Những thiếu sót quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ

Theo trang foreinpolicy.com, Hội nghị trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo dân chủ tại Mỹ được cho là mang đến cơ hội để các nền dân chủ cùng đứng lên, lắng nghe và đẩy lùi thách thức một cách mạnh mẽ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng foreinpolicy.com, trong thời gian vận động tranh cử tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã đưa việc bảo vệ và thúc đẩy nền dân chủ - cả trong và ngoài nước - làm trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình.

Trong bối cảnh này, một Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ được xem là động thái cụ thể hóa cho cam kết tranh cử của ông Biden.

Hội nghị trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo dân chủ - dự kiến diễn ra từ ngày 10-11/12 - là một sự kiện “đúng lúc."

Ngày nay, những nhân vật chuyên quyền và độc tài đang có chỗ đứng vững chắc hơn bao giờ hết, trong khi các nền dân chủ chưa sẵn sàng hoặc chưa đưa ra được phản ứng cụ thể.

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của ông Biden mang đến cơ hội để các nền dân chủ cùng đứng lên, lắng nghe và đẩy lùi thách thức một cách mạnh mẽ. Nếu giải quyết những thách thức lớn đối với nền dân chủ của mình, đồng thời được kỳ vọng sẽ thể hiện bộ mặt khiêm tốn, nước Mỹ đang có vị thế tốt hơn để thực sự đoàn kết với các đối tác trên thế giới và học hỏi các nước từng đi trên con đường này.

Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội và hoàn thành các mục tiêu đã nêu, hội nghị thượng đỉnh lần này đòi hỏi Mỹ phải tập trung nhiều hơn. Hội nghị cũng sẽ cần đến một số tiếng nói quan trọng vốn đang đứng ngoài cuộc.

Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo cần tận dụng hội nghị lần này để giải quyết một cách trung thực những thất bại và thiếu sót trong khâu điều hành nền dân chủ, nhấn mạnh đến các mối lo ngại lâu dài và đang mở rộng. Điều này có nghĩa là các nhà hoạt động hàng đầu có lẽ cũng cần được tham dự. Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ của ông Biden không thể chỉ là một buổi nói chuyện dành cho các nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

Khi các nhà lãnh đạo hành động không nhất quán với luận điệu ủng hộ dân chủ, các nhà hoạt động xã hội dân sự thường quy trách nhiệm và thúc đẩy họ tiến tới những cải cách cần thiết. Do đó, các nhà hoạt động dân sự phải được trao cơ hội tham gia quá trình tố tụng chính thức với tư cách là các bên liên quan. Nếu đại diện của một nước không được mời do thiếu uy tín dân chủ, lời mời nên được chuyển cho các nhà lãnh đạo đối lập thực sự ủng hộ dân chủ, vốn là những người tận tâm với việc thay đổi xã hội trong nước.

Thật không may là hội nghị lần này có lẽ chỉ mời các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, điều đặc biệt đối với một hội nghị được tổ chức chủ yếu theo hình thức trực tuyến là luôn có thời gian để mời thêm những người khác cũng như các nước nằm ngoài danh sách ban đầu.

[Mỹ lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nước châu Phi]

Ví dụ, Gambia là một thiếu sót đáng kể trong danh sách khách mời. Mặc dù là quốc gia có diện tích nhỏ nhất tại lục địa châu Phi, song Gambia có thể bù đắp hạn chế này nhờ sự cầu thị và tinh thần dân chủ.

Năm 2016, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, các nhà hoạt động nhân quyền và phe đối lập chính trị bị bao vây tại nước này đã hợp sức và đánh bại một trong những nhà độc tài tàn nhẫn và cầm quyền lâu nhất châu Phi thông qua một cuộc bầu cử quan trọng.

Trên thực tế, người dân Gambia sẽ quay trở lại các hòm phiếu trong tháng 12 này - một tuần trước hội nghị thượng đỉnh của Biden - và các nhà lãnh đạo ở đó xứng đáng có một vị trí tại hội nghị.

Sự suy thoái dân chủ do đại dịch COVID-19 cũng là vấn đề cần được giải quyết. Đặc biệt, các quyền hạn khẩn cấp của chính phủ nhiều nước, trong đó có cả các nền dân chủ như Mỹ, đã gây bất lợi lớn ngay cả khi chúng có vai trò cứu mạng người dân. Chính phủ các nước, kể cả các nước dân chủ, thường tận dụng cơ hội này để thâu tóm nhiều quyền lực hơn nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân thay vì sức khỏe cộng đồng.

Vấn đề quan trọng là các quyền hạn mới - cũng như các công nghệ tiên tiến được sử dụng để thực thi những quyền này - lại hiếm khi bị đảo ngược khi cuộc khủng hoảng chắc chắn đã lùi xa.

“Hiệu ứng bánh cóc” (hiệu ứng không thể đảo ngược) nói trên - cùng với việc chính phủ ngày càng có khả năng giám sát công dân - cho thấy một nguy cơ dài hạn và rõ rệt đối với nền dân chủ, đồng thời giúp các nước như Trung Quốc và Nga bảo vệ chế độ chuyên quyền của họ bằng cách “thúc đẩy các tiêu chuẩn kép” cho giới chỉ trích.

Những người tham gia Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ nên làm gương bằng cách cùng cam kết đẩy lùi tình trạng khẩn cấp, thường là các biện pháp nghiêm ngặt nhằm chống lại COVID-19. Trong trường hợp lý tưởng, điều này sẽ đi kèm với những biện pháp y tế công cộng toàn cầu hiệu quả nhất.

Các nền dân chủ cũng cần hành động quyết liệt nhằm chống lại các cuộc đàn áp xuyên quốc gia, trong đó các chính phủ can thiệp xuyên biên giới để ngăn chặn làn sóng phản đối của cộng đồng những người sống tại nước ngoài và bị lưu đày.

Từ Belarus đến Rwanda, các nhà độc tài đang săn lùng, bắt cóc và sát hại đối thủ của họ với tần suất đáng báo động và ngày càng gia tăng. Tệ hơn, họ làm điều đó và ngang nhiên lợi dụng quyền miễn trừ hình phạt, một hành vi bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của Saudi Arabia hồi năm 2018.

Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ của Tổng thống Biden là nơi để thế giới dân chủ thống nhất bằng cách thiết lập các chuẩn mực toàn cầu mới, theo đó ngăn cấm hành vi nói trên, đồng thời từng bước hướng tới lệnh cấm toàn cầu kèm theo hậu quả đối với người vi phạm, trong đó có các biện pháp trừng phạt có chủ đích.

Đây là một chiến thắng dễ dàng và là một kết quả cụ thể mà chính quyền ông Biden và các nhà lãnh đạo dân chủ khác có thể xây dựng nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước dân chủ, đồng thời loại bỏ một vũ khí chết người khỏi chế độ độc tài vốn đang ngày càng mở rộng.

Có một cộng đồng đang gặp nguy hiểm. Các cuộc chiến bảo vệ nền dân chủ và hành tinh khỏi thảm họa có mối liên kết tự nhiên. Mối liên kết này nên được đặt lên hàng đầu và là trung tâm của Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ. Thực tế cho thấy khi cuộc khủng hoảng khí hậu gia tăng, hành vi bạo lực và giám sát đối với các nhà hoạt động bảo vệ hành tinh và môi trường cũng gia tăng.

Không có gì ngạc nhiên khi các nước phi dân chủ nhất trên thế giới thường liên quan đến vụ sát hại các nhà hoạt động này. Năm 2019, các nhà hoạt động môi trường chiếm khoảng 40% tổng số những người bảo vệ nhân quyền bị sát hại trên toàn cầu. Tính riêng năm 2020, trung bình mỗi tuần lại có hơn 4 nhà hoạt động môi trường bị giết.

Giống như vấn đề đàn áp xuyên quốc gia, một chiến thắng dễ dàng khác cho các nền dân chủ toàn cầu là công khai cam kết hình phạt nghiêm khắc hơn đối với việc nhắm đến các nhà hoạt động ở trong hoặc ngoài nước, đồng thời buộc thủ phạm chịu trách nhiệm.

Điều này cũng sẽ tạo động lực cần thiết sau Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hồi đầu tháng 11, vốn gây thất vọng sâu sắc cho các nhà hoạt động và công dân quan tâm đến sự kiện này.

Chắc chắn, đây chưa phải là danh sách đầy đủ các ưu tiên và hành động cần được đặt làm trọng tâm trong tháng 12 tới. Tuy nhiên, danh sách này giúp điều chỉnh phạm vi của hội nghị và làm nổi bật các lĩnh vực chính, có tác động thực tế và có thể thay đổi tình hình.

Tóm lại, Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ là một dịp vô cùng quan trọng để các nền dân chủ trên thế giới - với sự dẫn dắt của Mỹ - đoàn kết lại nhằm đối mặt với những xu hướng phi dân chủ đang trỗi dậy, cũng như nguy cơ tổn hại cho các giá trị dân chủ và những người bảo vệ chúng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục