Những tín hiệu tích cực nào cho thấy tiềm năng bứt phá của VN-Index?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển tiếp với nhiều cơ hội xen lẫn những thách thức, trong đó cần lưu ý đến yếu tố phân hóa giữa các nhóm ngành và sự thận trọng của khối ngoại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn biến động phức tạp, chịu tác động của nhiều yếu tố từ bên trong và cả ngoại cảnh. Cụ thể, kết quả kinh doanh quý 3 và áp lực từ thị trường quốc tế cũng như dòng vốn ngoại đã tạo nên “bức tranh” thị trường đầy thách thức, nhưng cũng mở ra những cơ hội.

Vùng hỗ trợ mạnh VN-Index 1.250 điểm

Khép lại tháng Mười, chỉ số VN-Index về mức 1.264,48 điểm sau khi giảm 1,82% so với tháng Chín.

Trong ngày đầu tiên của tháng 11, thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận diễn biến tiêu cực, khi VN-Index giảm thêm đến 0,76% và khép lại ở mức 1.254,89 điểm.

Theo ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index duy trì trên vùng hỗ trợ mạnh tại mức 1.250 điểm. Bên cạnh đó, độ rộng thị trường trên sàn HoSE có xu hướng nghiêng lạc quan nghiêng về sự phục hồi. Tuy nhiên, ông Nhật khuyến cáo vẫn có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành.

Trong đó, cổ phiếu thuộc các ngành dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng, nguyên vật liệu cho thấy những“gam màu sáng,” trong khi nhóm ngành viễn thông, tài chính và dầu khí lại kém khả quan hơn.

Hơn nữa, ông Phan Tấn Nhật chỉ ra rằng thanh khoản giảm mạnh xấp xỉ 20% tại sàn HoSE. Mặt khác, các nhà đầu nước ngoài tiếp tục bán ròng lên đến 7.652,27 tỷ đồng trong tuần qua. Điều này phần nào thể hiện sự thận trọng của khối ngoại.

Trên thị trường phái sinh, ông Nhật nhận định kỳ hạn VN30F2411 tăng nhẹ, nhưng chênh lệch đáng kể so với VN30 (+4,78 điểm). Và, các kỳ hạn xa hơn càng cho thấy sự chênh lệch lớn. Thêm một lần nữa, sự thận trọng của giới đầu tư tiếp tục được thể hiện. Cụ thể, khối lượng giao dịch giảm và khối lượng mở (OI) cũng thấp đi, thể hiện xu hướng điều chỉnh xuống các vị thế nắm giữ. Trong ngắn hạn, xu hướng của VN30F2411 dự kiến sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.340 điểm trong tuần tới.

Về triển vọng trên thị trường chứng khoán, ông Nhật phân tích xu hướng trước mắt của VN-Index vẫn phải đối mặt với áp lực điều chỉnh về vùng 1.245-1.255 điểm, đây là vùng giá cao nhất năm 2023. Mức kháng cự gần nhất sẽ nằm quanh khu vực chỉ số 1.270 điểm.

Nhưng với trung hạn, ông Nhật lạc quan hơn với đánh giá VN-Index có thể hướng đến mục tiêu 1.300 điểm nếu duy trì trên mức hỗ trợ 1.250 điểm.

“Việc chỉ số vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm, tương đương vùng đỉnh giá ở thời điểm đầu năm và tháng 6-8/2022, phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô tích cực, kết quả kinh doanh vượt trội và giảm thiểu căng thẳng địa chính trị toàn cầu," ông Nhật nói.

Trên thực tế, VN-Index đã trải qua các tháng 8-9 đầy biến động trong biên độ hẹp, nên ông Nhật cho rằng chỉ số cần phải giữ vững vùng hỗ trợ 1.250 điểm, sau đó vượt qua kháng cự 1.265-1.270 điểm mới có thể cải thiện đáng kể. Trong bối cảnh hiện tại với khoảng trống thông tin sau báo cáo quý 3 và cuộc bầu cử Mỹ sắp tới, ông Nhật nhấn mạnh nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý. Đặc biệt có thể ưu tiên các mã cổ phiếu cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh quý 3 ấn tượng và triển vọng tăng trưởng tích cực trong cuối năm.

“Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt,” ông Nhật nói.

Ảnh hưởng từ khối ngoại

Ở một khía cạnh khác, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định thị trường đang giằng co do áp lực cơ cấu của quỹ ETF Diamond và bán ròng của khối ngoại ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tuy nhiên, ông Hinh vẫn nghiêng về xu hướng lạc quan và cho rằng thị trường vẫn có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, kết quả kinh doanh quý 3 của khối doanh nghiệp niêm yết đạt rất khả quan với doanh thu tăng trưởng 8,7% và lợi nhuận sau thuế tăng 18,7% so với cùng kỳ. Điều này có sự vượt trội hơn so với hai quý đầu năm (dữ liệu đến ngày 1/11/2024, bao gồm 1.058 doanh nghiệp, chiếm 97,5% vốn hóa thị trường). Bối cảnh kinh doanh tích cực sẽ góp phần cải thiện về định giá và tâm lý nhà đầu tư.

Về thông tin chung, ông Hinh tiếp tục kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ giảm trong nửa cuối quý 4 khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục cắt giảm lãi suất và nguồn cung ngoại tệ tăng nhờ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI0 và kiều hối. Do đó, nhóm phân tích của công ty kỳ vọng vùng 1.240-1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index.

“Các nhà đầu tư dài hạn có thể gia tăng tỷ trọng nếu chỉ số điều chỉnh về vùng này. Trong đó, ưu tiên các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm. Thực tế trong những tháng gần đây, chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.240-1.250 điểm và chốt lời khi VN-Index chạm cận trên của kênh tích lũy tại vùng 1.290-1.300 điểm vẫn đang phát huy hiệu quả,” ông Hinh chia sẻ.

Nhìn chung các đánh giá trên thị trường xác định vùng 1.240-1.250 điểm là vùng hỗ trợ quan trọng của VN-Index. Các ý kiến đồng thuận về ở tiềm năng tăng trưởng trung hạn về khả năng chỉ số sẽ chạm mốc 1.300 điểm. Song, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố vĩ mô và vi mô./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục