Rất hiếm khi những thông điệp thẳng thắn nội bộ ngành ngân hàng lại được chuyển tải ra bên ngoài như năm nay. Phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị của hai ngân hàng lớn là Vietcombank và VietinBank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã gửi gắm những thông điệp mạnh mẽ về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, về một số yếu kém của tổ chức tín dụng để có hướng xử lý tốt nhất.
Luật hóa các quy định hỗ trợ ngân hàng tái cơ cấu
Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết cơ quan này đã và đang xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Đề án này sẽ đưa ra hành lang pháp lý cụ thể đối với các ngân hàng tham gia hỗ trợ, tái cơ cấu hệ thống.
“Theo đó, những vấn đề gì mà các đồng chí thực hiện để xử lý, hỗ trợ các ngân hàng tái cơ cấu chưa được luật hoá thì sẽ đưa vào luật để có hàng lang pháp lý rõ ràng, có công cụ để các ngân hàng yên tâm thực hiện tái cơ cấu,” Thống đốc nhấn mạnh.
Tương tự, cơ quan quản lý cũng sẽ luật hóa các quy định hỗ trợ việc các ngân hàng xử lý nợ xấu, tái cơ cấu. Ngoài ra, vấn đề xử lý tài sản đảm bảo của các nhà băng cũng được làm rõ.
Theo Thống đốc, xử lý tài sản đảm bảo là vấn đề then chốt trong xử lý nợ xấu nên cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng bảo vệ quyền lợi của người cho vay là các ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sửa đổi Luật tổ chức tín dụng với những quy định khắt khe, chặt chẽ hơn liên quan đến sở hữu cổ phần, cổ phiếu để hạn chế tình trạng sở hữu cổ phần ngân hàng cao hơn quy định, sử dụng ngân hàng để phục vụ lợi ích của mình. Các quy đinh, quy chế về an toàn sẽ được tăng cường và đưa vào trong luật.
"Ví dụ, các cá nhân mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn thu nhập đó hợp pháp hợp lệ, không được sử dụng vốn vay dưới bất cứ hình thức nào. Cá nhân nào vi phạm các quy định thì vĩnh viễn không được tham gia quản trị điều hành ngân hàng," Thống đốc khẳng định.
Ngoài ra, Thống đốc cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua vẫn còn có những rủi ro từ sai phạm của cán bộ, công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ, đặc biệt đâu đó còn có những vi phạm phải xử lý hình sự. Đây là điểm hết sức đáng quan tâm và cần phải được chấn chỉnh ngay.
Tránh dồn vốn vào những lĩnh vực nhạy cảm
Phát biểu ở cả 2 ngân hàng lớn, Thống đốc đều nhấn mạnh đến thông điệp: “Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp tăng cường an toàn trong tín dụng, những lĩnh vực nhạy cảm như cho vay bất động sản, BT, BOT, tín dụng trái phiếu doanh nghiệp, đây là những lĩnh vực sẽ được kiểm soát rất chặt chẽ.”
Thực tế cho thấy, cơn sốt bất động sản diễn ra năm 2006-2007 đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế kéo dài và đến nay chưa kết thúc. Vào giai đoạn đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng ngành ngân hàng đã tăng bất bình thường, từ mức 20-30% lên mức 57%.
Trong mấy năm trước, các ngân hàng đã mạnh tay đẩy vốn vào bất động sản, tập trung nhiều vào cho vay mua nhà. Chính vì vậy nếu các ngân hàng vẫn tiếp tục rót tiền vào bất động sản thì sẽ tạo ra “bong bóng” và có thể lặp lại tình trạng nợ xấu cao.
Thống đốc cũng chỉ ra, hệ thống tín dụng còn phân khúc chưa an toàn mà nếu không nhìn thẳng vào đó thì khó có thể phát triển bền vững. Ví dụ, hiện nay tín dụng trên 50% là trung dài hạn trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn, trung dài hạn chỉ khoảng từ 13-15%. “Như vậy có sự mất cân đối trong kỳ hạn gửi chưa kể những bất lợi khó lường trong và ngoài nước.”
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết trong năm 2016 ngành ngân hàng đã tập trung rất nhiều công sức để thực hiện triển khai đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, Thống đốc cũng cho rằng, nợ xấu còn cao. Nếu tính đúng tính đủ nợ xấu nội bảng và VAMC thì đương nhiên tỷ lệ nợ xấu còn cao hơn.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng nhận định năm 2017 là năm khó khăn trong điều hành tỷ giá. Ngoại hối, cán cân thanh toán năm 2017 được dự báo không cao so với 2016 vì chịu nhiều tác động bất lợi từ chính sách tiền tệ của các nước, áp lực từ việc tăng lãi suất của Fed...
“Do vậy, năm nay Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành rất linh hoạt thị trường ngoại hối, tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia là người dẫn dắt thị trường. Các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV với vai trò là ngân hàng lớn trên thị trường ngoại tệ, tiếp tục tham gia hỗ trợ cho chính sách trong điều hành," Thống đốc nhấn mạnh./.