Những ưu tiên của Tân Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới

Phát biểu tại Đại hội đồng, bà Okonjo-Iweala đã đề cập đến các ưu tiên trong chương trình nghị sự của bà như đã nêu trong văn bản gửi đến các Phái đoàn tại Geneva cuối tháng 2/2021.
Tân Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala phát biểu tại phiên họp Đại Hội đồng WTO. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 1/3 đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng và cũng là ngày đầu tiên bà Ngozi Okonjo-Iweala chính thức nhậm chức Tổng giám đốc WTO.

Phiên họp của Đại hội đồng WTO cũng đã thống nhất về thời gian và địa điểm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12) vào tuần lễ bắt đầu từ ngày 29/11/2021 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Phát biểu tại Đại hội đồng, bà Okonjo-Iweala đã đề cập đến các ưu tiên trong chương trình nghị sự của bà như đã nêu trong văn bản gửi đến các Phái đoàn tại Geneva cuối tháng 2/2021.

Các ưu tiên này bao gồm: Khẩn trương hành động để giúp kiểm soát đại dịch COVID-19 thông qua mối liên hệ giữa thương mại và y tế công cộng; Mở rộng quyền tiếp cận đối với các vắcxin mới, thuốc điều trị và chẩn đoán bằng cách thúc đẩy chuyển giao kỹ thuật trong khuôn khổ các quy tắc đa phương; Nhanh chóng kết thúc đàm phán trợ cấp thủy sản và từ đó vượt qua cuộc thử nghiệm lớn về uy tín đa phương của WTO trong khi đóng góp vào tính bền vững của các đại dương trên thế giới.

[Tân Tổng Giám đốc WTO chính thức bắt đầu ngày làm việc đầu tiên]

Gây dựng nguồn năng lượng mới cho hệ thống thương mại đa phương từ các sáng kiến tuyên bố chung vốn thu hút được sự quan tâm và ủng hộ lớn hơn, bao gồm từ các nước đang phát triển; Giải quyết trong phạm vi rộng hơn mối liên hệ giữa thương mại và biến đổi khí hậu, dùng thương mại để tạo ra nền kinh tế tuần hoàn và xanh, tái khởi động và mở rộng các cuộc đàm phán về hàng hóa và dịch vụ môi trường, đưa ra sáng kiến để giải quyết vấn đề điều chỉnh các-bon ở biên giới do chúng có thể ảnh hưởng đến thương mại.

Tạo sân chơi bình đẳng trong thương mại nông nghiệp thông qua cải tiến tiếp cận thị trường và đối phó với các hỗ trợ trong nước làm bóp méo thương mại, miễn áp dụng hạn chế xuất khẩu cho các khoản mua mang tính nhân đạo của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP); Đẩy mạnh kỷ cương trong vấn đề trợ cấp công nghiệp, bao gồm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sở hữu nhà nước; Giảm bớt bất đồng về Quy chế Ưu đãi đặc biệt (SDT); Xây dựng một chương trình hành động nhằm khôi phục giải quyết tranh chấp hai tầng nấc để thống nhất muộn nhất là tại Hội nghị Bộ trưởng MC12.

Về trọng tâm trước mắt, tân Tổng giám đốc nhấn mạnh các thành viên WTO cần phải thống nhất về khoảng 3-4 nội dung chính có thể đạt được trước MC12, trong đó ưu tiên hành động đối phó với đại dịch COVID-19, hoàn tất đàm phán trợ cấp thủy sản trước giữa năm nay, cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp và thương mại nông sản; đồng thời cần xây dựng kế hoạch hành động cho những nội dung khác như trợ cấp công nghiệp, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư, Quy chế dịch vụ trong nước, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), phụ nữ trong thương mại, thương mại và biến đổi khí hậu... để trình Hội nghị MC12.

Hội nghị Bộ trưởng WTO là cơ chế ra quyết định cao nhất của WTO. MC12 ban đầu dự kiến tổ chức tại Kazakhstan vào tháng 6/2020 nhưng đã bị hoãn do đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục