Ngày 12/1, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết Ban vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nhóm vấn đề nổi bật đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Các khó khăn này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực hải quan, quản lý giao dịch liên kết và những bất cập về quy định giải trình việc góp vốn và tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Thúc đẩy phát triển logistics
Theo các chuyên gia quốc tế và trong nước, Việt Nam có những lợi thế về địa lý và tự nhiên vượt trội so với khu vực để trở thành trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa khu vực và thế giới, bao gồm cả lĩnh vực vận chuyển hàng quá cảnh. Định hướng này cũng đã được cụ thể hóa và đưa vào nhiều văn bản pháp lý quan trọng của Việt Nam.
Với lợi thế tự nhiên sẵn có như vậy cùng nhiều hạ tầng quan trọng đã đầu tư, Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á xét về số tuyến vận tải quốc tế, sau Malaysia và Singapore, đồng thời tiếp tục có nhiều đề án quan trọng để tận dụng lợi thế, phát huy tối đa vai trò của Việt Nam trong các chuỗi thương mại toàn cầu.
Theo tính toán sơ bộ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng quá cảnh, lưu lượng hàng hóa quá cảnh năm 2022 thông qua tuyến đường vận tải đường bộ từ biên giới phía Bắc qua lãnh thổ Việt Nam để sang Lào, Campuchia và ngược lại ước tính khoảng 200.000 TEU, thông qua tuyến vận tải thủy Việt Nam-Campuchia hơn 400.000 TEU.
Nguồn thu ngân sách từ các khoản phí chính thức (phí kết cấu hạ tầng, bến bãi, phí thủ tục hải quan, phí cẩu hàng/bốc xếp, chưa bao gồm các khoản phí phát sinh) ước tính hơn 1.200 tỷ đồng (trung bình hơn 3 triệu đồng/TEU đối với tuyến vận tải đường bộ và gần 1,5 triệu đồng/TEU đối với tuyến vận tải thủy). Tốc độ tăng trưởng trung bình của hàng hóa quá cảnh thông qua 2 tuyến vận tải này là 20%/năm.
Trong bối cảnh đó, Ban IV cho biết cả Singapore và Malaysia đều đang củng cố chiến lược giữ vị thế quan trọng trong các tuyến trung chuyển quốc tế bằng cách chạy đua triển khai các dự án siêu cảng, các quốc gia khác trong khu vực không có nhiều lợi thế tự nhiên như Campuchia và Thái Lan cũng đang có những dự án với tham vọng “bẻ hướng” các tuyến vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Tuy nhiên, thời gian qua, theo phản ánh của các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hàng quá cảnh, vẫn còn một số tồn tại liên quan đến quy trình, chính sách dẫn đến làm tăng chi phí, thời gian, giảm lợi thế cạnh tranh của các tuyến vận tải quá cảnh của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Điển hình như yêu cầu doanh nghiệp khai báo đầy đủ mã số hàng hóa quá cảnh theo như quy định khai báo với hàng trong Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam; thời gian làm việc tại một số cửa khẩu theo giờ hành chính không đáp ứng được yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; kiểm tra hàng hóa quá cảnh khi thông quan bằng phương pháp thủ công vẫn chiếm tỷ lệ lớn, thời gian kiểm tra kéo dài; tiến hành kiểm tra thực tế bằng phương pháp thủ công tại cửa khẩu xuất đi thay vì cửa khẩu nhập vào Việt Nam và xử phạt hành chính doanh nghiệp vận tải hàng quá cảnh (bản chất là hoạt động xuất khẩu dịch vụ logistics) vì những lỗi vi phạm về hàng hóa (bản chất không phải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam) thuộc về chủ hàng nước ngoài…
Để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển logistics theo đúng định hướng quốc gia, các doanh nghiệp và Hiệp hội Logistics đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính, cơ quan hải quan nghiên cứu tiếp nhận thông tin khai báo mã số hàng hóa quá cảnh theo thông lệ quốc tế hoặc khai báo chung là “hàng quá cảnh” để phân biệt với hàng hóa xuất, nhập khẩu khác thay vì áp dụng theo quy trình hiện có cho hàng nhập khẩu vào trong nước; xây dựng cơ chế phù hợp để bố trí nhân lực, thời gian làm việc tại các cửa khẩu đáp ứng yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, hướng tới tiếp nhận và xử lý thủ tục 24/7.
Các doanh nghiệp và Hiệp hội Logistics đề xuất kiểm tra thực tế hàng hóa trong thời gian làm thủ tục thông quan tuân thủ tỷ lệ rủi ro hoặc chỉ khi có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm, hạn chế kiểm tra thủ công, tiến tới áp dụng soi chiếu đối với công tác kiểm tra hàng hóa quá cảnh. Chỉ tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu nhập vào.
Trường hợp có sai lệch so với tờ khai, yêu cầu đơn vị khai tờ khai xác minh lại với chủ hàng. Trường hợp có phát hiện vi phạm, thông báo để doanh nghiệp dịch vụ quá cảnh không tiếp nhận đơn hàng. Cơ quan hải quan không tiến hành kiểm tra hàng hóa thực tế trên đường hay tại cửa khẩu xuất đi.
Ngoài nhóm kiến nghị của doanh nghiệp quá cảnh, doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng lĩnh vực công nghệ thông tin cũng phản ánh về vướng mắc liên quan tới việc “một mặt hàng, hai cơ quan quản lý” và các quy định hiện hành chưa rõ dẫn tới quá trình thực thi quản lý gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước liên quan sớm có các quy định chi tiết, hoặc các tài liệu kiến giải được pháp lý hóa để tháo gỡ khó khăn này.
Vướng mắc trong tuân thủ quy định quản lý giao dịch liên kết
Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ, chủ trương quản lý giao dịch liên kết (Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ) thời gian qua đã giúp Việt Nam tăng cường quản lý đối với các khoản vay nợ, các giao dịch tài chính của doanh nghiệp và giúp môi trường thuế ngày càng phù hợp với các thông lệ quốc tế, đồng thời cũng góp phần vào việc sàng lọc các doanh nghiệp có sức khỏe yếu với vốn mỏng, vốn ảo.
Tuy nhiên, sau 3 năm áp dụng, một số quy định của Nghị định 132 đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ, thậm chí còn khiến nhiều doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế thu nhập dù chịu lỗ lớn trong bối cảnh COVID-19.
Doanh nghiệp phản ánh về bản chất, các quy định về giao dịch liên kết nhằm quản lý và điều chỉnh các giao dịch giữa các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn hoặc chủ sở hữu nhằm đảm bảo tính tuân thủ, tránh thất thu thuế.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu soi chiếu quy định này sẽ có rất nhiều đơn vị là ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ được xác định là bên liên kết của các doanh nghiệp và điều này không phản ánh đúng bản chất vấn đề cần quản lý.
Tại thời điểm ban hành Nghị định, các cơ quan chức năng đã tham khảo thông lệ ở các nước phát triển để đưa ra mức khống chế theo mức 30% EBITDA. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mức khống chế chi phí này hiện không còn phù hợp do nhu cầu sử dụng vốn vay lớn để đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, quy định này tạo ra rào cản tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau giai đoạn “suy kiệt” vì COVID-19 và các khủng hoảng kinh tế khác, trên cơ sở nghiên cứu thông lệ quốc tế, các doanh nghiệp và Hiệp hội đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định tại Nghị định 132 theo hướng, điều chỉnh tăng mức khống chế chi phí lãi vay từ 30% lên mức phù hợp (không vượt quá 50%) của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ (“EBITDA”). Điều chỉnh kéo dài thời gian chuyển chi phí lãi vay, tính liên tục không quá 10 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Bất cập về quy định giải trình việc góp vốn và tăng vốn điều lệ
Thời gian qua, theo phản ánh của một số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Hà Nội, trong quá trình làm thủ tục điều chỉnh đăng ký kinh doanh để tăng vốn điều lệ, mặc dù doanh nghiệp đã tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành (Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp), nhưng lại nhận được hướng dẫn, yêu cầu về những thành phần hồ sơ ngoài quy định và doanh nghiệp khó có thể tuân thủ.
Cụ thể, ngoài thành phần hồ sơ cần có để giải trình về quá trình thay đổi vốn điều lệ hiện tại, doanh nghiệp còn được yêu cầu tập hợp và cung cấp đầy đủ hồ sơ để giải trình cho các lần thay đổi, điều chỉnh trước đó.
Theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, các tài liệu, chứng từ chứng minh doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ từ khi thành lập đến trước lúc tăng vốn điều lệ đợt này là: phiếu thu tiền (nộp tiền)/chuyển khoản thanh toán mua cổ phần đợt thành lập công ty; phiếu thu tiền (nộp tiền)/chuyển khoản thanh toán mua cổ phần phát hành thêm của các đợt tăng vốn của công ty; sổ/giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của cổ đông các đợt thay đổi; thông báo lập sổ cổ đông các đợt thay đổi.
Doanh nghiệp còn gặp khó với các chính sách về xuất nhập khẩu
"Đối với các doanh nghiệp mới thành lập trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây thì yêu cầu tập hợp các chứng từ này là khả thi. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp thành lập lâu năm thì yêu cầu này không cần thiết, không khả thi và gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp," Ban IV cho biết.
Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hướng dẫn thực thi thống nhất tại các địa phương: có xếp loại doanh nghiệp theo mức độ tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, chỉ yêu cầu hồ sơ giải trình cho tất cả các lần điều chỉnh vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.
Yêu cầu doanh nghiệp tập hợp, cung cấp các chứng từ có tính khả thi mà vẫn đảm bảo ý nghĩa và giá trị giải trình, chẳng hạn như yêu cầu báo cáo tài chính qua các kỳ của doanh nghiệp thay vì giấy nộp tiền, chứng nhận sở hữu cổ phần của các cổ đông, thông báo lập sổ cổ đông các đợt.
Bên cạnh các nhóm vấn đề trên, theo Ban IV, cộng đồng doanh nghiệp phản ánh vẫn còn gặp phải một số vướng mắc như các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy chưa phù hợp, quy trình hoàn thuế còn chậm… Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, tổng hợp, Ban IV cùng các doanh nghiệp cũng thấy được những nỗ lực cải cách rất lớn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đối với các chủ đề này./.