Những ước vọng của người dân Lào trong Lễ tắm Phật dịp Tết cổ truyền Bunpimay

Khi thực hiện nghi lễ này, ai nấy đều cung kính vẩy nước thơm lên các bức tượng. Nước thơm được tạo từ nước, nghệ, dầu thơm và cánh hoa Dokkhoun đang nở rộ khắp nơi trên đất Lào đúng dịp Bunpimay.
Trong quan niệm của người Lào việc tắm Phật chính là tỏ lòng tôn trọng, là cách thức bày tỏ đức tin của mình với Đức Phật. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN)

Tết cổ truyền Bunpimay của Lào năm nay diễn ra từ ngày 13-16/4, trong đó, Lễ tắm Phật là một trong những hoạt động không thể thiếu trong dịp tết này.

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, những ngày này ở thủ đô Vientiane, khắp phố phường như được khoác lên “chiếc áo mới” vàng óng ả và tràn ngập sắc màu của hoa Dokkhoun, loài hoa báo hiệu năm mới đã về trên đất nước Triệu Voi.

Khuôn viên các ngôi chùa cũng được trang hoàng cờ, hoa rực rỡ. Những pho tượng Phật được các nhà sư rước ra đặt ở sân để người dân và du khách tới thực hiện nghi lễ tắm Phật.

Khi thực hiện nghi lễ này, ai nấy đều cung kính vẩy nước thơm lên các bức tượng. Nước thơm được tạo từ nước, nghệ, dầu thơm và cánh hoa Dokkhoun, loài hoa vàng nở rộ khắp nơi trên đất Lào đúng dịp Bunpimay.

Người Lào tin rằng nghi lễ này sẽ mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hóa cuộc sống của con người.

Nhà sư buộc chỉ cổ tay cho người dân. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN)

Là người Việt Nam lấy chồng và sinh sống tại Lào đến nay đã được hơn 10 năm, chị Oanhpam Eien đã có 2 người con và hôm nay, chị cùng gia đình đến chùa để thực hiện nghi lễ tắm Phật, té nước… vừa là để rửa đi những điều không may mắn trong năm cũ và chào đón một năm mới với nhiều niềm vui, bình an và tốt lành, vừa để cho các con của chị hiểu được những truyền thống văn hóa tốt đẹp trong ngày Tết của Lào.

Chị Oanhpam Eien kể lại, từ khi về nhà chồng ở thị xã Samnueau, tỉnh Huaphanh, Bắc Lào, dịp Tết Bun Pi May nào của Lào chị cũng được bố mẹ chồng dẫn đến chùa để thực hiện nghi lễ tắm Phật.

Sau này khi chuyển về thủ đô Vientiane sinh sống và làm việc, dù khá bận với công việc nhưng chị vẫn luôn giữ được những thói quen đi chùa như trước. Với chị, đây là một phong tục tín ngưỡng rất có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân Lào nói riêng và con người sống trên đất nước Lào nói chung, cần được lưu giữ và phát huy.

Chia sẻ với nhóm phóng viên TTXVN tại Lào, bà Touchanhthit Vanhsilalom, một người dân sinh sống ở thủ đô Vientiane, cho biết dù đã 89 tuổi nhưng bà luôn giữ thói quen cùng con cháu đến chùa vào mỗi dịp năm mới để trước là cầu phước, sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình, sau là để con cháu hiểu được những phong tục, tập quán cần phải làm trong ngày Năm mới như tắm Phật, té nước…

Tắm Phật cũng là một trong những nghi thức phổ biến của lễ hội Phật Đản hằng năm trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau. Nghi thức này vốn đã xuất hiện từ lâu ở Ấn Độ, Trung Á và Trung Hoa. Ngày nay được duy trì trong hầu hết các cộng động Phật giáo ở khắp nơi nhằm bày tỏ lòng tôn kính đối với đức Phật, đấng Giác Ngộ đã đến với cuộc đời này cách đây hơn 2.600 năm.

Trong quan niệm của người Lào, nghi lễ tắm Phật là cách để bày tỏ lòng tôn kính và đức tin với đức Phật, qua đó giúp con người loại bỏ những tâm niệm xấu xa và hướng thiện.

Tết cổ truyền Bunpimay còn có lễ buộc chỉ cổ tay. Đây cũng là phong tục, tập quán tâm linh gắn với đời sống của người dân Lào từ lâu đời và không thể thiếu vào dịp Năm mới với những ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho người được buộc chỉ.

Thông qua việc buộc những sợi chỉ màu, người buộc chỉ muốn gửi gắm hạnh phúc và lời chúc sức khỏe đến người được buộc chỉ. Tục lệ này tuy đơn giản nhưng phản ánh sâu sắc tính cách hiền hòa của người dân Lào.

Họ không cầu cho mình, mà cầu cho người khác. Người Lào quan niệm rằng khi làm điều tốt lành cho người khác, điều tốt lành ấy cũng sẽ đến với họ. Vì thế, trong suốt ngày Tết, ai nhận được nhiều chỉ buộc cổ tay thì người đó được coi là sẽ gặp may mắn cả năm.

Ngoài các nghi lễ kể trên, Bunpimay còn có rất nhiều hoạt động khác như phóng sinh cá, chim, rùa để làm việc thiện; lễ rước Nàng Chúa xuân (Nang Sangkhane); đua thuyền; đắp cát ở bờ sông Mekong.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục