã ghi nhận trường hợp tử vong vì ăn sâu ban miêu.

Theo chuyên gia chống độc, hiện tại, vẫn có nhiều người dân ăn sâu ban miêu, thậm chí sử dụng loại sâu này để làm thuốc chữa bệnh. Hành động này vô cùng nguy hiểm.

Ngoài ra, người dân cũng cần từ bỏ thói quen ăn những loại côn trùng, động vật lạ vì rất nguy hiểm, rủi ro cao khi không biết chúng có chứa chất độc hay không.

Khi thấy có những biểu hiện như buồn nôn, đau bụng, tiểu ra máu…, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục