Những vấn đề trong chuỗi cung ứng đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu

Nguy cơ hiện hữu là dù các nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại sau thời gian đình trệ mọi hoạt động vì dịch COVID-19 thì tăng trưởng vẫn có thể chậm lại vì sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu.
Những vấn đề trong chuỗi cung ứng đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy dệt may ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 14/9/2021. (Ảnh: JIO/TTXVN)

Tình trạng mất điện tại Trung Quốc, cạn kiệt nhiên liệu ở Anh và đóng cửa các nhà máy ở Đức... - những vấn đề tồn tại trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới - đang đe dọa cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau thời kỳ suy giảm vì tác động của đại dịch COVID-19.

Tuần vừa qua, thế giới đã chứng kiến những ví dụ điển hình cho thấy các vấn đề trong chuỗi cung ứng có thể cản trở các hoạt động kinh tế toàn cầu như thế nào.

Trung Quốc khan hiếm than đá cung cấp cho các nhà máy điện, Anh thiếu lái xe tải để vận chuyển xăng, dầu tới các điểm phân phối trên cả nước, giá khí đốt tăng mạnh trên toàn châu Âu khi cầu vượt quá cung.

Theo chuyên gia nghiên cứu từ Viện Bruegel ở Brussels, Niclas Poitiers, nguy cơ hiện hữu là dù các nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại sau thời gian đình trệ mọi hoạt động vì dịch COVID-19 thì tăng trưởng vẫn có thể chậm lại vì sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu.

Các dữ liệu kinh tế đã bắt đầu phản ánh những khó khăn thực tiễn: hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng Chín lần đầu tiên suy giảm kể từ đầu năm nay.

Tại Pháp, hoạt động sản xuất cũng rơi xuống mức thấp nhất từ tháng 1/2021 và ở Nhật Bản, sản lượng công nghiệp tháng Tám cũng giảm và đây cũng là tháng giảm thứ hai liên tiếp.

Các công ty cũng ngày càng khó khăn hơn trong việc tìm nguồn cung nguyên liệu thô và các phụ tùng cần thiết để duy trì các dây chuyền sản xuất.

Trong khi đó, ngành chế tạo ôtô đang chịu tác động nghiêm trọng do thiếu chip bán dẫn. Hãng chế tạo ôtô Toyota hàng đầu thế giới của Nhật Bản đã phải cắt giảm dự báo sản lượng tháng Chín, trong khi hãng Stellantis thông báo sẽ tạm dừng hoạt động nhà máy ở Đức thuộc chi nhánh Opel cho đến đầu năm sau.

Theo công ty tư vấn Alix Partners, ngành này được dự báo sẽ giảm 210 triệu USD doanh thu trong năm 2021, gấp đôi mức dự báo từng được đưa ra hồi đầu năm.

Ngành dệt may cũng nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn. Hãng thời trang H&M hàng đầu của Thụy Điển từng bày tỏ quan ngại về tình trạng gián đoạn và trì hoãn các hợp đồng cung cấp sản phẩm.

Thương hiệu đồ nội thất IKEA thông báo sẽ không thể chào bán nhiều sản phẩm chủ chốt vì thiếu nhân viên vận chuyển và giá nguyên liệu thô tăng mạng.

Theo Freightos Baltic, chi phí vận chuyển giữa Trung Quốc và vùng bờ Tây của Mỹ đã tăng hơn gấp 5 lần tính từ đầu năm nay do những áp lực phục hồi hậu COVID-19.

[WTO cảnh báo về những trở ngại đối với sự phục hồi kinh tế thế giới]

Chuyên gia phân tích Jacob Kirkegaard, Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) ở Washington, cho rằng do đặc thù liên kết qua lại chặt chẽ trong ngành vận tải hàng hóa toàn cầu nên ngành này rất khó có thể nhanh chóng điều chỉnh để ứng phó với những biến động lớn trong thời gian ngắn.

Nhìn chung, chuyên gia Jacob Kirkegaard nhận định những vấn đề về chuỗi cung ứng cũng có thể chỉ là “một chút gián đoạn” với quá trình hồi phục kinh tế và không cho rằng những vấn đề này có thể gây ra một cú sốc đủ lớn để đẩy kinh tế toàn cầu về vùng suy giảm 2 con số.

Về phần mình, chuyên gia Poitier cũng tin rằng phần lớn những vấn đề kể trên sẽ được tháo gỡ trong trung hạn. Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell từng cảnh báo tình trạng tắc nghẽn và khó khăn trong tuyển dụng lao động có thể dẫn tới tác động nghiêm trọng hơn và kéo dài lâu hơn dự báo.

Ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia đều nhất trí rằng đại dịch COVID-19 vẫn là yếu tố gây nguy cơ lớn nhất với tiến trình phục hồi kinh tế.

Theo chuyên gia Frances Coppola, tác giả của blog phân tích tài chính Coppola Comment, thương mại toàn cầu sẽ không thể trở về trạng thái bình thường nếu trên thế giới vẫn còn người tử vong vì COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục