Trên chiếc phản gỗ bán thịt lợn bé tẹo, kê xoàng xĩnh bằng hai viên gạch, bà Mùi oang oang vào điện thoại di động: “1 cân thịt mông sấn hả, ok ok, 10 phút nữa đưa vào tận bếp. Mà này, tiền lại tươi hơn mọi hôm nhá! Thì điện, xăng vừa tăng...”
Thoăn thoắt thái lại băm, đặt lên cân qua quýt đủ các loại túi to, túi nhỏ thịt lợn được khách hàng đặt qua điện thoại, bà Mùi tưng tửng: “Đấy, đang phân trần giá cả thì đã tắt phụt máy, thời buổi thời gian là vàng, là bạc, chợ búa cũng… di động nốt, giá cả chẳng cần đoái hoài.”
Thời giá “alô”
Chuyện của bà Mùi, nhà ngoại thành Đông Anh, làm nghề bán thịt lợn nhiều năm nay ở khu tập thể Thành Công, Hà Nội, thật đúng như câu nói buôn nhỏ nhưng lãi chẳng nhỏ chút nào.
Chỉ kê chiếc phản nhỉnh hơn bàn cờ, ngồi thu lu bên gốc cây me dại, vậy mà mỗi ngày bà Mùi bán hết nhẵn ba con lợn. Nhắc đến lợi nhuận, nghe đến chuyện bà vừa tậu chiếc ôtô Kia Morning để đi bán thịt, ai cũng phải... choáng.
Bà Mùi tủm tỉm: "Bàn thịt của tôi nhỏ vậy thôi nhưng đừng xem thường nghiệp bán buôn ở chợ cóc khu tập thể này. Sáng sáng, hễ đến chợ thì cánh thịt đầu mối cũng đã chuyển thịt tới nơi. Giá thịt bán ngoại thành hiện vẫn thấp hơn vài giá trong nội thành, thành thử lãi lời cũng dư dả hơn chút đỉnh so với chợ chính.
Dành dụm được ít vốn mấy năm buôn bán, bà Mùi chậc lưỡi mua cái xe Kia Morning tiện cho việc đi về, lỡ những hôm ế chợ vận chuyển cũng đỡ vất vả hơn...
Cô bạn đồng nghiệp của tôi cứ tấm tắc về “nội công thâm hậu” bán buôn qua điện thoại di động của bà Mùi như cái duyên chiều khách thời... mobile.
Với vẻ bề ngoài nông dân chính hiệu, nhưng từ thuở có di động, thì bà Mùi cũng đã treo “ò í e” trước ngực, rất sành điệu và chuyên nghiệp phục vụ chủ nhà gọi mua thịt. Nên dù bán buôn đi muộn về sớm nhưng phần lớn hộ gia đình khu tập thể đều trở thành khách “ruột” của bà Mùi, mặc bốn, năm bàn thịt khác cứ tha hồ ế ẩm.
Mỗi ngày, trên đường đi đến lúc vừa ngồi yên chỗ, bà Mùi bận luôn tay, luôn... miệng trả lời điện thoại, cắt thịt, hí hoáy ghi phiếu giá tiền, số nhà đặt trong mỗi túi. Chẳng để ngơi tay, nhoằng cái, bà khấp khởi đưa thịt lên tận cửa mỗi nhà, chẳng quản lên lên, xuống xuống, vòng vèo cả 6, 7 nhịp cầu thang.
Bù lại, theo quy luật “tiền nào của ấy”, phản thịt của bà Mùi cũng một mình một giá và có lúc này lúc kia cân lạng nhỉnh lên thụt xuống.
Bà Mùi chỏm chẻm: “1 cân thịt ba chỉ chợ bán 95.000 đồng, tôi bán hơn 100.000 đồng, lúc vắng thì hơn cân, lúc vội 8, 9 lạng. Giá của tôi khác, hơn chợ cóc mà cũng chẳng thua siêu thị. Nhưng thịt tươi nhé, ruồi muỗi đừng mơ mà bén mảng, thịt rửa sạch cứ như ở nhà, đưa tận cửa, thành thử các bà các cô mê lắm, lớ lơ giá cả.”
Chị Vân, sống ở khu tập thể cho biết nhà chị mua thịt của bà Mùi từ 5-6 năm nay, chỉ cần gọi điện, bà đưa lên tận cửa. Lắm lúc bận rộn, chị nhờ cả mua bó rau, quả ớt, hôm sau trả tiền.
“Thời buổi bận rộn, sáng chỉ kịp lo quà sáng, đưa các cháu đi học, 'ôsin' chỉ phụ việc nhà, chẳng tin giao phó việc chợ búa được. Có hàng quen, mua gì chỉ việc nhấc điện thoại, thực phẩm tươi ngon, lại đưa tới tận cửa, giá có đắt hơn nhưng tiện lợi lắm, nhất những lúc đi công tác vắng nhà, cũng chẳng phải lo,” chị Vân phân trần.
Hay như cô bạn tôi thì thú thật, không biết từ bao giờ đã tạo thành thói quen đi chợ bằng điện thoại và cũng không bận tâm đến giá cả. “Về đến nhà, thực phẩm đã được người giúp việc nấu nướng đâu ra đấy, sau chỉ việc xem phiếu, móc ví trả tiền.”
Kẻ bán là… thượng đế
Chẳng riêng ở các khu tập thể, việc đi chợ qua điện thoại di động và hình ảnh chiếc xe gắn máy thồ chở thùng thúng, thịt cá rau ria chốc chốc lại đỗ xịch trước nhà, giao thực phẩm nay trở thành chuyện thường thấy ở phố cổ, cũng là “mốt” với giới công sở, ngày càng bận rộn mải mê kiếm tiền.
Chú Lực, nhà ở phố Hàng Buồm, một người bạn của gia đình tôi, lắc đầu khó hiểu, kể: “Các gia đình phố cổ giờ sinh hoạt lạ lùng lắm. Thời buổi tivi báo đài nói về bão giá ầm ầm mà người dân cứ ‘ném tiền qua cửa sổ’ tự nhiên như không, đến chợ búa cũng gọi điện, trả cước phí được đưa đến tận cửa.”
“Nhà tớ, giờ việc mua sắm đều khoán cả cho cánh chợ cóc, hàng rong. Bà vợ ngày ngày đến nhà con trai trông cháu, hai cô con gái hết học này, bận nọ, thành thử chợ búa trưa chiều đều gọi điện để người ta đưa đến. Giá cả thì chẳng biết thế nào mà lần, chắc chắn đắt hơn cả siêu thị, ấy vậy mà cứ tỉnh bơ, tin nhau như người một nhà.”
Anh Hưng, bán thực phẩm “đưa tận nhà” trên phố cổ chia sẻ: “Nhà tôi ở tận Hà Tây, sáng sáng vợ chồng thồ thực phẩm từ thịt cá đến hành tỏi lên mé chợ Đồng Xuân. Hễ chủ nhà gọi điện, bà vợ sơ chế xong xuôi, tôi đi giao hàng. Tuy cả ngày đứng ngồi vất vưởng, rình công an từng tí nhưng vừa không mất thuế chợ, hàng hóa bán hết veo, chẳng ngại cạnh tranh với ai, thu nhập lại khá.”
Cô Nga, nhà Hàng Đào chẳng giấu diếm: “Sống ở phố thì phải chịu, buôn bán từng ly từng cắc. Mở mắt ra đã mải mê kiếm tiền, đi chợ như đánh đố vì chợ cóc chẳng có mà hàng rong qua lại thì lèo tèo. Thà mất thêm vài chục bạc mà được giao tận nhà. Vài năm lại đây, nhà nào cũng chợ búa vậy hết, cùng cảnh buôn thúng bán mẹt chẳng so đo làm gì.”
Bà Mùi tỉnh queo: “Thời buổi khó khăn, cái khó nó bắt mình phải ló cái khôn, muốn bán buôn thành vua thì phải đội khách hàng lên trước đã. Trong khi các bàn thịt khác thường xuyên ế ẩm vì dân ngày càng chặt chẽ chi tiêu, ăn cá, đậu, lạc nhiều hơn, mình vẫn đủng đỉnh.
Như Mùi tôi, nâng niu, hứng đón khách hàng, một khi tạo được uy tín, an tâm, họ sẽ bớt nghi ngại hơn. Tuy chẳng được nhàn cư, đổi lại bán buôn cứ sôi động mỗi ngày, giá cả lên vèo vèo mình cũng chẳng ngại.”
Câu chuyện bà Mùi, “trùm” bán thịt lợn ở một khu tập thể, qua gần chục năm bán buôn, vất vả nhọc nhằn khó mà kể hết. Song tối tối quay về ngồi nhà khang trang ở ngoại thành, sáng sáng lái xe ô tô đi bán, mới nghe thì thật khó tin, nhưng chẳng khó lý giải nếu “mắt thấy tai nghe” về chuyện “khoán” đi chợ vào phương tiện điện thoại di động đang như một thói quen sinh hoạt khó bỏ của nhiều gia đình ở thủ đô.
Kỳ trước: Dân quê xây nhà, tậu xe thời bão giá: Không khó!
Kỳ sau: "Làm giàu" thời... bão giá: Dẻo thơm nhưng lắm đắng cay
Thoăn thoắt thái lại băm, đặt lên cân qua quýt đủ các loại túi to, túi nhỏ thịt lợn được khách hàng đặt qua điện thoại, bà Mùi tưng tửng: “Đấy, đang phân trần giá cả thì đã tắt phụt máy, thời buổi thời gian là vàng, là bạc, chợ búa cũng… di động nốt, giá cả chẳng cần đoái hoài.”
Thời giá “alô”
Chuyện của bà Mùi, nhà ngoại thành Đông Anh, làm nghề bán thịt lợn nhiều năm nay ở khu tập thể Thành Công, Hà Nội, thật đúng như câu nói buôn nhỏ nhưng lãi chẳng nhỏ chút nào.
Chỉ kê chiếc phản nhỉnh hơn bàn cờ, ngồi thu lu bên gốc cây me dại, vậy mà mỗi ngày bà Mùi bán hết nhẵn ba con lợn. Nhắc đến lợi nhuận, nghe đến chuyện bà vừa tậu chiếc ôtô Kia Morning để đi bán thịt, ai cũng phải... choáng.
Bà Mùi tủm tỉm: "Bàn thịt của tôi nhỏ vậy thôi nhưng đừng xem thường nghiệp bán buôn ở chợ cóc khu tập thể này. Sáng sáng, hễ đến chợ thì cánh thịt đầu mối cũng đã chuyển thịt tới nơi. Giá thịt bán ngoại thành hiện vẫn thấp hơn vài giá trong nội thành, thành thử lãi lời cũng dư dả hơn chút đỉnh so với chợ chính.
Dành dụm được ít vốn mấy năm buôn bán, bà Mùi chậc lưỡi mua cái xe Kia Morning tiện cho việc đi về, lỡ những hôm ế chợ vận chuyển cũng đỡ vất vả hơn...
Cô bạn đồng nghiệp của tôi cứ tấm tắc về “nội công thâm hậu” bán buôn qua điện thoại di động của bà Mùi như cái duyên chiều khách thời... mobile.
Với vẻ bề ngoài nông dân chính hiệu, nhưng từ thuở có di động, thì bà Mùi cũng đã treo “ò í e” trước ngực, rất sành điệu và chuyên nghiệp phục vụ chủ nhà gọi mua thịt. Nên dù bán buôn đi muộn về sớm nhưng phần lớn hộ gia đình khu tập thể đều trở thành khách “ruột” của bà Mùi, mặc bốn, năm bàn thịt khác cứ tha hồ ế ẩm.
Mỗi ngày, trên đường đi đến lúc vừa ngồi yên chỗ, bà Mùi bận luôn tay, luôn... miệng trả lời điện thoại, cắt thịt, hí hoáy ghi phiếu giá tiền, số nhà đặt trong mỗi túi. Chẳng để ngơi tay, nhoằng cái, bà khấp khởi đưa thịt lên tận cửa mỗi nhà, chẳng quản lên lên, xuống xuống, vòng vèo cả 6, 7 nhịp cầu thang.
Bù lại, theo quy luật “tiền nào của ấy”, phản thịt của bà Mùi cũng một mình một giá và có lúc này lúc kia cân lạng nhỉnh lên thụt xuống.
Bà Mùi chỏm chẻm: “1 cân thịt ba chỉ chợ bán 95.000 đồng, tôi bán hơn 100.000 đồng, lúc vắng thì hơn cân, lúc vội 8, 9 lạng. Giá của tôi khác, hơn chợ cóc mà cũng chẳng thua siêu thị. Nhưng thịt tươi nhé, ruồi muỗi đừng mơ mà bén mảng, thịt rửa sạch cứ như ở nhà, đưa tận cửa, thành thử các bà các cô mê lắm, lớ lơ giá cả.”
Chị Vân, sống ở khu tập thể cho biết nhà chị mua thịt của bà Mùi từ 5-6 năm nay, chỉ cần gọi điện, bà đưa lên tận cửa. Lắm lúc bận rộn, chị nhờ cả mua bó rau, quả ớt, hôm sau trả tiền.
“Thời buổi bận rộn, sáng chỉ kịp lo quà sáng, đưa các cháu đi học, 'ôsin' chỉ phụ việc nhà, chẳng tin giao phó việc chợ búa được. Có hàng quen, mua gì chỉ việc nhấc điện thoại, thực phẩm tươi ngon, lại đưa tới tận cửa, giá có đắt hơn nhưng tiện lợi lắm, nhất những lúc đi công tác vắng nhà, cũng chẳng phải lo,” chị Vân phân trần.
Hay như cô bạn tôi thì thú thật, không biết từ bao giờ đã tạo thành thói quen đi chợ bằng điện thoại và cũng không bận tâm đến giá cả. “Về đến nhà, thực phẩm đã được người giúp việc nấu nướng đâu ra đấy, sau chỉ việc xem phiếu, móc ví trả tiền.”
Kẻ bán là… thượng đế
Chẳng riêng ở các khu tập thể, việc đi chợ qua điện thoại di động và hình ảnh chiếc xe gắn máy thồ chở thùng thúng, thịt cá rau ria chốc chốc lại đỗ xịch trước nhà, giao thực phẩm nay trở thành chuyện thường thấy ở phố cổ, cũng là “mốt” với giới công sở, ngày càng bận rộn mải mê kiếm tiền.
Chú Lực, nhà ở phố Hàng Buồm, một người bạn của gia đình tôi, lắc đầu khó hiểu, kể: “Các gia đình phố cổ giờ sinh hoạt lạ lùng lắm. Thời buổi tivi báo đài nói về bão giá ầm ầm mà người dân cứ ‘ném tiền qua cửa sổ’ tự nhiên như không, đến chợ búa cũng gọi điện, trả cước phí được đưa đến tận cửa.”
“Nhà tớ, giờ việc mua sắm đều khoán cả cho cánh chợ cóc, hàng rong. Bà vợ ngày ngày đến nhà con trai trông cháu, hai cô con gái hết học này, bận nọ, thành thử chợ búa trưa chiều đều gọi điện để người ta đưa đến. Giá cả thì chẳng biết thế nào mà lần, chắc chắn đắt hơn cả siêu thị, ấy vậy mà cứ tỉnh bơ, tin nhau như người một nhà.”
Anh Hưng, bán thực phẩm “đưa tận nhà” trên phố cổ chia sẻ: “Nhà tôi ở tận Hà Tây, sáng sáng vợ chồng thồ thực phẩm từ thịt cá đến hành tỏi lên mé chợ Đồng Xuân. Hễ chủ nhà gọi điện, bà vợ sơ chế xong xuôi, tôi đi giao hàng. Tuy cả ngày đứng ngồi vất vưởng, rình công an từng tí nhưng vừa không mất thuế chợ, hàng hóa bán hết veo, chẳng ngại cạnh tranh với ai, thu nhập lại khá.”
Cô Nga, nhà Hàng Đào chẳng giấu diếm: “Sống ở phố thì phải chịu, buôn bán từng ly từng cắc. Mở mắt ra đã mải mê kiếm tiền, đi chợ như đánh đố vì chợ cóc chẳng có mà hàng rong qua lại thì lèo tèo. Thà mất thêm vài chục bạc mà được giao tận nhà. Vài năm lại đây, nhà nào cũng chợ búa vậy hết, cùng cảnh buôn thúng bán mẹt chẳng so đo làm gì.”
Bà Mùi tỉnh queo: “Thời buổi khó khăn, cái khó nó bắt mình phải ló cái khôn, muốn bán buôn thành vua thì phải đội khách hàng lên trước đã. Trong khi các bàn thịt khác thường xuyên ế ẩm vì dân ngày càng chặt chẽ chi tiêu, ăn cá, đậu, lạc nhiều hơn, mình vẫn đủng đỉnh.
Như Mùi tôi, nâng niu, hứng đón khách hàng, một khi tạo được uy tín, an tâm, họ sẽ bớt nghi ngại hơn. Tuy chẳng được nhàn cư, đổi lại bán buôn cứ sôi động mỗi ngày, giá cả lên vèo vèo mình cũng chẳng ngại.”
Câu chuyện bà Mùi, “trùm” bán thịt lợn ở một khu tập thể, qua gần chục năm bán buôn, vất vả nhọc nhằn khó mà kể hết. Song tối tối quay về ngồi nhà khang trang ở ngoại thành, sáng sáng lái xe ô tô đi bán, mới nghe thì thật khó tin, nhưng chẳng khó lý giải nếu “mắt thấy tai nghe” về chuyện “khoán” đi chợ vào phương tiện điện thoại di động đang như một thói quen sinh hoạt khó bỏ của nhiều gia đình ở thủ đô.
Kỳ trước: Dân quê xây nhà, tậu xe thời bão giá: Không khó!
Kỳ sau: "Làm giàu" thời... bão giá: Dẻo thơm nhưng lắm đắng cay
Đặng Thị (Vietnam+)