Sự sống nảy mầm trên những vùng “đất chết”: An dân giữ đất biên cương

Những tiếng nổ sau chiến tranh: Nỗi đau dai dẳng, xé lòng

Sau khi rà phá sạch bom mìn, chính quyền huyện Tràng Định đã cho thi công hệ thống điện, đường, nước sạch…, giúp người dân ở các bản, làng mới yên tâm ổn định cuộc sống, góp phần gìn giữ biên cương.
Những diện tích rừng đang phát triển tốt của nhân dân xã Đội Cấn, huyện Tràng Định sau khi được rà phá bom mìn, thu gom vật liệu nổ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Màu xanh bình yên trở về trên những vùng đất trước đó đầy bom, mìn đã thúc đẩy điều kiện hình thành các điểm dân cư mới giáp biên giới.

Đưa dân đến khu vực này vốn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần tạo "phên dậu," thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc bảo vệ Tổ quốc.

Có đất sạch để xây nhà, canh tác, lao động sản xuất, có đường giao thông cùng các điều kiện về sinh hoạt, học hành, khám chữa bệnh, người dân ở những bản, làng mới này đã yên tâm ổn định cuộc sống, góp phần gìn giữ biên cương.

Bài 4: An dân giữ đất biên cương

Bản tái định cư Nặm Xà, mảnh đất giáp biên giới thuộc xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Chị Hà Thị Quyên là chủ nhân của ngôi nhà mới khang trang phía cuối bản.

Người phụ nữ dân tộc Tày vui vẻ khoe: “Nhà cũ của tôi ở cách đây vài cây số. Năm 2018, tôi được Nhà nước giao quyền sử dụng 400m2 đất và hỗ trợ 60 triệu đồng làm nhà. Chỗ ở mới có đầy đủ hệ thống điện, nước còn đường giao thông lại đến tận cửa, thấy phấn khởi lắm!.”

Theo chị Hà Thị Quyên, sau những năm chiến tranh, bom mìn, vật nổ còn sót lại gây hậu quả rất lớn lên mảnh đất giáp biên giới này. Khắp nơi là hố bom mìn, dân cư rất thưa thớt. Đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân rất khó khăn.

Điều mong mỏi lớn nhất của người dân trong xã nhiều năm trước là được Nhà nước, các đơn vị chuyên môn sớm triển khai rà phá vật nổ để bà con có điều kiện mở rộng diện tích canh tác, hạn chế được những tai nạn không đáng có xảy ra.

Năm 2018, mảnh đất này được lực lượng công binh làm sạch bom, mìn và bàn giao lại cho chính quyền. Một số hộ dân đã mạnh dạn xin được chuyển đến sinh sống, nhận đất canh tác, trong đó có gia đình chị Quyên.

Những diện tích rừng đang phát triển tốt của nhân dân xã Đội Cấn, huyện Tràng Định sau khi được rà phá bom mìn, thu gom vật liệu nổ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

“Chúng tôi dọn đến đây ở vào năm 2020. Ba năm nay, gia đình tôi đã đầu tư trồng cây quế, cây bạch đàn cùng trồng ngô, lạc. Cuộc sống của gia đình đã ổn định và khá hơn ở bản cũ rất nhiều. Con cái được học hành đầy đủ. Bây giờ vui lắm, chỉ biết lo làm ăn trên mảnh đất này thôi,” chị Quyên cho hay.

Cùng chung tâm trạng phấn khởi tại nơi ở mới là chị Vi Thị Thơm, cư dân bản tái định cư Nặm Xà.

Người phụ nữ dân tộc Tày này nói rằng, khi chuyển ra ở tại khu vực giáp biên giới, cùng với việc nhận về 3ha đất “bố mẹ chồng để lại” trên chính nơi này “nhưng vì trước đây có bom mìn nên không dám làm gì,” chị đã mạnh dạn nhận thêm đất để trồng rừng, phát triển kinh tế.

Trên toàn bộ diện tích đất, chị trồng hàng ngàn gốc quế, bạch đàn cùng trồng lúa. “Riêng cây quế, năm 2020, gia đình mới mua cây giống về trồng. Mới hơn 3 năm, cây đã phát triển khá tốt. Nếu thuận lợi, khoảng 5 năm nữa có thể thu hoạch. Mỗi vụ có thể đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng,” chị Vi Thị Thơm khoe.

Cách đây hơn 10 năm, vùng đất này có địa hình chia cắt nên sinh sống không tập trung, lại gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội do bom, mìn, vật nổ còn lại sau chiến tranh.

[Những tiếng nổ sau chiến tranh: Nỗi đau dai dẳng, xé lòng]

Nhằm khắc phục tình trạng này, năm 2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình di dân thành lập bản mới giáp biên Nặm Xà, xã Đội Cấn.

Sau khi được rà phá, làm sạch bom mìn, chính quyền huyện Tràng Định đã cho thi công điện, đường, trường, trạm và hệ thống nước sạch… với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, một bản tái định cư mới khang trang đã dần hình thành. Các công trình điện, đường, trường, trạm đã cơ bản được hoàn thiện.19 hộ đã chuyển đến sinh sống ở đây. Các hộ chủ yếu làm nông, lâm nghiệp và đời sống ngày càng.

Giới thiệu về điểm cư dân mới hình thành trên mảnh đất giáp biên này, anh Vi Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đội Cấn cho biết: “Bản tái định cư Nặm Xà không chỉ có ý nghĩa với bà con, mà còn mang ý nghĩa an ninh, quốc phòng lớn trên địa bàn. Chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng chức năng bám sát địa bàn, lắng nghe và giải quyết những khó khăn của bà con sau khi định cư tại bản mới. Thời gian qua, xã đã trình phương án cho Ủy ban Nhân dân các cấp xem xét, cấp đất phù hợp cho bà con. Hiện nay, 19 hộ dân đều đã có đất. Tất cả các hộ đều yên tâm canh tác, phát triển kinh tế trên mảnh đất này."

Chị Vi Thị Thoa ở thôn Nậm Khoang, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định phơi thóc sau thu hoạch trên diện tích đất ở được xã cấp (sau khi đã hoàn thiện việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chia sẻ về sự thay da, đổi thịt ở những khu vực từng là vùng “đất chết,” ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn khẳng định thực tế đã cho thấy, hiệu quả từ công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ đã góp phần giảm thiểu đáng kể diện tích ô nhiễm bom, mìn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Từ đó góp phần tạo ra quỹ đất sạch để nhân dân khu vực giáp biên giới có điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Cũng chính vì vậy, người dân đã yên tâm, gắn bó với khu vực biên cương hơn, góp phần vào việc đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

“Lạng Sơn đang tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác rà phá bom mìn trên địa bàn. Tỉnh ưu tiên các dự án rà phá bom, mìn phục vụ chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tập trung vào các khu vực ô nhiễm bom, mìn giáp tuyến biên giới, khu kinh tế cửa khẩu, các khu vực thường xảy ra tai nạn bom mìn. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đề xuất với Chính phủ quan tâm, đầu tư nguồn vốn hỗ trợ nhân lực để triển khai thực hiện các dự án rà phá bom mìn, vật liệu nổ để tiếp tục tạo mặt bằng sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh nhấn mạnh./.

Bài 1: Những tiếng nổ sau chiến tranh

Bài 2: Quyết tâm bắt sống “tử thần” trong lòng đất

Bài 3: Giải phóng tiềm năng đất đai

Bài cuối: Dấu ấn trên những vùng đất hồi sinh

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục