Những vấn đề ASEAN thực sự phải đối mặt nhìn từ 'mùa thượng đỉnh'

Với chủ đề "Chúng ta quan tâm, Chúng ta chuẩn bị, Chúng ta thịnh vương," "mùa thượng đỉnh" lần này tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, sự phát triển và đoàn kết.
Những vấn đề ASEAN thực sự phải đối mặt nhìn từ 'mùa thượng đỉnh' ảnh 1Ngày 26/10/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh, giữa) tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong ba ngày từ 26-28/10, Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 và 39 cùng các hội nghị cấp cao liên quan đã được tổ chức tại Brunei theo hình thức trực tuyến, tập trung thảo luận nhiều vấn đề khu vực và quốc tế mà các bên liên quan cùng quan tâm.

Với chủ đề "Chúng ta quan tâm, Chúng ta chuẩn bị, Chúng ta thịnh vương," "mùa thượng đỉnh" lần này tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, sự phát triển và đoàn kết.

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của ASEAN cho thấy mức độ quan trọng của hội nghị này.

Trên thực tế, các cuộc thảo luận và tranh luận chính là về những thách thức mà khu vực phải đối mặt liên quan đến đại dịch, các vấn đề về y tế và hoàn thành mục tiêu quản lý đại dịch tốt hơn thông qua mạng lưới y tế, chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Nhưng vấn đề thực tế mà ASEAN đang đối mặt còn nhiều hơn thế.

Nhiệm vụ trọng tâm thực sự

Trong một bài bình luận đăng trên trang mạng Modern Diplomacy, Giáo sư Pankaj Jha - giảng viên của Trường Quan hệ Quốc tế Jindal thuộc Đại học Toàn cầu O P Jindal ở Sonepat (Ấn Độ) - cho rằng các nước thành viên ASEAN cần nỗ lực quản lý tốt hơn Lá chắn ASEAN và nỗ lực thống nhất cách ứng phó với thảm họa thông qua việc thúc đẩy hợp tác đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, phấn đấu xây dựng hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực.

Theo Giáo sư này, trong đại dịch, người ta thừa nhận rằng mặc dù các quốc gia đã nỗ lực để chống lại các tác động của đại dịch, nhưng họ cần quay trở lại với các sáng kiến tiểu vùng vể phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.

[Mỹ sẽ dành sự "quan tâm đặc biệt" khu vực Đông Nam Á?]

Đại dịch cũng đã mở ra các con đường thúc đẩy kết nối kỹ thuật số và tạo ra các cơ chế hỗ trợ hàng hóa và hậu cần đảm bảo an toàn.

Điều này sẽ giúp giải quyết các vấn đề vệ sinh và kiểm dịch động thực vật liên quan đến thương mại trong khu vực và thậm chí cả ở cấp độ liên khu vực.

Trên thực tế, một trong những lĩnh vực các nước thành viên ASEAN cần hợp tác chặt chẽ với nhau là hội nhập khu vực ASEAN thông qua mạng lưới cảng, mạng lưới kết nối khu vực, mạng lưới năng lượng và điện và thúc đẩy các con đường thương mại điện tử tốt hơn.

Việc số hóa khu vực cũng sẽ giúp đạt được đòn bẩy đáng kể liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác đối thoại về dự án thành phố thông minh trên toàn khu vực.

Về nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng như vai trò của các công nghệ mới nổi trong tương lai, ASEAN phải xây dựng kế hoạch chi tiết liên quan đến việc phát triển khu vực với tư cách là Trung tâm nghiên cứu các công nghệ quan trọng.

Mặc dù nhiều vấn đề là các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như khủng bố, buôn bán ma túy, buôn người, an ninh mạng đã được đề cập đến nhiều lần trong nhiều cuộc họp khác nhau của ASEAN, song cần phải xem xét đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào tới việc xác định lại các tiêu chí để xây dựng các biện pháp đối phó bền vững.

Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á cần có cơ chế quản lý và tuân thủ tốt hơn. Cũng có yêu cầu rằng ASEAN cần xây dựng mạng lưới phòng thủ mạng dành riêng cho khu vực và tạo ra các trung tâm xuất sắc trong lĩnh vực này.

Có thể tham khảo các mạng lưới an ninh mạng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cách tạo ra một cơ chế phản ứng có tính gắn kết.

Hợp tác và an ninh hàng hải là những lĩnh vực quan trọng cần sự cam kết mạnh mẽ của tất cả các quốc gia Đông Nam Á.

Đối thoại đặc biệt về an ninh hàng hải do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bảo trợ đã nêu ra sự cần thiết phải giải quyết vấn đề này trên quan điểm về biến đổi khí hậu, đánh bắt bất hợp pháp, chống cướp biển, thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ thương mại hàng hải.

Cần nhìn nhận Biển Đông là một vấn đề lớn và các nước Đông Nam Á nên đặt ra hạn chót cho việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Nếu không, người ta sẽ cho rằng vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề Biển Đông sẽ bị hủy hoại bởi những xích mích và căng thẳng nội bộ giữa các nước thành viên.

Các đối tác đối thoại đã vạch ra rằng cần phải có cách tiếp cận nhất quán và bắt buộc phải tương tác với Trung Quốc để có thể phát triển một số giao thức nhất định và duy trì hiện trạng.

Cũng cần lưu ý rằng vai trò của Diễn đàn Hàng hải ASEAN và Diễn đàn Hàng hải ASEAN Mở rộng còn chưa cao và do đó các thể chế này cần xem xét lại nhiệm vụ và mục tiêu của mình để trở thành diễn đàn giúp đưa ra những ý tưởng mới trong lĩnh vực này.

Một trong những lĩnh vực cần sự tham gia tích cực của các nước Đông Nam Á là biến đổi khí hậu và nhu cầu chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và tái tạo.

Những vấn đề này đã được giải quyết thông qua kế hoạch hành động của ASEAN về hợp tác năng lượng, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để thúc đẩy an ninh năng lượng và chuyển đổi an toàn sang các loại năng lượng mới.

Cần tạo thêm động lực cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020, và do thực tế là các thủ tục phê chuẩn ở trong nước bị chậm trễ, người ta cho rằng cần khởi động một cơ chế phản ứng nhanh liên quan tới việc phê chuẩn.

Hơn nữa, các nước Đông Nam Á cũng nên nỗ lực để phát triển các năng lực của riêng mình ở trong nước trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ để vấn đề quy tắc xuất xứ có thể được giải quyết tốt hơn.

Mặc dù ASEAN đã vạch ra tầm nhìn rõ ràng của khu vực về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng ASEAN cần có cấu trúc tốt hơn và xác định các lĩnh vực mà trong đó ASEAN có thể phối hợp hành động cùng với các đối tác ở Ấn Độ Dương.

Về hợp tác hàng hải, thúc đẩy kết nối và thực hiện các sáng kiến liên quan đến bảo vệ sinh vật biển và phát triển các quy tắc chung để khai thác bền vững các nguồn tài nguyên, đây là những lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng.

Về tranh chấp Biển Đông, cần phải nhanh chóng làm việc để xử lý Văn bản Dự thảo đàm phán duy nhất về COC và coi đây là ưu tiên hàng đầu.

Bản thân các nước ASEAN có thể đưa ra cách nhìn của riêng mình về việc tuân thủ các quy định của UNCLOS và thể hiện rằng các quốc gia ASEAN sẽ sẵn sàng tuân thủ các quy định pháp lý này.

Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN được đưa ra năm 2020 khẳng định rõ ràng rằng cần phải xem xét lại các kế hoạch chi tiết về việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, Kết nối ASEAN và Sáng kiến hội nhập ASEAN.

Ba tài liệu này cần được xem xét thêm trong hội nghị thượng đỉnh, và người ta tin rằng nên áp dụng một cách tiếp cận tổng thể, để thay vì ngụy biện, ASEAN có thể đạt được nhiều kết quả rõ ràng hơn trên thực tế.

Chống lại sự can thiệp từ bên ngoài

Ngoài những vấn đề kể trên, trong một bài viết đăng trên Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, ông Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Hội nghị Cấp sao ASEAN lần này đã "xoáy sâu" vào việc cho rằng sự can thiệp của bên ngoài, cụ thể là phương Tây do Mỹ dẫn đầu, không có lợi cho vai trò trung tâm của ASEAN cũng như hợp tác khu vực, thậm chí là nguy cơ xảy ra chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.

Ông Hứa Lợi Bình cho biết trước tình hình quốc tế phức tạp, một số ý kiến cho rằng hợp tác Đông Á và ASEAN cần khắc phục tất cả mọi hình thức can thiệp, điều đó sẽ thúc đẩy sự hợp tác tiến xa hơn một cách ổn định.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với ASEAN hôm 25/10, lần đầu tiên trong chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN có sự tham dự của một Tổng thống Mỹ kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ tại Manila năm 2017.

Theo các tin tức truyền thông, Tổng thống Biden tập trung vào hợp tác với các thành viên ASEAN về phân phối vaccine ngừa COVID-19, biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Ông cũng được kỳ vọng sẽ đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Hơn nữa, các hãng truyền thông Mỹ tin rằng Washington coi ASEAN là "chìa khóa" trong chiến lược đẩy lùi Trung Quốc.

Kể từ khi Mỹ, Anh và Australia khởi động quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS vào tháng Chín vừa qua, hầu hết các nước ASEAN đã bày tỏ nghi ngờ, lo ngại và thậm chí phản đối hiệp ước này.

Một mặt, họ lo lắng về việc liệu AUKUS có kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực hay không. AUKUS có thể trói buộc cấu trúc hợp tác an ninh hiện tại không?

Mặt khác, liên minh mới có thể đe dọa vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Tệ hơn nữa, liên minh này có thể kéo theo sự phổ biến vũ khí hạt nhân. AUKUS cũng đã chứng kiến phản ứng mạnh mẽ lan rộng của người dân các nước ASEAN.

Một số giới tinh hoa xã hội tin rằng liên minh mới sẽ làm leo thang các mối đe dọa an ninh mà khu vực đang đối mặt, do đó, họ hy vọng các chính phủ của họ có thể có những hành động nhanh chóng để chủ động đối phó với mối đe dọa này.

Việc những trò chơi quyền lực lớn đang gia tăng trong khu vực chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của riêng ASEAN. 50 năm qua đã chứng minh rằng một trật tự khu vực hòa bình và ổn định là lợi ích lớn nhất cho sự phát triển của ASEAN.

Hiện tại, ASEAN đang tập trung vào việc chống đại dịch COVID-19, sự phát triển và đoàn kết. Nếu các vấn đề liên quan đến an ninh thường xuyên xuất hiện tại các hội nghị của ASSEAN, điều này sẽ đi ngược lại các mục tiêu và lợi ích của chính khối. Nó cũng sẽ hạn chế quá trình hội nhập của ASEAN.

Ông Hứa Lợi Bình kết luận rằng trong thời đại có những thay đổi chưa từng có hiện nay, chỉ bằng cách loại bỏ mọi sự quấy rối từ bên ngoài, ASEAN mới có thể thúc đẩy hợp tác, dẫn dắt nền kinh tế hướng tới sự phục hồi mạnh mẽ hơn và mang lại lợi ích tốt hơn cho khu vực và thế giới./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục