Những việc nên và không nên làm để một năm mới suôn sẻ

Ngay sau khi dành cho nhau những lời chúc sức khỏe, ông bà, cha mẹ chúc Tết lại con cháu, kèm theo những phong bao “lì xì” màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn.
Những việc nên và không nên làm để một năm mới suôn sẻ ảnh 1Lì xì luôn là nét đẹp truyền thống mỗi khi Tết đến. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Theo quan niệm, Tết là thời khắc khởi đầu của một năm mới. Chính vì vậy, ngay trong đêm giao thừa và ngày mồng 1 đầu năm mới, nhiều người chúng ta vẫn muốn được làm một số việc để mang lại may mắn tài lộc cho một năm vạn sự như ý. Bên cạnh đó, người Việt vẫn có những điều kiêng kỵ không nên làm để tránh những điều xui xẻo, không may mắn sẽ đến trong cả một năm.

Những việc nên làm trong ngày đầu năm mới:

Chúc Tết

“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy.” Nếp sống này đã trở thành một phong tục được gìn giữ qua biết bao thế hệ, thể hiện lòng hiếu thảo, sự tri ân của con cháu với ông bà cha mẹ, thầy cô - những người có công sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục ta nên người.

Sáng ngày mồng Một - ngày đầu tiên của năm mới, vợ chồng con cái, anh em sẽ về bên nội để chúc Tết bố mẹ, ông bà và thắp hương cúng bái tổ tiên. Con cháu trong nhà, lần lượt từ người lớn đến trẻ nhỏ nói lời chúc sức khỏe, an khang thịnh vượng đến ông bà, cha mẹ.

Đây cũng là khoảng thời gian thảnh thơi nhất, mọi người cùng nhau trò chuyện tạo nhâm nhi ly rượu vang và mọi người cùng chuyện trò vui vẻ bên khay mứt Tết tạo nên tình cảm ấm cúng trong gia đình.

Lì xì và nhận lì xì

Ngay sau khi dành cho nhau những lời chúc sức khỏe, ông bà, cha mẹ chúc Tết lại con cháu, kèm theo những phong bao “lì xì” màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn trao cho những thành viên nhỏ tuổi trong gia đình.

Đối với những người trưởng thành nên dành phong bao mừng tuổi cho ông bà, ba mẹ của mình cùng chúc một năm an lành, thịnh vượng, các cụ mạnh khỏe, trường thọ, bố mẹ luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, công việc hanh thông.

Lễ chùa đầu năm

Sau khi chúc Tết, nhiều người còn ra chùa lễ Phật để đón giờ phút thiêng liêng khi đất trời vừa bước sang năm mới, cầu mong năm mới nhiều may mắn.

Bất cứ ai khi đến chùa đều mong tìm sự bình an cho gia đình, nghiệm ra những Nhân quả thông qua giáo lý nhà Phật. Từ đó có thể dạy lại cho con cháu sống tốt hơn, hướng thiện hơn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

[Những điều kiêng kỵ ngày Tết để tránh đem lại xui xẻo cả năm]

Nhiều người quan niệm, dù đi làm ăn ở đâu xa, tết trở về làng mình, thắp nén nhang trước mộ tổ tiên, viếng thăm ngôi chùa làng nhỏ bé, nhưng gần gũi và thiêng liêng, dâng tiền giọt dầu hoặc tiền công đức tại chùa cầu mong sức khỏe, bình an đến với người thân của mình.

Nhiều người cũng quan niệm Phật không phải ngoại cầu, mà tìm ở trong chính bản thân mình. Cho nên, đi lễ chùa chỉ là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người.

Xin chữ đầu năm

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt có tục xin và cho chữ đầu năm. Đây là nét văn hóa có từ lâu đời thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.

Người được mọi người xin chữ là bậc nho sĩ, thầy đồ, thầy giáo học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp, lại có tiếng hiền tài, đức độ. Chữ xin đầu năm tùy theo nguyện vọng, từng lứa tuổi, từng hoàn cảnh của người xin chữ. Người đi học thường xin chữ Trí, Tài. Người buôn bán, kinh doanh xin chữ Lộc, chữ Phát. Xin cho gia đình thường là chữ Phúc, Thọ với hi vọng những chữ này sẽ đem lại may mắn cho họ và gia đình trong năm mới.

Khai bút đầu xuân

Tục khai bút đầu xuân hay còn gọi là khai bút đầu năm hay chắp bút đầu năm thường được các học sỹ, học giả xưa thực hiện. Sau giao thừa, vào những thời khắc đầu tiên của năm mới, mỗi người thường tự chọn cho mình một thời điểm được coi là giờ tốt, giờ đẹp nhất để làm lễ khai bút.

Theo quan niệm dân gian, câu chữ "khai bút đầu xuân" có thể là dòng chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút hoặc một vài câu thơ được sáng tác ngẫu hứng. Đôi khi, nó cũng chỉ đơn giản là những xúc cảm hay những mong ước tốt đẹp về gia đình, bạn bè, công việc, học hành, thi cử…

Khai bút đầu năm là việc nên làm dịp Tết, đặc biệt là khoảnh khắc giao thừa đối với học sinh, sinh viên và những người có công việc cần phải viết nhiều như: phóng viên, giáo viên, nhà thơ, nhà văn…

Học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp khai bút bằng cách giải bài tập. Nhà thơ, nhà văn khai bút bằng tác phẩm xuất phát từ cảm hứng trong khoảnh khắc giao thừa hoặc đơn giản chỉ là một câu thơ, câu văn… với ý nghĩa một năm mới suôn sẻ trong học tập và công việc.

Mua muối đầu năm

Theo quan niệm của ông bà xưa, việc mua muối đầu năm, mua vôi cuối năm giúp gia đình có thể xua đuổi được mọi xui xẻo, tà ma trong năm cũ và chào đón những may mắn, tài lộc trong năm mới.

Bởi vậy, sáng mùng 1 Tết, không khó để có thể nghe được những tiếng rao “Ai mua muối đi, ai mua muối nào…” vang lên ở khắp đường làng, ngõ xóm. Nhiều người tin rằng việc mua muối đầu năm sẽ mang lại may mắn, đầm ấm cho cả gia đình. Muối cũng tượng trưng cho sự đậm đà, hòa thuận trong gia đình và trong các quan hệ hàng xóm, láng giềng, bạn bè, đối tác làm ăn.

Người bán muối sẽ đong một bát có ngọn đầy đủ và kiêng không gạt ngang miệng bát bởi một bát muối đầy đủ ngọn sẽ mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn cả năm.

Những việc nên và không nên làm để một năm mới suôn sẻ ảnh 2Nhiều người quan niệm nếu cho lửa đi trong ngày đầu năm nghĩa là cho đi vận may của bản thân. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Những điều không nên làm trong ngày đầu năm mới:

Không cho lửa, nước

Lửa có màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, đồng thời hơi ấm của lửa cũng mang lại sự ấm áp, nếu cho lửa đi trong ngày đầu năm nghĩa là cho đi vận may của bản thân và sẽ dễ gặp xui xẻo trong cả năm đó. Nên những ngày đầu năm, trong tín ngưỡng của người Việt, họ hạn chế tối đa việc xin lửa và cho lửa.

Cũng giống như lửa, nước (Thủy) là một trong ngũ hành (Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), là nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ, tượng trưng cho sự sinh sôi ”Tiền vào như nước”.

Hình ảnh nước đầy ăm ắp tượng trưng cho sự may mắn, mát lành. Cho nên, trước ngày đầu năm mới, nhà nào cũng lo đổ nước đầy bể, dự trữ nước đủ cho sinh hoạt trong những ngày Tết. Cho lửa, nước đầu năm có nghĩa là cho đi may mắn của gia đình.

Kiêng quét nhà, đổ rác vào ngày mùng 1 Tết

Ngày mùng một, các gia đình đều kiêng không quét nhà, đổ rác trong ngày mùng 1 bởi theo quan niệm của người Việt, làm như vậy sẽ hất tài lộc ra khỏi nhà.

Chính vì vậy, ở trong góc nhà của mỗi gia đình thường có “đống rác” có thể là giấy kẹo, vỏ bí, vỏ hạt hướng dương… Cũng có gia đình hết ngày mồng 1 sẽ quét dọn chỗ rác này nhưng cũng có gia đình phải đợi khi nào tắt đèn hương mới mang rác ra ngoài.

Vì vậy, cuối năm mọi người thường xuyên tổ chức dọn dẹp nhà cửa để những ngày sau không phải quét nhà.

Trách đổ vỡ các vật dụng trong nhà

Vào ngày đầu năm, người Việt đặc biệt cẩn thận trong việc sử dụng đồ đạc, đặc biệt là các vật dụng bằng thủy tinh, sứ dễ vỡ. Văn hóa dân gian truyền thống lâu nay luôn quan niệm việc làm rơi vỡ đồ vào năm mới không những không đem lại may mắn, mà còn tạo nên sự chia cắt, đứt lìa trong gia đình.

Những việc nên và không nên làm để một năm mới suôn sẻ ảnh 3Nếu đi vay tiền, đồng nghĩa với việc cả năm sẽ luôn trong tình trạng túng thiếu và tiếp tục đi vay mượn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Không vay mượn, trả nợ ngày đầu năm

Theo quan niệm của người xưa, những ngày đầu năm là dịp để mở cửa đón tài lộc, may mắn. Nếu đi vay tiền, đồng nghĩa với việc cả năm sẽ luôn trong tình trạng túng thiếu và tiếp tục đi vay mượn. Còn nếu cho vay dịp đầu năm cũng có nghĩa là mang tài lộc mà bản thân mình đang có đi phân phát khắp nơi.

Đối với đa phần người Việt, chuyện vay mượn thường được giải quyết một cách trọn vẹn vào dịp cuối năm. Những thứ cũ kỹ còn bị nợ lại được trả hết, phần vì ai cũng cần có một khoản lớn để chuẩn bị và chi tiêu cho dịp năm mới, phần vì không ai muốn năm mới luôn luôn mang nợ để phải trả nợ cả năm.

Kiêng xông nhà khi không hợp tuổi với gia chủ

Với người Việt Nam người xông đất rất quan trọng, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày mùng 1 Tết chính là người quyết định đem lại sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm.

Vì thế nếu không được gia chủ mời thì bạn nên tránh đi chúc Tết vào sáng mùng 1. Ngày đầu năm mới người Việt Nam thường chỉ đi thăm họ hàng, người thân.

Những gia đình có tang cũng không nên đi chúc tết trong những ngày đầu năm mới để tránh những điều không hay cho gia chủ.

Kiêng không nói tới điều rủi ro

Nhiều người cho rằng nếu nói tới điều rủi ro trong ngày này sẽ khiến điều đó vận vào mình chính vì vậy tốt nhất là không nói đến những chuyện không vui, chuyện xấu.

Ngày Tết là ngày vui nên ai cũng ứng xử vui vẻ, hòa nhã với nhau, tránh to tiếng, nói tục, xô xát để tránh gặp xui xẻo cả năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục