Các thương hiệu quốc tế đã bắt đầu hé lộ về những thiệt hại tài chính từ chính sách "Không COVID" của Trung Quốc, nơi hiện đang có đến hàng chục triệu người bị phong tỏa và hầu hết mọi hoạt động kinh doanh quy mô lớn đều bị gián đoạn.
Trong những tuần gần đây, hàng chục thành phố của Trung Quốc, bao gồm cả trung tâm tài chính Thượng Hải, đã buộc phải đóng cửa để đối phó với sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Đối với các ngành nghề khác nhau từ công nghệ đến hàng tiêu dùng, thực trạng này đang phá hủy hai cán cân cung và cầu trong nền kinh tế, tạo thêm một thách thức khác cho các nhà điều hành kinh tế.
[Các biện pháp phong tỏa có thể tác động mạnh tới kinh tế Trung Quốc]
Nhiều công ty vốn đã phải gánh chịu những khoản lỗ lên đến hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ USD do cuộc xung đột ở Ukraine, nay lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy phong tỏa. Sự kết hợp này đã tạo ra những "cú đấm liên tiếp" đối với các tập đoàn đa quốc gia.
Thương hiệu mỹ phẩm Estée Lauder (EL) tuần trước cho biết "hai cơn gió ngược" kể trên đã buộc họ phải cắt giảm triển vọng kinh doanh trong năm.
Cuộc khủng hoảng là lời cảnh tỉnh về sự phụ thuộc quá mức của các công ty toàn cầu vào Trung Quốc.
"Dù muốn hay không, tại thời điểm này, nếu công ty của bạn là một công ty đa quốc gia, Trung Quốc có lẽ là thị trường tiêu thụ lớn thứ nhất hoặc lớn thứ hai của bạn," Ben Cavender, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn từ thành phố Thượng Hải, nơi đã bị phong tỏa trong sáu tuần.
Các biện pháp "bế quan tỏa cảng" này đã buộc hàng chục triệu người Trung Quốc ở trong nhà trong hơn một tháng, khiến căng thẳng tinh thần tăng cao.
Trong nhiều trường hợp, người dân không thể rời khỏi nhà mà không có sự cho phép đặc biệt và một số lượng lớn các cơ sở kinh doanh vẫn đóng cửa.
Mất hứng mua sắm
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất của nhiều ngành công nghiệp từ hàng xa xỉ đến ôtô. Tuy nhiên, trong tháng trước, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng chậm lại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến triển vọng việc làm.
EL, công ty mẹ của hai hãng mỹ phẩm Bobbi Brown và MAC, dự kiến doanh số bán hàng toàn cầu sẽ chỉ tăng từ 7-9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức tăng trưởng kỳ vọng là 13-16% được đưa ra trước đó trong tháng Hai.
EL cho biết tập đoàn này đã chịu ảnh hưởng từ việc phải đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh ở Nga và Ukraine, dẫn đến sụt giảm doanh số bán hàng.
Giám đốc tài chính Tracey Travis của EL cho biết doanh số bán hàng cũng giảm 4% ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong quý trước, do những diễn biến tại thị trường Trung Quốc.
Không như EL, một số doanh nghiệp đã từ chối đưa ra dự báo. Tuần trước, Starbucks đã tạm dừng công bố các dự báo tăng trưởng. Giám đốc điều hành Howard Schultz nhận định: "Tình hình ở Trung Quốc là chưa từng có."
Nhà lãnh đạo này cho biết: "Do các điều kiện ở Trung Quốc, chúng tôi hầu như không thể dự đoán kết quả hoạt động ở thị trường này trong nửa năm trở lại đây. Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại là thị trường lớn thứ hai của Starbucks."
Tập đoàn Kering, chủ sở hữu của hai thương hiệu Gucci và Bottega Veneta, cho biết vào tháng trước họ đang cảm thấy khổ sở với việc tâm lý mua sắm giảm mạnh, các cửa hàng đóng cửa và những thách thức lớn về hậu cần do lệnh phong tỏa gây ra.
Giám đốc tài chính của Kering Jean-Marc Duplaix cho biết: "Tình hình chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, tâm lý tiêu dùng đang trở nên ảm đạm hơn."
Đồng quan điểm này, Giám đốc Cavender cho biết: "Thành thật mà nói, người tiêu dùng giờ đây không phải lo lắng về việc mua son môi hay cà phê mà họ thực sự tập trung hơn nhiều vào việc mua nhu yếu phẩm."
Ví dụ ở Thượng Hải, việc phong tỏa ban đầu dẫn đến một cuộc tranh giành thực phẩm lớn và những lời phàn nàn về khó khăn trong việc giao nhận hàng.
Giờ đây, ngay cả khi mọi thứ đã được cải thiện, nhiều người lại tập trung vào cái được gọi là "mua theo nhóm." Đây là hình thức mua sắm cho phép những người dùng sống trong cùng một cộng đồng đặt mua số lượng lớn các mặt hàng tạp hóa và thiết yếu khác.
Trong khi đó, ngay cả những người không bị mắc kẹt ở nhà cũng có thể bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng sống ở các thành phố không bị phong tỏa cũng có thể ngại ra đường hay ghé vào trung tâm mua sắm vì tâm lý sợ sệt. Đây là một lực cản rất lớn đối với tiêu dùng.
Sức ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn rất lớn
Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng chuyển ít nhất một phần dây chuyền sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc do cuộc chiến thương mại giữa nước này với Mỹ. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của thị trường nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn là rất lớn.
Tháng trước, Apple đã cảnh báo về những thiệt hại lớn liên quan đến sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc. "Gã khổng lồ" nước Mỹ cho rằng vấn đề về chuỗi cung ứng có thể lấy đi từ 4-8 tỷ USD doanh thu của hãng trong quý này.
Apple đổ lỗi cho những hạn chế ở Trung Quốc và tình trạng thiếu linh kiện trên toàn thế giới. Theo hãng phân tích Everstream Analytics, những lần phải ngừng hoạt động trong thời gian ngắn đã tác động đến khoảng 20-30% sản lượng iPhone của hãng.
Khó khăn của Apple "chủ yếu tập trung xung quanh khu vực Thượng Hải," nơi có một số nhà máy bị ảnh hưởng, CEO Tim Cook cho biết.
Tháng trước, việc Microsoft ngừng sản xuất tại Trung Quốc cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung máy tính xách tay Surface và máy chơi game Xbox của hãng, và có khả năng "tác động lớn" đến hoạt động theo quý của hãng này.
Hai nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới là Volkswagen và Toyota đều đã buộc phải tạm ngừng sản xuất trong nhiều tuần gần đây. Mặc dù cả hai công ty đã nối lại sản xuất song trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục gặp khó khăn, họ sẽ chỉ có thể phát triển một cách chậm rãi.
Trong khi đó, Tesla cũng đã cố gắng khởi động lại sản xuất vào tháng trước sau khi buộc phải ngừng hoạt động trong vài tuần.
Hôm 10/5, hãng Reuters trích dẫn các nguồn không chính thức rằng Tesla đã phải tạm dừng hầu hết hoạt động sản xuất một lần nữa, do các vấn đề với các nhà cung cấp.
Theo Giám đốc Cavender, nhiều nhà cung cấp ôtô đang tiếp tục gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động các nhà máy và phân phối linh kiện.
Mặc dù nhu cầu về xe điện vẫn tăng mạnh, cả Volkswagen và nhà sản xuất Trung Quốc BYD đều báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc tăng đột biến gần đây, nhưng các cảng của Trung Quốc và các trung tâm hậu cần khác vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Tháng trước, Amazon đã cảnh báo rằng "giá cước vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển tiếp tục bằng hoặc cao hơn giá cước trong nửa cuối năm ngoái," một phần do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc.
Giám đốc tài chính Amazon Brian Olsavsky đã nói với các nhà phân tích trong buổi công bố báo cáo rằng giá cước đã cao hơn nhiều so với mức trước khi đại dịch xuất hiện, vì sự lan rộng của biến thể Omicron ở Trung Quốc và tình trạng thiếu lao động ở các địa điểm khác nhau.
"Một giai đoạn rủi ro lớn hơn"
Nhiều thương hiệu đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phục hồi doanh nghiệp khi cuộc khủng hoảng lắng xuống. Trong những tuần gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực để có thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động và phát triển, đồng thời cam kết hỗ trợ hạn chế những thiệt hại về kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đã cảnh báo về những tác động bất lợi của chính sách "Không COVID" của nước này, cho rằng nền kinh tế nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm nay.
Thiệt hại có thể được nhìn thấy ở tất cả các mặt. Tháng trước, lĩnh vực dịch vụ khổng lồ của Trung Quốc đã chứng kiến mức giảm lớn thứ hai trong lịch sử, trong khi hoạt động sản xuất cũng xuống mức thấp kỷ lục.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định chính phủ sẽ "kiên quyết tuân thủ" chính sách "Không COVID" của mình.
Theo tính toán mới nhất của CNN dựa trên dữ liệu chính phủ, có ít nhất 31 thành phố của Trung Quốc đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần. Điều này có khả năng gây ảnh hưởng đến khoảng 214 triệu người dân trên khắp đất nước.
Theo các tổ chức thương mại, tình thế tiến thoái lưỡng nan đang diễn ra cuối cùng có thể khiến một số doanh nghiệp phải xem xét lại lập trường của mình.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc Jörg Wuttke, khi các quốc gia khác tiếp tục mở cửa trở lại, một số công ty nước ngoài có thể cân nhắc chuyển trụ sở khu vực ra khỏi Trung Quốc.
"Tôi chắc chắn thấy các cuộc thảo luận," ông Jörg Wuttke nói với CNN Business.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Cavender nói rằng những thách thức gần đây ở Ukraine và Trung Quốc càng cho thấy "một giai đoạn rủi ro lớn hơn" đối với các công ty quốc tế.
Ông nói thêm: "Tôi nghĩ rằng một công ty đa quốc gia ngày nay sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với trước đây"./.