Những thông điệp mạnh mẽ từ cuộc tập trận chung Nhật-Mỹ-Pháp

Cuộc tập trận nhằm kiềm chế mối đe dọa và các hành động khiêu khích của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Những thông điệp mạnh mẽ từ cuộc tập trận chung Nhật-Mỹ-Pháp ảnh 1(Nguồn: usa.bpositivenow.com)

Theo báo Sankei, cuộc tập trận chung giữa Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản, Lục quân Pháp và Thủy quân lục chiến Mỹ - diễn ra từ ngày 11-17/5 - là minh chứng cho sự thống nhất giữa 3 nước có chung quan điểm về chủ nghĩa dân chủ và tự do.

Một thông điệp chung đã được gửi tới Trung Quốc, nước đang thúc đẩy những bước tiến mạnh mẽ ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, đó là cuộc tập trận nhằm kiềm chế mối đe dọa và các hành động khiêu khích của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Theo Trung tá Marcaille thuộc Lục quân Pháp, cuộc diễn tập cho thấy Pháp chia sẻ nhận thức chung với Mỹ và Nhật Bản. Trong khi đó, Trung tá Nelsson của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng đây là cơ hội tốt để Pháp trao đổi những kỹ năng chiến thuật với phía Nhật Bản và Mỹ.

Cách đây gần 1 năm, chỉ huy quân đội của Mỹ và Pháp đã bắt đầu công tác chuẩn bị cho cuộc tập trận chung này, trong đó nhấn mạnh việc có chung nhận thức về ý nghĩa cũng như bối cảnh của cuộc diễn tập.

Tháng 7/2020, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản là Koji Yamazaki và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp Francois Lecointre đã thống nhất về cuộc tập này trong một hội nghị trực tuyến.

Trong quá trình chuẩn bị, các bên đã thống nhất điều chỉnh địa điểm diễn tập chung với nội dung phòng thủ đảo xa. Ban đầu, dự kiến 3 nước sẽ tập trận trên một đảo không người ở thuộc vùng Kyushu, mục đích là thực hiện huấn luyện sát với thực tế phòng thủ đảo không người như đối với quần đảo Senkaku nhằm gửi thông điệp kiềm chế Trung Quốc, nước đang bộc lộ rõ ý đồ xâm chiếm quần đảo này.

[Nhật-Mỹ-Pháp tập trận chung quy mô lớn kéo dài đến 17/5]

Theo một quan chức quân đội Pháp, khi đó, Pháp - quốc gia có lãnh thổ hải ngoại tại Thái Bình Dương và tự cho mình là một quốc gia thuộc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - cũng nhất trí với kế hoạch huấn luyện tại đảo không người ở nhằm gửi “thông điệp về tầm quan trọng của tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế.”

Tuy nhiên, do tàu chiến của quân đội Pháp cập cảng Sasebo, gần Khu quân sự Ainoura của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản tại tỉnh Nagasaki, trong khi đó, khu huấn luyện Kirishima - nằm giữa tỉnh Miyazaki và Kagoshima - cũng có một khu vực huấn luyện tác chiến đô thị nên có thể tổ chức diễn tập bắn súng, vì vậy, các bên thống nhất tổ chức tại Khu huấn luyện Ainoura và Kirishima, thay vì trên đảo không người ở.

Mặc dù ý nghĩa của cuộc diễn tập phần nào giảm bớt khi không thực sự diễn ra trên đảo không người ở nhưng các bên kỳ vọng sẽ cải thiện được năng lực tác chiến. Một sỹ quan cao cấp của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho biết quân đội Pháp có nhiều kinh nghiệm tác chiến ở khu vực đô thị, nhất là đối phó với khủng bố.

Do đó, có nhiều điều để học hỏi từ kỹ năng tác chiến của quân đội Pháp. Takashi Motomatsu - cựu Chỉ huy của quân đội miền Tây Nhật Bản, phụ trách Vùng Kyushu và quần đảo Okinawa - đã giải thích về tầm quan trọng của cuộc diễn tập rằng sự kiện này đã thể hiện sự gắn kết của Nhật Bản, Mỹ, Pháp cũng như vai trò chủ đạo của 3 nước này đối với hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thông điệp chiến lược này đã được gửi đến Sư đoàn quân phía Tây, đơn vị phụ trách bảo vệ quần đảo Nansei. Việc gửi thông điệp này cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến dư luận với Trung Quốc.

Mục đích của cuộc chiến dư luận này là gây ảnh hưởng đến dư luận quốc tế, qua đó giành được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế hơn đối với các hành động quân sự. Cụ thể hơn, Nhật Bản, Mỹ, Pháp ngầm phát đi lời kêu gọi đến cộng động quốc tế ủng hộ hoạt động duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế.

Đối với các nước châu Âu, sau Pháp, Anh cũng đã cam kết sẽ triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Đức cũng thông báo sẽ điều động một tàu khu trục tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm nay.

Trong khi đó, Hải quân Hoàng gia Australia cũng tham gia diễn tập cùng Nhật Bản, Mỹ, Pháp tại đây. Với sự hiện diện của tàu chiến Anh, Đức, nếu có thêm Ấn Độ tham gia diễn tập cùng Nhật Bản, Mỹ, Australia thì sẽ hình thành nên Bộ Tứ mở rộng để đối phó với Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục