Đối với những người dùng trẻ tuổi của ứng dụng chia sẻ các đoạn video ngắn TikTok, hãng công nghệ Microsoft (Mỹ) đã xuất hiện như một “vị cứu tinh” với nỗ lực mua lại một số hoạt động kinh doanh của TikTok để tránh nguy cơ phải ngừng hoạt động tại Mỹ.
Theo các nhà phân tích, các hoạt động mua lại doanh nghiệp gần đây của Microsoft, trong đó có thương vụ mua trò chơi điện tử (game) Minecraft hồi năm 2014 và mạng kinh doanh LinkedIn năm 2016, có thể mang lại sự lạc quan cho những người dùng TikTok.
Theo ông Mike Vorhaus, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn truyền thông kỹ thuật số Vorhaus Advisors, trong những năm gần đây, Microsoft đã thực hiện một giải pháp nhằm hợp nhất các thương vụ mua lại mới.
Ví dụ, Microsoft đã để đội ngũ nhân viên của Minecraft làm việc tại châu Âu. Doanh số bán ứng dụng game Minecraft đã tăng gấp 4 lần trong sáu năm kể từ được Microsoft mua lại hồi năm 2014 và số người dùng hàng tháng hiện đã lên tới 126 triệu.
[Microsoft tiếp tục nghiên cứu thương vụ mua lại chi nhánh TikTok ở Mỹ]
JT Casey, một người dùng TikTok có tài khoản được 2,8 triệu người đăng ký theo dõi, cho biết mặc dù ban đầu có quan ngại về ý định mua lại TikTok của Microsoft song cuối cùng đây sẽ là một sự thay đổi tiềm năng có thể có lợi cho những người làm các đoạn video ngắn.
Trong khi đó, Dmitri Robinson, một người dùng TikTok có tài khoản được hơn 270.000 người đăng ký theo dõi, cho biết các ứng dụng chia sẻ những đoạn video ngắn Triller và Byte hiện được coi là hai ứng dụng đối thủ hàng đầu đối với TikTok.
Theo số liệu thống kê của Apptopia, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/7 thông báo dự định cấm TikTok tại thị trường Mỹ, số lượt tải xuống của bốn ứng dụng chia sẻ video gồm Triller, Byte, Dubsmash và Likee đều tăng mạnh trong ngày 2/8. Trong đó, số lượt tải xuống ứng dụng Triller tại Mỹ trong ngày 2/8 đã tăng gấp đôi lên gần 62.000.
Về phần mình, công ty công nghệ Facebook Inc cũng đang sẵn sàng "trình làng" ứng dụng chia sẻ hình ảnh và video Instagram Reels trên thị trường thế giới./.