Theo báo “Liên hợp buổi sáng” ngày 4/7, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc hàng không vũ trụ toàn diện và đang phát triển ngành hàng không vũ trụ với tham vọng lớn.
Trung Quốc là một trong số ít cường quốc hàng không vũ trụ trên thế giới hiện nay.
Những năm gần đây, ngành hàng không vũ trụ đầy tham vọng của Trung Quốc đã kích thích Mỹ, và trên thực tế, ngành hàng không vũ trụ đã trở thành đấu trường cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó không nên xem nhẹ việc sử dụng quân sự trong không gian.
[Lĩnh vực hàng không vũ trụ ngày càng thu hút đầu tư tại Trung Quốc]
Bên cạnh kinh tế, xã hội, đời sống của nhân loại ngày càng phụ thuộc vào hệ thống không gian, tầm quan trọng của không gian với vai trò là lĩnh vực chiến đấu ngày càng gia tăng.
Chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang thúc đẩy ngành hàng không vũ trụ tập trung vào an ninh quốc gia.
Phần lớn công nghệ liên quan đến không gian là công nghệ lưỡng dụng (quân sự và dân sự).
Do đó, vào tháng 3/2015, chính quyền Tập Cận Bình đã nâng cấp chiến lược phát triển tích hợp quân sự và dân sự thành chiến lược quốc gia, từng bước tạo ra nhiều ảnh hưởng đối với môi trường xung quanh ngành hàng không vũ trụ.
Từ trước đến nay, các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức nghiên cứu thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) và Tập đoàn Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) đã độc quyền ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của nước này.
Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ Trung Quốc quyết định mở cửa lĩnh vực hàng không vũ trụ cho vốn tư nhân vào năm 2014 đến nay, các doanh nghiệp mới nổi của khu vực tư nhân đã gia tăng mạnh mẽ, quy mô thị trường thương mại hàng không vũ trụ cũng liên tục nhanh chóng mở rộng trên 20%.
Sự trỗi dậy của những doanh nghiệp mới nổi này không trực tiếp liên quan đến việc sử dụng quân sự trong không gian, song có thể nghiên cứu sự phát triển của công nghệ hàng không vũ trụ.
Trong tương lai, quân đội có thể sử dụng công nghệ và dịch vụ dân dụng, giúp nâng cao sức mạnh hàng không vũ trụ quân sự.
Ngoài ra, sự trỗi dậy của các doanh nghiệp hàng không vũ trụ mới cùng chính sách hỗ trợ của chính phủ đã giúp Trung Quốc phát huy được lợi thế trong ngành thương mại hàng không vũ trụ quốc tế, đặc biệt là trên lĩnh vực đầu cuối, cạnh tranh quyết liệt với Mỹ trong lĩnh vực thương mại không gian.
Ngoài việc tích hợp quân sự và dân sự, chính quyền Tập Cận Bình còn thúc đẩy nội địa hóa ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.
Trung Quốc đặt ra mục tiêu công nghệ đầy tham vọng theo kế hoạch “Sản xuất ở Trung Quốc 2025,” một trong số đó là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng liên quan đến hàng không vũ trụ.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc nhận thức được phát triển ngành hàng không vũ trụ, công nghệ, cải thiện chuỗi cung ứng để đảm bảo tự chủ sẽ nâng cao năng lực tồn tại của hệ thống hàng không vũ trụ, đóng vai trò là một trong những năng lực phòng thủ hàng không vũ trụ.
Tuy nhiên, phương châm kép vừa mở cửa ngành hàng không vũ trụ cho khu vực tư nhân, vừa thúc đẩy quốc tế hóa của Trung Quốc cũng đã gây nên một số vấn đề.
Thứ nhất là mâu thuẫn phát sinh với hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Sách Trắng “Hàng không vũ trụ Trung Quốc 2020” gần nhất của chính phủ Trung Quốc đã đề xuất xây dựng cục diện mới về hợp tác quốc tế hàng không vũ trụ.
Theo phương châm này, chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp năng lực phóng vệ tinh cho các nước đang phát triển, đồng thời thúc đẩy hợp tác công nghệ không gian với các nước.
Mặt khác, do nhiều nhà sáng lập và nghiên cứu của các doanh nghiệp hàng không vũ trụ mới nổi Trung Quốc xuất thân từ các cơ quan nghiên cứu của quân đội Trung Quốc và nhân viên kiêm nhiệm, nên các nước phát triển phương Tây rất cảnh giác đối với thương mại hàng không vũ trụ của Trung Quốc.
Mặt khác, thời gian tới, Trung Quốc cũng cần phải thông qua trao đổi công nghệ, nhân tài với các nước phát triển trong dài hạn để đẩy mạnh các công nghệ liên quan đến hàng không vũ trụ.
Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm an ninh quốc gia, chính quyền Tập Cận Bình cảm thấy lo ngại đối với việc quá lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và châu Âu về các công nghệ then chốt, do đó đã tìm cách thúc đẩy mạnh mẽ tích hợp quân sự và dân sự để nhanh chóng đảm bảo tự chủ.
Ngược lại, chiến lược phát triển tích hợp quân sự và dân sự của Trung Quốc đã dẫn đến sự cảnh giác của các nước châu Âu và Mỹ, các doanh nghiệp và nhà khoa học bị nghi ngờ hợp tác với quân đội trong lĩnh vực này bị hạn chế đến thăm các nước phát triển. Điều này đã làm mất đi cơ hội trao đổi công nghệ và nhân tài.
Chính phủ Trung Quốc đang đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan về tích hợp quân sự và dân sự.
Thứ hai, cần xây dựng hệ thống pháp lý đối với phương châm mở cửa lĩnh vực hàng không vũ trụ cho khu vực tư nhân.
Từ trước đến nay, trong quá trình thúc đẩy cải cách thể chế khoa học công nghệ quốc phòng, vấn đề sử dụng hệ thống pháp lý như thế nào để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông tin của các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận ngành công nghiệp vũ khí đang gây ra nhiều tranh cãi.
Điều này có nghĩa là một mặt phải tăng cường huy động năng lực của tài nguyên tư nhân, mặt khác cần nhanh chóng cắt giảm những trở ngại và bất an mà các doanh nghiệp tư nhân đối mặt khi tham gia vào ngành công nghiệp vũ khí.
Xuất phát từ quan điểm này, trong chương trình lập pháp của Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc khóa XIII đến năm 2023, việc xây dựng luật phát triển tích hợp quân sự và dân sự như thế nào là mấu chốt ảnh hưởng đến sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực quân sự hàng không vũ trụ của Trung Quốc trong thời gian tới.
Trong sự nghiệp hàng không vũ trụ của Trung Quốc, việc bảo vệ lợi ích của các bên liên quan ở trong nước, thiết lập chuẩn mực trên lĩnh vực công nghệ mới nổi và cách thức điều phối là các vấn đề mà chính quyền của ông Tập Cận Bình phải tập trung giải quyết./.