Những vấn đề được đưa ra bàn luận tại Hội nghị thượng đỉnh Arab

Các nước Arab đưa ra quan điểm và thống nhất lập trường về một loạt những thách thức đang phải đối mặt nhằm hướng tới mục tiêu duy trì hợp tác, thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini (trái) phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 30 ở Tunis, Tunisia ngày 31/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini (trái) phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 30 ở Tunis, Tunisia ngày 31/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 31/3, Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 30 đã khai mạc tại thủ đô Tunis của Tunisia với sự hiện diện của nhiều nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ các nước Arab.

Tại hội nghị, các nước thuộc thế giới Arab sẽ đưa ra quan điểm và thống nhất lập trường về một loạt những thách thức đang phải đối mặt nhằm hướng tới mục tiêu duy trì hợp tác, thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực.

Tunisia kêu gọi tăng cường hợp tác

Ngày 31/3, Tổng thống nước chủ nhà Beji Caid Essebsi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp hành động giữa các nước Arab nhằm giải quyết các cuộc xung đột và duy trì sự đoàn kết ở khu vực.

Theo Tổng thống Tunisia, những thách thức và mối đe dọa mà khu vực Arab đang phải đối mặt không thể giải quyết một cách riêng lẻ. Ông Essebsi nhấn mạnh việc tăng cường sự tin cậy và hợp tác giữa các nước nước Arab.

Về vấn đề Cao nguyên Golan, ông Essebsi nhấn mạnh rằng đây là một vùng đất Arab bị chiếm đóng và cần phải chấm dứt sự chiếm đóng này nhằm đạt được sự ổn định và an ninh ở khu vực.

[Quốc vương Qatar bất ngờ rời Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab]

Về vấn đề Syria, ông kêu gọi thúc đẩy giải pháp chính trị ở quốc gia này và giúp người dân Syria vược qua khủng hoảng để được sống trong hòa bình và an ninh.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Tunisia cũng bày tỏ sự ủng hộ của Tunis đối với những nỗ lực ở khu vực và quốc tế nhằm chấm dứt xung đột ở Libya.

Các nước Arab bày tỏ thiện chí hợp tác với Iran

Ngày 31/3, truyền thông Bắc Phi đưa tin, lãnh đạo các nước Arab đã mời Iran cùng hợp tác với các nước này dựa trên cơ sở mối quan hệ láng giềng hữu nghị và không can thiệp vào các công việc nội bộ của nhau.

Theo truyền thông khu vực, trong tuyên bố kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 30 ở thủ đô Tunis của Tunisia, các nước Arab nêu rõ: "Chúng tôi khẳng định rằng quan hệ hợp tác giữa các nước Arab và Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ dựa trên quan hệ láng giềng hữu nghị."

Theo giới quan sát, đây là một động thái tích cực trong quan hệ giữa thế giới Arab và Tehran, đồng thời cũng là kết quả đáng ghi nhận tại hội nghị lần này.

Những vấn đề được đưa ra bàn luận tại Hội nghị thượng đỉnh Arab ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 30 ở Tunis, Tunisia ngày 31/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Jordan khẳng định ủng hộ Palestine

Ngày 31/3, Quốc vương Jordan Abdullah II cho rằng vấn đề Palestine đã và sẽ luôn là mối quan ngại sâu sắc nhất đối với tất cả người Arab.

Quốc vương Jordan một lần nữa xác nhận rằng vấn đề Palestine là một vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất của người Arab.

Theo Quốc vương Jordan, sẽ không thể có an ninh, ổn định hay thịnh vượng ở khu vực Trung Đông khi không có một giải pháp thực sự và lâu dài đối với vấn đề Palestine để qua đó đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Palestine về một nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô.

Về vấn đề Cao nguyên Golan, Quốc vương Jordan nhấn mạnh rằng Golan là "một vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Syria theo luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên hợp quốc."

Ngoài ra, về vấn đề Iraq, Quốc vương Jordan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được tiến trình chính trị ở quốc gia láng giềng này.

Còn về Syria, Quốc vương Jordan cho rằng không có phương án thay thế giải pháp chính trị vốn bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như sự đoàn kết của nhân dân nước này.

Ai Cập bày tỏ lập trường về vấn đề quan hệ Arab-Israel

Ngày 31/3, truyền thông nhà nước Ai Cập đưa tin, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi nêu rõ: "Giải phóng toàn bộ các vùng lãnh thổ Arab bị chiếm đóng là cách duy nhất để giải quyết cuộc xung đột Arab-Israel."

Ngoài ra, Tổng thống Sisi cũng tái xác nhận quyền của người Palestine về việc thành lập một nhà nước độc lập. Theo ông Sisi, Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng phải trả lại cho Syria như là sự khởi đầu cho một giải pháp toàn diện và hòa bình.

Nhà lãnh đạo Ai Cập cho rằng các cuộc hòa đàm dựa trên hiệp ước Geneva là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Hội nghị ở Tunis lần này dự kiến sẽ thông qua một nghị quyết phản đối việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục