Những tiết học tràn đầy niềm vui, hứng khởi của học trò nghèo vùng sâu

Bằng tấm lòng luôn chia sẻ, cảm thông, cô Nguyễn Thị Ngọc Hằng, tỉnh Tiền Giang đã đem hết nhiệt huyết tuổi trẻ để truyền đạt tri thức, tạo cảm hứng và niềm vui đến trường cho trẻ em nghèo vùng sâu.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tân Phú Đông là huyện cù lao duy nhất của tỉnh Tiền Giang. Người dân nơi đây đối mặt với nhiều khó khăn, từ sinh kế đến việc học hành của trẻ em…

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Phú Đông có nhiều nỗ lực thúc đẩy công tác giáo dục ở vùng đất khó này, tạo nền tảng để con em Tân Phú Đông vươn lên, lập thân, lập nghiệp, trở thành người hữu ích cho quê hương.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hằng quê ở thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, bên kia bờ sông Tiền. Năm 2005, cô tốt nghiệp Cử nhân ngành Giáo dục Tiểu học về nhận công tác tại Trường Tiểu học Phú Đông.

Tại đây, cô được phân công giảng dạy lớp 4 và được bầu là Tổ trưởng khối 4 Trường Tiểu học Phú Đông.

Trường Tiểu học Phú Đông là một trong những ngôi trường nông thôn sâu của huyện cù lao. Học trò nơi đây thiếu thốn đủ bề. Để được cắp sách đến trường, các em phải vượt qua nhiều thách thức.

Bằng tấm lòng luôn chia sẻ, cảm thông, cô Hằng đã đem hết nhiệt huyết của tuổi trẻ để truyền đạt tri thức, tạo cảm hứng và niềm vui đến trường, giúp trẻ tiếp thu bài học nhanh chóng.

Cô Hằng chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng dạy học, tôi tìm tòi những giải pháp phù hợp, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy như sử dụng internet, áp dụng mô hình giáo dục trực quan kết hợp tổ chức những trò chơi bổ ích như Rung chuông vàng, ô chữ kỳ diệu, đua ngựa, vượt chướng ngại vật… thu hút sự chú ý của trẻ. Qua đó, tạo hứng khởi và bầu không khí năng động, sinh động, hấp dẫn trên lớp. Việc tiếp thu kiến thức của học sinh nhờ vậy nhanh và sâu hơn."

[Cô giáo làm phim hoạt hình để truyền cảm hứng sáng tạo cho học sinh]

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Đông Nguyễn Văn Toàn đánh giá cô Hằng giỏi chuyên môn, mẫu mực trong công tác, có tinh thần cầu tiến, đi đầu phong trào học tập và làm theo Bác thông qua việc nêu gương tự học và tự rèn luyện, dạy tốt, có phương pháp sư phạm khoa học, hiệu quả, được đồng nghiệp đánh giá cao và phụ huynh học sinh yêu mến, tin cậy. Cô đã được kết nạp Đảng vào năm 2018.

Cô Hằng luôn quan tâm xây dựng kế hoạch dạy học khoa học, soạn bài giảng theo hướng đổi mới, phát huy được tính năng động, sáng tạo trong học tập của học sinh. Qua đó, xây dựng môi trường học tập hợp tác, thân thiện, tạo sự tự tin, tự giác học tập cho học sinh.

Theo thầy Nguyễn Văn Toàn, đây cũng là một cách cụ thể hóa việc vận dụng và đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, sáng tạo để giúp học sinh học tập tốt, chất lượng, phát triển được năng khiếu và kỹ năng học tập của từng em…

Cô còn áp dụng tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy, dạy học bằng giáo án điện tử cũng như tham mưu chọn học sinh có năng khiếu bồi dưỡng tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi hàng năm.

Cô dựa trên nguyên tắc chính xác, toàn diện, công bằng, khách quan, công khai và tạo điều kiện phát triển năng lực, đức-trí-thể-mỹ của từng em trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

Tùy theo năng lực, trình độ tiếp thu của các em, cô có phương pháp giáo dục, hỗ trợ tích cực, giúp các em vươn lên, không để em nào bị bỏ lại phía sau trong suốt năm học. Mặt khác, cô chọn và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu hát, kể chuyện, thể dục thể thao, viết đúng-viết đẹp… tham gia các hội thi do ngành Giáo dục và Đào tạo các cấp tổ chức, tạo được sinh khí và sự sôi nổi trong học tập, rèn luyện cho các em.

Trong các năm qua, lớp cô chủ nhiệm luôn đảm bảo duy trì sĩ số 100%, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, năng lực và phẩm chất đạt 100%.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hằng còn đóng góp nhiều đề tài, sáng kiến mang lại hiệu quả nâng chất lượng dạy-học.

Điển hình như năm học 2013-2014 cô có đề tài “Kinh nghiệm giảng dạy phân môn Tập làm văn lớp 4 theo yêu cầu đổi mới” được xếp loại C cấp huyện; năm học 2014-2015, đề tài “Sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học phân môn Tập làm văn cho học sinh lớp 4” được xếp loại C cấp huyện; đề tài “Sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học phân môn Luyện từ và câu cho học sinh lớp 4” năm học 2015-2016, cũng được xếp loại C cấp huyện; năm học 2017-2018, đề tài “Phương pháp tổ chức dạy các dạng bài tập luyện từ và câu cho học sinh lớp 4,” được xếp loại C, cấp huyện.

Năm học 2018-2019, cô có đề tài “Sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học khi dạy Lịch sử-Địa lý lớp 4” xếp loại C cấp huyện.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Phú Đông Phạm Minh Tâm đánh giá cao khả năng sư phạm, sự nêu gương trong phong trào thi đua dạy tốt-học tốt của cô Nguyễn Thị Ngọc Hằng - một đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên,” tấm gương sáng trong vườn hoa giáo dục huyện Tân Phú Đông.

Với những thành tích xuất sắc trong quá trình giảng dạy, công tác suốt 15 năm qua, cô Nguyễn Thị Ngọc Hằng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cùng nhiều phần thưởng cao quí khác do lãnh đạo các cấp, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục