Trang mg.co.za (Mail & Guardian) mới đây đăng bài phân tích của Giáo sư khoa học chính trị Dan Banik và nghiên cứu sinh Nikolai Hegertun tại Trung tâm Phát triển và Môi trường, Đại học Oslo về những thay đổi của viện trợ phát triển hiện nay và cơ hội đối với châu Phi.
Theo bài viết, hiện đang xuất hiện những dấu hiệu ngày càng rõ ràng hơn cho thấy mối quan hệ viện trợ giữa bán cầu Nam và bán cầu Bắc đang thay đổi nhanh chóng.
Nhiều nhà tài trợ truyền thống phương Tây đang đánh giá lại vai trò của viện trợ trong khi tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ lợi ích quốc gia của họ. Những thay đổi này có thể không phải hoàn toàn là xấu.
Từ đầu thế kỷ XXI, các chính sách viện trợ trở nên phức tạp và rời rạc. Riêng năm 2015, bốn dự án xây dựng mục tiêu và chính sách phát triển quốc tế lớn đã được đưa ra, gồm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Chương trình hành động Addis Ababa về tài trợ phát triển, Khung Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Chương trình phát triển toàn cầu hiện bao gồm nhiều mục tiêu về giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, môi trường và biến đổi khí hậu.
Sự quá tải về chính sách quốc tế chưa từng có này đang làm thay đổi hoàn toàn bối cảnh viện trợ.
Khi các quốc gia phát triển nhất thế giới đang hình thành nhịp điệu mới gắn kết chặt chẽ hơn viện trợ với các nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhân đạo và biến đổi khí hậu, các quốc gia châu Phi có thể tạo ra sự cân bằng có lợi cho lục địa. Điều này có thể mang đến cơ hội định hình tương lai quan hệ Bắc Bán Cầu và Nam Bán Cầu.
Điều ít được bàn luận tới
Kể từ khi Các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) đầy tham vọng được đưa ra vào năm 2015, sự phân chia giàu nghèo ít khi được đề cập đến.
Trong thực tế, các mục tiêu phát triển đã củng cố quan điểm rằng trách nhiệm đạt được phát triển bền vững áp dụng cho tất cả các quốc gia.
Mặc dù mỗi quốc gia có thể phải đối mặt với những thách thức khác nhau, nhưng tính liên kết giữa các tiến bộ toàn cầu có nghĩa là tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền.
[Vì sao nhiều nước châu Phi chưa “mặn mà” với gói cứu trợ?]
Nhiều nước châu Phi đã tham gia vào hợp tác Nam-Nam với các cường quốc như Trung Quốc và Ấn Độ. Trong việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn, Trung Quốc cho thấy những thành tựu ấn tượng trong việc đưa hơn nửa tỷ người thoát nghèo.
Trong khi đó, Ấn Độ khẳng định những thành công của cuộc cách mạng xanh, cũng như nhiều tiến bộ trong công nghệ thông tin và truyền thông và chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng.
Cả hai quốc gia cũng thể hiện khả năng phát triển công nghệ với giá cả phải chăng, sẵn có và có thể thích ứng, đồng thời cả những tiến bộ mang tính định hình của hai nước này trong giải quyết các thách thức phát triển.
Với sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước thu nhập trung bình khác, chính sách ngoại giao phát triển đang được tái định hình.
Một “trang mới” trong viện trợ phát triển
Lâu nay, Vương quốc Anh thường tỏ ra ưu ái với các thuộc địa cũ và được ca ngợi là một nhà lãnh đạo toàn cầu hào phóng và sáng tạo.
Nhưng hiện tại, Anh cũng công khai thúc đẩy lợi ích quốc gia.
Hội nghị thượng đỉnh Anh-châu Phi được tổ chức vào tháng 1/2020 là nỗ lực của nước này nhằm thúc đẩy các sáng kiến mới và quan hệ đối tác thương mại với châu Phi.
Ở chừng mực nào đó, có thể nhận ra sự không chắc chắn khi Bắc Âu hào phóng gắn viện trợ với “quyền lực mềm” theo hướng tương thích với việc duy trì một nhà nước phúc lợi được tài trợ tốt và đạt được sự nhất quán trong chính sách về phát triển bền vững.
Cuộc khủng hoảng khí hậu thể hiện rõ rằng các nước sản xuất dầu mỏ và các nhà cung cấp viện trợ hào phóng như Na Uy không thể “dẫn dắt” chương trình nghị sự phát triển toàn cầu mà không thực hiện các sáng kiến táo bạo trong nước.
Không chỉ phương Tây mà các chủ thể khác cũng đang tỏ ra quan tâm đến châu Phi. Nga đã đưa ra một chiến lược lớn để mở ra “một trang mới” và đưa toàn bộ châu lục trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước này.
Do đó, châu Phi đang thu hút sự quan tâm toàn cầu mới, cũng như sự cạnh tranh giữa các cường quốc trên thế giới.
Một số học giả thậm chí còn cảnh báo về một “cuộc tranh giành mới về châu Phi” liên quan đến các cường quốc toàn cầu và cường quốc mới nổi - những chủ thể đang nỗ lực thu hút sự chú ý của châu lục này.
Mặc dù dòng viện trợ có thể giảm theo thời gian, nhưng hiện nay người ta quan tâm nhiều hơn đến việc thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Câu hỏi quan trọng đối với châu Phi là làm thế nào các nước lục địa này có thể sử dụng sự quan tâm ngày càng tăng đó để mang lại lợi ích cho chính châu lục này.
Ba thách thức lớn
Châu Phi cần chú ý tới ba nhóm thách thức lớn khi lục địa này can dự với các mối quan hệ mới và trẻ hóa mối quan hệ đã có với các cường quốc lớn trên thế giới.
Thứ nhất, lo ngại về nợ tăng. Các học giả và tổ chức quốc tế đã lập luận rằng cộng đồng quốc tế phải dành ưu tiên hàng đầu cho một cam kết mới về xóa nợ.
Châu Phi đã sử dụng các khoản vay ưu đãi và chuyên môn nước ngoài để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ mà hiện các nước này không có khả năng chi trả.
Các cuộc tranh luận chính trị gần đây ở Zambia và Nigeria minh chứng cho mối quan ngại ngày càng tăng về việc trả nợ cho Trung Quốc.
Ngoài ra cũng xuất hiện những lo ngại về chi phí môi trường và tài chính cho các hoạt động của Nga trên lục địa này. Giới quan sát cũng nghi vấn về khả năng các cường quốc phương Tây sẵn sàng trong việc giải quyết nợ của châu Phi.
Mối quan tâm thứ hai liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng.
Ngoài ra, một số nước cũng cho thấy sự thiếu cam kết với các nguyên tắc dân chủ khi tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với châu Phi.
Nửa bán cầu Bắc cho rằng các hoạt động của Trung Quốc, Nga và những nước khác sẽ làm suy yếu các nỗ lực thúc đẩy và củng cố quản trị tốt, cũng như các giá trị tự do.
Ví dụ điển hình là tranh cãi dai dẳng giữa một bên là Nga-Trung và một bên là nhóm ba nước châu Phi (A3) tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong khi nhóm A3, gồm Côte d’Ivoire, Guinea Xích đạo và Nam Phi, tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm tái lập chế độ dân sự sau khi Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4/2019, hai thành viên thường trực Nga-Trung không tỏ thái độ ủng hộ.
Kenya cho thấy nước này có thể thể hiện lập trường cứng rắn với cả Mỹ và Trung Quốc khi quốc gia Đông Phi này mới đây đã bác bỏ các nỗ lực của Mỹ nhằm “tẩy chay” Huawei, đồng thời chứng minh chất lượng kém của thiết bị y tế mà Kenya đã nhập khẩu từ Trung Quốc.
Lĩnh vực quan tâm thứ ba là sự không chắc chắn lớn hơn về lợi ích của toàn cầu hóa.
Tình trạng hỗn loạn chính trị ở Mỹ và nhiều nơi ở châu Âu đã củng cố tiếng nói của những người bảo vệ lợi ích quốc gia trước tiên trong việc đưa ra quyết định chính trị.
Bằng chứng rõ nét là chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giảm sự ủng hộ đối với các tổ chức đa phương hay việc Anh cắt giảm 20% ngân sách viện trợ.
Làn sóng người tị nạn vào châu Âu năm 2015 cũng góp phần thúc đẩy tâm lý hướng nội ở nhiều quốc gia. Hệ quả là nhiều nước tái phân bổ ngân sách viện trợ để trang trải chi phí xây dựng khu cư trú cho những người tị nạn.
Ngoài ra, viện trợ cũng có sự liên kết rõ ràng hơn với các lợi ích quốc gia như các mối quan tâm về thương mại và an ninh.
Khả năng của các nhà lãnh đạo châu Phi trong giải quyết ba mối quan tâm bao trùm này sẽ quyết định rất nhiều đến mức độ sẵn có của nguồn tài chính phát triển trong tương lai ở lục địa này.
Thương lượng lại các điều khoản
Sự nhấn mạnh rõ ràng hơn về lợi ích quốc gia có thể khuyến khích các nước tài trợ tham gia “cuộc chơi lâu dài” ở châu Phi.
Các ưu tiên chính sách đối ngoại đầy tham vọng và các chương trình phát triển đổi mới sáng tạo thậm chí có thể đạt được sự ủng hộ về mặt chính trị từ những người nộp thuế ở các khu vực của châu Âu vốn thường xuất hiện các tranh cãi về chính sách viện trợ.
Nhưng sự nhấn mạnh nhiều hơn vào lợi ích quốc gia cũng có thể gây tổn hại đối với mối quan hệ “bên cho-người nhận” vốn đầy tính vị tha.
Tìm kiếm những mối quan hệ chặt chẽ hơn với châu Phi sẽ không chỉ đơn giản là việc mang quà đi tặng mà còn là mong đợi sự đáp lại dưới hình thức nào đó.
Nhưng những lời chỉ trích của phương Tây đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Bắc Kinh sẽ trở nên vô nghĩa nếu phương Tây không đưa ra được các giải pháp thay thế khả thi và do phương Tây dẫn dắt.
Trong lịch sử, nhiều quốc gia châu Phi đã phải chấp nhận điều kiện chính sách của các liên minh tài trợ. Đây là cơ hội duy nhất để châu Phi yêu cầu những gì lục địa này cần. Đây là thời điểm các chủ thể ngoài châu Phi cạnh tranh lẫn nhau.
Các nền kinh tế lớn của châu Phi cũng phải thực hiện các bước cần thiết để thúc đẩy các quốc gia nhỏ hơn thể hiện thái độ và hành động một cách quyết đoán hơn.
Là đấu trường cạnh tranh đa dạng của các cường quốc toàn cầu và để khẳng định tầm nhìn phát triển của riêng mình, sự thống nhất và phối hợp của châu Phi là điều kiện tiên quyết./.