Những ưu tiên thương mại của Canada trong 2013

Năm 2013 là năm quyết định với chính phủ của Thủ tướng Harper sẽ thành công hay thất bại trong nỗ lực tái cân bằng thương mại.
Theo báo Thư tín địa cầu ngày 28/1, năm 2013 sẽ là năm quyết định đối với chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper trong việc Canada sẽ thành công hay thất bại trong nỗ lực nhằm tái cân bằng thương mại từ hướng Bắc-Nam sang Đông-Tây.

Khi Quốc hội Canada trở lại làm việc vào ngày 28/1, chương trình nghị sự thực sự sẽ là thương mại. Chính phủ Canada sẽ công bố một báo cáo "gần như một sách Trắng về thương mại," trong đó đưa ra những phản ứng đối với những chuyển hướng đang làm biến đổi các mối quan hệ thương mại của Canada.

Trong một nghiên cứu gần đây, Hội đồng hội nghị Canada (CBC), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và phân tích các xu hướng về kinh tế cũng như năng lực hoạt động của các tổ chức và các vấn đề chính sách công cộng, đã kết luận rằng, các đặc tính thương mại của Canada đang biến đổi một cách cơ bản trong thập niên vừa qua. Trong khi thương mại với Mỹ gần như đình đốn thì thương mại của Canada với phần còn lại của thế giới lại tăng 80%.

Ông Michael Burt, đồng tác giả của báo cáo CBC, nhận xét khi đề cập đến chính sách thương mại, quy tắc của chính phủ là "theo đuổi lợi nhuận." Các doanh nghiệp Canada đang chuyển hướng sang trao đổi thương mại nhiều hơn với các nền kinh tế châu Á, vì vậy "công việc của chính phủ là phải tập trung để giảm các rào cản và giúp các doanh nghiệp có thể phát triển việc kinh doanh của họ một cách dễ dàng hơn."

Tuy nhiên, ưu tiên đầu tiên của Chính phủ Bảo thủ không phải là Thái Bình Dương, mà là Đại Tây Dương. Các cuộc thương lượng về hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện (CETA) của Canada với Liên minh châu Âu (EU), thị trường lớn nhất thế giới bất chấp những khó khăn gần đây, đã gần hoàn tất vào cuối năm 2012. Mặc dù hai bên vẫn còn phải tiếp tục đàm phán những tranh chấp về các mặt hàng dược phẩm, nông sản, nhưng dường như chắc chắn rằng Canada và EU sẽ đạt được một thỏa thuận, có thể là vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới.

Vấn đề còn lại là liệu CETA có xứng đáng với nỗ lực hiện nay hay không, và liệu cả hai bên có sẵn sàng đương đầu với sự phản đối ở trong nước đối với hiệp định này hay không. Hiện các cuộc thương lượng còn đang được tiến hành ở cấp bộ trưởng, nhưng Thủ tướng Harper và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso sẽ là những người có tiếng nói cuối cùng về CETA. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt 104,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Canada sang EU đạt 49,1 tỷ USD và nhập khẩu là 55,2 tỷ USD.

Với khu vực Thái Bình Dương, các nhà lãnh đạo của 11 quốc gia đang tham gia đàm phán về hiệp định quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Canada, đã cam kết hoàn tất một hiệp định trước khi Hội nghị cấp cao diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2013 diễn ra tại Bali (Indonesia), dự kiến khai mạc ngày 5/10 tới. Các chuyên gia vẫn đang tranh cãi về việc liệu thời hạn trên có được đáp ứng hay không do TPP có quy mô quá lớn và có tiềm năng trở thành mối liên hệ cho một khu vực kinh tế thương mại tự do toàn diện Thái Bình Dương.

Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản đang cân nhắc việc tham gia TPP. Thậm chí có cả ý kiến đề nghị Trung Quốc cùng tham gia hiệp định này.

Chính phủ Canada cũng đang tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản. Chiến lược thương mại toàn cầu của Canada nhằm tạo sự gắn kết cho những sáng kiến rời rạc trên bằng cách nêu ra những ưu tiên và xác định cơ hội kinh tế tại từng thị trường./.

Dương Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục