Theo bình luận của tờ Thời báo Hàn Quốc (Korea Times) số ra ngày 8/3, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây bất ngờ gửi thư tay cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là điều gây ngạc nhiên, song đáng chú ý là động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động Triều Tiên Kim Yo-jong (em gái ông Kim Jong-un) gửi văn bản chính thức chỉ trích mạnh mẽ Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) do đã có phản ứng về vụ thử tên lửa tầm ngắn mới đây của Bình Nhưỡng.
Trong lá thư tay gửi tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Jong-un đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) đang hoành hành dữ dội với sự lây lan chóng mặt ở Xứ sở Kim Chi.
Nhà Xanh đã trích dẫn nội dung bức thư, trong đó nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un hy vọng Hàn Quốc sẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay, đồng thời mong muốn sự bình an sẽ đến với tất cả người dân miền Nam.
Một ngày sau đó, ông Moon Jae-in đã gửi thư hồi âm cám ơn thịnh tình của ông Kim Jong-un.
Có thể nói, việc trao đổi thư tay này phần nào cho thấy giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn còn sự tin tưởng lẫn nhau bất chấp mối quan hệ song phương đang bị ảnh hưởng nặng nề do các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington gặp bế tắc.
Trên thực tế, ông Kim Jong-un đã áp dụng sách lược “ngoại giao thư tay” không chỉ với cá nhân ông Moon Jae-in mà cả với Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ năm 2018 trong khuôn khổ chiến lược “tấn công hòa bình.”
Tính đến nay, giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un đã có 4 lần trao đổi thư tay, tạo tiền đề cơ bản cho tiến trình hòa giải giữa hai miền Triều Tiên.
[Nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi thư động viên Tổng thống Hàn Quốc]
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, rất khó để tin rằng lá thư của ông Kim Jong-un là nhằm thể hiện chính quyền Bình Nhưỡng đã sẵn sàng nối lại các cuộc đối thoại đang bị gián đoạn.
Hầu hết các nhà quan sát tình hình Triều Tiên đều có chung quan điểm rằng lá thư chỉ là một tín hiệu tích cực, nhưng rất khó để kỳ vọng sẽ có bất cứ sự đột phá nào trong mối quan hệ liên Triều ở thời điểm hiện nay.
Trước hết, Bình Nhưỡng cần thay đổi lập trường cứng rắn đối với Hàn Quốc nếu muốn cải thiện quan hệ với Seoul. Tiếp theo, Triều Tiên cần chấm dứt các hành động khiêu khích quân sự, bao gồm cả việc nối lại các hoạt động thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn và các loại vũ khí mới khác.
Bên cạnh đó, chính quyền Kim Jong-un cũng cần ngừng các hoạt động “chiến tranh tâm lý” sử dụng những lời lẽ chỉ trích “cay độc” nhằm vào chính quyền Moon Jae-in tương tự như tuyên bố của bà Kim Yo-jong mới đây. Một số chuyên gia Hàn Quốc dự đoán rằng lá thư tay gần đây nhất của ông Kim Jong-un có liên quan đến vấn đề COVID-19 ở Triều Tiên.
Chính quyền Bình Nhưỡng đã lập tức đóng cửa biên giới với Trung Quốc ngay sau khi COVID-19 bùng phát ở quốc gia láng giềng này.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông báo chính thức nào liên quan đến trường hợp xác định dương tính với COVID-19 ở Triều Tiên, mặc dù Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết hiện có khoảng 7.000 người đã bị cách ly ở quốc gia bí hiểm này.
Ngoài ra, chính quyền Kim Jong-un vẫn chưa chấp nhận đề xuất của Seoul về tăng cường hợp tác và trao đổi liên Triều, trong đó có các chuyến đi mang tính chất cá nhân của công dân Hàn Quốc tới Triều Tiên.
Bình Nhưỡng cũng chưa hồi âm đối với đề xuất của ông Moon Jae-in rằng hai miền cùng chung tay hợp tác chống COVID-19.
Tờ Thời báo Hàn Quốc kết luận rằng hai miền Triều Tiên cần tập trung vào việc xây dựng lòng tin và nối lại các cuộc đối thoại song phương.
Trên hết, ông Kim Jong-un cần sớm nhận ra rằng sự cô lập mà Triều Tiên đang phải hứng chịu chỉ khiến nền kinh tế của quốc gia này càng trở nên trầm trọng và tất nhiên sẽ dẫn đến sự bất ổn sau đó.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây đã nêu bật tính khó lường của tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một nền tảng quốc phòng vững chắc. Tuyên bố này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Phát biểu tại Học viện Không quân Hàn Quốc ngày 4/3, Tổng thống Moon Jae-in cho biết năm 2020 đánh dấu 70 năm nổ ra cuộc Chiến tranh Triều Tiên và kỷ niệm 20 năm (15/6/2000-15/6/2020) ký kết thỏa thuận liên quan tới các cuộc đàm phán liên Triều.
Ông Moon Jae-in cũng nhấn mạnh thêm rằng tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên đang bị lung lay, đồng thời cảnh báo tình hình có thể thay đổi nhanh đến mức “khó có thể dự đoán” nên những thách thức mà Hàn Quốc có thể phải đối mặt trong tương lai sẽ có phần hoàn toàn khác với trước đây.
Liên quan đến vấn đề này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân Christopher Ford mới đây cho biết Washington sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Triều Tiên trong thời gian sớm nhất có thể và hy vọng Bình Nhưỡng sẽ hồi đáp về việc này.
Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), phát biểu tại một cuộc họp báo ở New York nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) có hiệu lực, ông Ford đã nêu rõ: “Từ góc độ Bộ Ngoại giao, chúng tôi sẵn sàng, có thiện chí và chuẩn bị đầy đủ cho việc bắt đầu các cuộc thảo luận cấp chuyên viên với Triều Tiên...”
Trong khi đó, tại cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2020 ở Scranton, Pennsylvania, khi được hỏi sẽ làm gì với Triều Tiên nếu tái đắc cử, ông Trump nói: "Chúng tôi (ông và ông Kim) có quan hệ rất tốt. Chúng ta hãy xem điều gì xảy ra... Tôi không thể đảm bảo điều gì, nhưng trong 3 năm qua, chúng ta chưa mất gì. Chúng ta đang thực hiện trừng phạt và chúng ta không có chiến tranh với Triều Tiên. Điều đó không hề tệ."
Mặc dù ông Trump và ông Kim Jong-un đã có 3 cuộc gặp trực tiếp, song các cuộc đàm phán Mỹ-Triều đã rơi vào bế tắc trong hơn 1 năm qua do bất đồng về quy mô phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và những nhượng bộ từ phía Mỹ./.