Những trở ngại cơ bản đối với vòng đàm phán Doha

Tin từ Vòng đàm phán Doha, một hiệp ước buôn bán toàn cầu mới lại có nguy cơ không thể đạt được vào cuối năm do một số trở ngại.
Các nguồn tin từ Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại cho thấy một hiệp ước buôn bán toàn cầu mới lại có nguy cơ không thể đạt được vào cuối năm nay do một số trở ngại cơ bản.

Hiện các nước đang phát triển đang đứng trước ba sự mất cân bằng lớn cần phải được giải quyết trong Vòng đàm phán. Đó là mất cân bằng trong thị trường nông sản quốc tế, mất cân bằng trong quyền tiếp cận Thị trường phi nông sản thế giới (NAMA) và mất cân bằng giữa thị trường nông sản và NAMA.

Trong khi đó, các nước phát triển không thỏa thuận dự thảo Hiệp ước buôn bán toàn cầu mới được soạn thảo năm 2008, trong đó buộc các nước này phải cắt giảm trợ cấp buôn bán. Thực tế, Mỹ đã không thực hiện thỏa thuận cắt giảm trợ cấp nông nghiệp (lên tới 14,5 tỷ USD) gây mất cân bằng trên thị trường nông sản toàn cầu.

Ông Martin Khor, Giám đốc Trung tâm NAMA cho rằng, bất đồng giữa khối các nước phát triển và đang phát triển về buôn bán hàng nông sản và hàng công nghiệp đã biến Vòng đàm phán Doha trở thành cuộc giằng co giữa hai khối nước này, trong đó các nước phát triển đưa ra những trao đổi bất bình đẳng với các nước đang phát triển.

Cho đến nay, Vòng đàm phán Doha vẫn bế tắc và không có hy vọng kết thúc trong tương lai gần. Cuộc đàm phán mới nhất kết thúc vào cuối tháng 3 vừa qua tại Geneva, Thụy Sỹ, mà không có định hướng mới nào cũng như không có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo nào được đưa ra.

Mới đây, trong buổi tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố Việt Nam (hiện là Chủ tịch ASEAN) cùng các nước ASEAN mong muốn sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha với kết quả cân bằng, thiết thực và tính đến lợi ích của các nước đang và kém phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục