Những ưu tiên của Hy Lạp trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU

Hy Lạp - quốc gia sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU, hy vọng đưa châu Âu bước sang một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn.

Hy Lạp - quốc gia sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/1/2014 đến 30/6/2014, đang hoàn tất chương trình nghị sự chi tiết với hy vọng đưa châu Âu bước sang một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn sau thời kỳ khủng hoảng tồi tệ kéo dài hơn bốn năm qua.

Phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Dimitris Kourkoulas khẳng định Thủ tướng Antonis Samaras và nội các đã soạn thảo một chương trình nghị sự, theo đó tập trung vào bốn mục tiêu quan trọng là ưu tiên thực hiện Hiệp ước tăng trưởng và tạo việc làm, tăng cường vai trò của Liên minh Tiền tệ và Kinh tế (EMU), giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế và thất nghiệp cùng những thách thức chung mà châu Âu đang phải đối mặt như nạn nhập cư trái phép và chính sách hàng hải.

Kể từ khi gia nhập Cộng đồng châu Âu - tiền thân của EU, năm 1981, đây là lần thứ năm Hy Lạp đảm nhận cương vị Chủ tịch EU.

Các nhà phân tích cho rằng trong thời điểm hiện tại, khi châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp, đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua, một nhiệm kỳ thành công của Hy Lạp trên cương vị "người chèo lái" con thuyền EU sẽ thúc đẩy nỗ lực của nước này trong tiến trình phục hồi tăng trưởng và đặt nền tảng cho một nền kinh tế phát triển lành mạnh.

Theo giới phân tích, tất cả các lĩnh vực ưu tiên trong chương trình nghị sự đều gắn với những lợi ích chủ chốt của Hy Lạp, thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) đang chịu hậu quả nặng nề của giai đoạn suy thoái kéo dài nhất trong lịch sử, dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục trong khu vực.

Một nhiệm kỳ Chủ tịch EU thành công cũng sẽ giúp Hy Lạp cải thiện được hình ảnh từng bị cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone nhấn chìm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục