Đại sứ quán Việt Nam tại Praha tổ chức hội thảo về thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc ngày 12/1.
Tới dự hội thảo có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Séc Lukáš Kaucký, đại diện Bộ Giáo dục, hiệu trưởng, hiệu phó 10 trường đại học lớn của Cộng hòa Séc, trong đó có các cơ sở giáo dục-đào tạo nổi tiếng.
Đại sứ Trương Mạnh Sơn tại Cộng hòa Séc và Thứ trưởng Lukáš Kaucký đã chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Trương Mạnh Sơn nhấn mạnh kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc ngày nay đã đào tạo cho Việt Nam trên 10.000 cử nhân, kỹ sư, tiến sỹ và nhiều người trong số đó đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị và giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Trong hơn 20 năm trở lại đây, sự hợp tác giáo dục-đào tạo giữa hai nước đang chững lại nhưng hằng năm phía Séc vẫn cấp 7-10 học bổng đại học và trên đại học cho phía Việt Nam. Du học sinh tự túc hiện nay chiếm số đông trong tổng số sinh viên Việt Nam đang học tập tại Cộng hòa Séc.
Trong năm năm trở lại đây, Trường Đại học Nông nghiệp Praha mỗi năm gửi 20-30 sinh viên sang Học viện Nông nghiệp Việt Nam học tập vào dịp Hè.
Hiện tại một số mô hình hợp tác giáo dục-đào tạo đang phát huy hiệu quả như liên kết cụm ba trường đại học ở Praha với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và các trường đại học Việt Nam; liên kết trực tiếp giữa các trường đại học của hai nước, liên kết nghiên cứu khoa học giữa các trường, các viện của hai nước.
Tuy nhiên, sự hợp tác giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc vẫn chưa xứng tầm với mối quan hệ truyền thống, hữu nghị song phương, chưa đáp ứng nguyện vọng của những người Việt có nhu cầu sang Séc du học và khả năng tiếp nhận từ các cơ sở đào tạo của Séc.
Bên cạnh việc khẳng định những thành tích đã đạt được, lãnh đạo các trường đại học của Cộng hòa Séc cũng nêu rõ những rào cản trong hợp tác giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc như việc quảng bá về du học Séc tại Việt Nam chưa tốt, tiếng Séc là ngôn ngữ khó với người Việt, đào tạo bằng tiếng Anh tại Séc có chi phí cao, sự tuyển chọn đầu vào tại Việt Nam chưa đạt chuẩn nên chất lượng du học sinh không cao…
Tuy nhiên, điều mà đại diện các trường đại học ở Séc tập trung phân tích, phản ánh là sự phức tạp về thủ tục hành chính ở Séc và rào cản thị thực đối với việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam.
Trong 10 năm gần đây, thị thực là vấn đề nan giải đối với những thanh niên Việt Nam có nguyện vọng sang Cộng hòa Séc học tập, nhất là từ khi chế độ Visapoint (đặt lịch qua mạng Internet để nộp hồ sơ xin thị thực) được áp dụng tại Phòng Lãnh sự Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội.
Đại sứ Trương Mạnh Sơn và đại diện các trường đại học Séc kiến nghị các cơ quan quản lý ở Cộng hòa Séc xem xét để tháo gỡ vướng mắc trong việc xem xét cấp thị thực cho du học sinh Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Séc Lukáš Kaucký tiếp nhận ý kiến của Đại sứ Trương Mạnh Sơn và các đại biểu tại hội thảo.
Ông cho biết Bộ Ngoại giao sẽ trao đổi về vấn đề thị thực với các bộ có liên quan như Bộ Nội vụ Séc, Bộ Giáo dục Séc.
Theo ông, một trong những giải pháp trước mắt là mở Lãnh sự quán Séc tại Thành phố Hồ Chí Minh để giảm tải cho Phòng Lãnh sự Đại sứ quán Séc tại Hà Nội.
Thứ trưởng Kaucký thừa nhận các thủ tục hành chính ở Séc còn phức tạp và việc xem xét cấp thị thực cho du học sinh Việt Nam chưa linh hoạt, cản trở sự hợp tác đôi biên cùng có lợi giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam.
Ông cho biết để tháo gỡ những rào cản đối với sự hợp tác giáo dục-đào tạo giữa hai nước trong thời gian tới cần có sự vào cuộc của Chính phủ Séc./.