Những trụ đỡ có thể giúp kinh tế Mỹ tránh được suy thoái trong năm nay

Các chiến lược gia của Wells Fargo cho biết có một số dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thấy kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái trong năm nay, bất chấp những lo ngại trên Phố Wall sau giai đoạn hỗn loạn.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Millbrae, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Millbrae, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các biện pháp thuế quan mới nhất của Tổng thống Donald Trump và đợt bán tháo cổ phiếu quy mô lớn đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2025. Nhưng vẫn có một ngân hàng tin rằng Mỹ có thể không rơi vào suy thoái trong năm nay.

Các chiến lược gia của Wells Fargo hôm 15/4 cho biết họ đang nhận thấy một số dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thấy kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái trong năm nay, bất chấp những lo ngại trên Phố Wall sau giai đoạn hỗn loạn gần đây.

Theo các chiến lược gia Wells Fargo, những trụ cột quan trọng vẫn còn nguyên vẹn và có thể hạn chế đà suy giảm của nền kinh tế chung. Thậm chí, vẫn có khả năng kinh tế Mỹ phục hồi tăng trưởng vừa phải trong nửa cuối năm.

Dưới đây là bốn yếu tố mang lại tia hy vọng cho kinh tế Mỹ trong bối cảnh bất ổn gia tăng.

Đầu tiên là thu nhập tăng trưởng ổn định. Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã có dấu hiệu chậm lại trong những tháng gần đây, nhưng tăng trưởng thu nhập lại cao hơn.

Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thu nhập cá nhân khả dụng đã điều chỉnh theo lạm phát vẫn duy trì tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, thậm chí đạt mức cao kỷ lục vào quý 4/2024.

Tăng trưởng việc làm cũng vẫn vững chắc. Nền kinh tế đã tạo thêm nhiều việc làm mới hơn dự kiến vào tháng 3/2025, trong khi tỷ lệ thất nghiệp duy trì gần mức thấp lịch sử. Wells Fargo cho biết thị trường việc làm vững chắc cũng là một yếu tố đang hỗ trợ sức mua của người tiêu dùng Mỹ.

Thứ hai là tài sản của các hộ gia đình đã tăng lên. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có một giai đoạn chao đảo do hoạt động bán tháo trên diện rộng, khi nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ giảm tốc và áp lực lạm phát gia tăng trước lập trường cứng rắn của ông Trump trong vấn đề thuế quan.

Đặc biệt, chỉ số S&P 500 đã lần đầu tiên trong gần một năm đóng cửa dưới ngưỡng 5.000 điểm vào ngày 8/4.

ttxvn-chung-khoan-my.jpg
Giao dịch viên làm việc trên sàn chứng khoán ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, tài sản của các hộ gia đình Mỹ đã ở mức cao trước đợt bán tháo. Chính điều này đã mang lại cho người dân Mỹ, đặc biệt là nhóm thu nhập cao, một khoảng không gian để điều chỉnh. Giá trị tài sản ròng của hộ gia đình Mỹ đã leo lên mức kỷ lục 160.000 tỷ USD vào quý 4/2024.

Các chiến lược gia của Wells Fargo cho rằng những khoản lợi nhuận bất ngờ từ cổ phiếu và các tài sản tài chính khác đủ để thúc đẩy chi tiêu của nhóm thu nhập cao.

Thứ ba là lãi suất dài hạn đã giảm. Chi phí vay trong nền kinh tế đã giảm bớt trong những tháng gần đây, khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm (phản ánh lãi suất dài hạn trong nền kinh tế) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2024 vào tuần trước trong bối cảnh thị trường chứng khoán bán tháo.

Lãi suất thế chấp cũng đã giảm bớt. Theo dữ liệu của công ty tài chính chuyên cho vay thế chấp mua nhà Freddie Mac, lãi suất cố định trung bình kỳ hạn 30 năm đã giảm nhẹ xuống 6,6% trong tuần qua, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 7,79% vào năm 2023.

Wells Fargo cho biết việc lãi suất dài hạn giảm gần đây đã giúp ổn định các lĩnh vực nhạy cảm với tín dụng như nhà ở. Cuối cùng là thị trường tài chính Mỹ vẫn duy trì tính thanh khoản.

Wells Fargo cho biết lượng tiền lưu thông trên thị trường tài chính đã ít hơn so với trước đợt bán tháo. Nhưng mức thanh khoản vẫn cao hơn so với những mức từng ghi nhận trước các cuộc suy thoái khác.

Các chiến lược gia nói rằng dự trữ của các ngân hàng vẫn rất dồi dào. Đồng thời, mức chênh lệch tín dụng - yếu tố phản ánh rủi ro khi nắm giữ nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp so với trái phiếu tiêu chuẩn (thường là trái phiếu Chính phủ Mỹ) - cũng vẫn thấp hơn đáng kể so với các mức độ từng xảy ra trong các đợt căng thẳng tài chính trước đây.

Tuy nhiên, thị trường nhìn chung vẫn tỏ ra dè dặt về triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2025, đặc biệt sau đợt biến động mới nhất. Trong khảo sát mới nhất về tâm lý nhà đầu tư do Hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân Mỹ (AAII) thực hiện, 61% người được hỏi cho biết họ cảm thấy bi quan về triển vọng cổ phiếu trong sáu tháng tới.

Các ngân hàng khác như Goldman Sachs và JPMorgan, đã nâng dự báo suy thoái kinh tế Mỹ trong những tuần gần đây, viện dẫn cuộc chiến thương mại của ông Trump là yếu tố chính có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tình trạng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Giá vàng tại thị trường châu Á tăng mạnh hơn 1% trong phiên giao dịch 24/4. Trong ảnh: Vàng miếng được bày bán tại sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Giá vàng tăng hơn 1% nhờ lực mua “bắt đáy”

Giá vàng tại thị trường châu Á tăng mạnh hơn 1% trong phiên giao dịch 24/4, khi giới đầu tư tranh thủ mua vào sau đợt giảm giá trong bối cảnh hứa hẹn về một cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.