Những ưu tiên của APEC trong năm Philippines làm chủ tịch

Những ưu tiên được xác định theo hướng mở rộng lợi ích cho trên 3 tỷ người dân trong khối và tạo động lực mới cho thương mại, đầu tư, tăng trưởng bền vững trong khi các điều kiện toàn cầu thay đổi.
Quang cảnh khai mạc Hội nghị APEC 2014 ở Trung Quốc. (Ảnh:Quang Đức- Hải Yến/TTXVN)

Thông cáo báo chí của Ban thư ký Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cho biết, trong cuộc họp mới đây ở thủ đô Manila của Philippines, các quan chức cấp cao 21 nền kinh tế thành viên APEC đã xác định những ưu tiên cho chương trình nghị sự APEC năm 2015.

Những ưu tiên được xác định theo hướng mở rộng lợi ích cho trên 3 tỷ người dân trong khối và tạo động lực mới cho thương mại, đầu tư, tăng trưởng bền vững trong bối cảnh các điều kiện toàn cầu thay đổi.

Với tư cách nước Chủ tịch APEC năm 2015, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III công bố chủ đề cho chương trình nghị sự năm tới là “Xây dựng các nền kinh tế toàn diện, Xây dựng một thế giới tốt hơn."

Chương trình sẽ dành ưu tiên hàng đầu cho việc tăng cường hội nhập kinh tế khu vực; thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nền kinh tế khu vực cũng như toàn cầu; tăng cuờng đầu tư phát triển nguồn nhân lực; xây dựng các cộng đồng bền vững và có khả năng ứng phó với những thách thức đặt ra.

Đại sứ Philippines tại APEC Laura Del Rosario cho biết để tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, các nền kinh tế APEC cần thành lập nhóm đặc trách có nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược thực hiện Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), đưa ra các sáng kiến xây dựng năng lực kỹ thuật thực hiện FTAAP, thúc đẩy thương mại nội khối, tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng khu vực, giảm bớt các rào cản thương mại dịch vụ và tăng cường thể chế tài chính.

Để thúc đẩy vai trò của các SME, APEC sẽ chú trọng gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, cải thiện thủ tục cấp phép, giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và thúc đẩy hợp tác sâu hơn cho các SME...

Liên quan đến tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, APEC sẽ tiếp tục triển khai các bước hướng tới mục tiêu trao đổi 1 triệu sinh viên mỗi năm vào năm 2020. Các bước này bao gồm cấp học bổng, cung cấp các khóa đào tạo, khuyến khích phát triển mạng lưới doanh nhân nữ, gia tăng đào tạo về dịch vụ tài chính, sử dụng Internet và mở rộng Hiệp định công nghệ thông tin cho phép người lao động có thể tiếp cận rộng rãi hơn với những sản phẩm hỗ trợ phát triển...

Về xây dựng các cộng đồng bền vững và có khả năng ứng phó cao, APEC sẽ giảm thuế cho 54 hàng hóa môi trường xuống mức dưới 5% vào cuối năm 2015, tăng gấp đôi năng lượng tái tạo vào năm 2030 (so với mức của năm 2010), cắt giảm phát thải khí nhà kính CO2 và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để ngăn ngừa thảm họa thiên tai.

Bên cạnh đó, APEC cũng tăng cuờng an ninh năng lượng và lương thực, quản lý hiệu quả các mối đe dọa đối với sức khỏe, thực hiện Kế hoạch chi tiết về kết nối APEC và Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển APEC.

Cũng theo Đại sứ Rosario, trong năm tới, APEC sẽ xem xét lại các vấn đề liên quan đến quy chế thành viên, quan sát viên và chương trình dài hạn về chiến lược tăng trưởng APEC đã được các nhà lãnh đạo khối thông qua năm 2010. Các việc làm này nhằm giúp châu Á-Thái Bình Dương phát huy các nguồn lực tăng trưởng mới, từ đó hướng tới các mục tiêu tăng trưởng mới.

Hội nghị quan chức cao cấp đầu tiên của APEC trong năm 2015 và các hội nghị kỹ thuật liên quan sẽ diễn ra từ ngày 26/1-7/2/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục