Tăng trưởng bền vững, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học lâu nay vẫn là những thách thức toàn cầu.
Nhưng giờ đây, tất cả những thách thức ấy còn trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Hội nghị bộ trưởng môi trường, khí hậu và năng lượng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra tại Napoli (Italy) đang đi tìm lời giải cho những thách thức đó thông qua việc kết hợp hài hòa giữa bảo vệ môi trường với tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội; bảo vệ các hệ sinh thái và ngăn ngừa việc mất đa dạng sinh học; ưu tiên thực hiện chính sách carbon thấp, tăng trưởng xanh trong các gói phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải toàn cầu.
Sự phục hồi sau đại dịch mang lại cho các chính phủ cơ hội nhìn về phía trước và xây dựng một tương lai có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu và phát thải thấp. Tuy nhiên, cơ hội này đi kèm với những thách thức, nhất là để thành công, cần phải chấp nhận những chuyển đổi sinh thái xã hội sâu sắc từ hệ thống nông sản đến năng lượng, giao thông và cơ sở hạ tầng nói chung.
Sau nhiều tuần đàm phán để vượt qua một số khác biệt vẫn tồn tại trong các vấn đề chính, tại hội nghị ở Napoli, các bộ trưởng G20 đã ký một thỏa thuận tái cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời ra một thông cáo chung về môi trường với ba nội dung chính.
Một là đa dạng sinh học gồm bảo vệ vốn tự nhiên và phục hồi các hệ sinh thái bằng các giải pháp dựa vào tự nhiên, bảo vệ và phục hồi đất, bảo vệ các nguồn tài nguyên nước, đại dương và biển bao gồm ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải nhựa.
Hai là sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nền kinh tế tuần hoàn với tầm nhìn G20 về nền kinh tế tuần hoàn, tập trung vào dệt may và thời trang bền vững, các thành phố tuần hoàn, giáo dục và đào tạo, công nhận mối liên hệ giữa đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.
Ba là tài chính bền vững tập trung vào các nhu cầu tài chính cụ thể cho việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái như một đóng góp cho việc định dạng tương lai của hệ thống tài chính toàn cầu.
Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani đánh giá thông cáo chung trên là một kết quả “đặc biệt tham vọng," khi nhấn mạnh “đây là lần đầu tiên những điều như vậy được viết ra một cách rõ ràng và mang tính ràng buộc với những nước đang tạo ra 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, nhưng cũng chiếm tới 85% lượng khí thải carbon toàn cầu."
[G20 cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu]
Việc thúc đẩy hành động vì khí hậu ở tất cả các cấp, cũng như các nỗ lực phối hợp giữa các thành viên G20 là rất quan trọng để theo đuổi mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5-2°C và đảm bảo sự phục hồi kinh tế bền vững và có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu sau đại dịch trên toàn thế giới.
Các thành viên G20, với tư cách là những nước phát thải lớn nhất và nền kinh tế lớn nhất thế giới, không chỉ đi tiên phong trong hành động đầy tham vọng về bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học, mà còn hỗ trợ các nước kém phát triển hơn trong các nỗ lực tương ứng của họ thông qua hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực.
Để tái khởi động nền kinh tế toàn cầu, trong khi chống lại biến đổi khí hậu, các thành viên G20 đang xem xét việc phối hợp nỗ lực để ưu tiên các chính sách tăng trưởng xanh, khí thải carbon thấp trong các gói phục hồi sau đại dịch của họ. Điều này có thể đạt được thông qua việc phối hợp hành động trên nhiều mặt, theo đó G20 cam kết rằng phần lớn nguồn tài trợ phục hồi sẽ được dành hỗ trợ cho các giải pháp lành mạnh, thân thiện với môi trường và bất kỳ khoản tài trợ nào cũng tuân thủ nguyên tắc “không gây tổn hại lớn."
Các nền kinh tế G20 cũng cân nhắc đưa ra cam kết mới trong việc triển khai những công cụ ngân sách, như việc đánh thuế carbon, ưu đãi thuế và trợ cấp để khuyến khích quá trình không phát thải ròng carbon, trong khi nhanh chóng xóa bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trực tiếp và gián tiếp, nhất là các nhà máy điện than mới.
Các thành viên G20 cũng nhận thức được sự cần thiết phải biến khu vực tư nhân trở thành đối tác quan trọng vì các khoản đầu tư lớn để làm "xanh" nền kinh tế toàn cầu vượt quá xa các quỹ công hiện có.
Italy - nước Chủ tịch G20, đang chú trọng việc hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi xanh bằng cách thành lập Nhóm công tác tài chính bền vững (SFWG) nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân.
Ngoài cam kết không phát thải ròng carbon vào năm 2050, các nền kinh tế G20 còn xác định chiến lược dài hạn, bao gồm các mục tiêu dựa trên khoa học, theo ngành cụ thể cho năm 2030 và 2040, tạo ra một khuôn khổ đáng tin cậy cho việc định hướng đầu tư. Bên cạnh các công cụ ngân sách để chống lại và thích ứng với biến đổi khí hậu, còn có các giải pháp dựa vào thiên nhiên như hỗ trợ các mục tiêu phục hồi hệ sinh thái rừng; giảm ô nhiễm không khí và ô nhiễm chì ở các thành phố; hỗ trợ các bờ biển xanh ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển; nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo và giảm việc sử dụng đất quá mức.
Trong lĩnh vực an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, G20 hiện thúc đẩy và hỗ trợ điều phối quốc tế để tái định vị các khoản trợ cấp nông nghiệp, tăng cường hỗ trợ các nỗ lực khoa học nhằm đánh giá các lựa chọn thay thế phù hợp với các mục tiêu về tính bền vững và hiệu quả của hệ thống lương thực, xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và khả năng chi trả của chế độ ăn uống lành mạnh.
Việc xây dựng hệ thống lương thực thích ứng với khí hậu và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong nông nghiệp là những ưu tiên cấp thiết.
Bước đầu tiên quan trọng là nỗ lực phối hợp của G20 nhằm chuyển các khoản trợ cấp nông nghiệp trị giá hơn 700 tỷ USD mỗi năm sang dành cho nghiên cứu và phát triển việc nâng cao năng suất và giảm phát thải, đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất và người tiêu dùng áp dụng các thông lệ bền vững và lành mạnh.
Việc giải quyết tình trạng nghèo năng lượng là một thách thức ở nhiều nơi trên thế giới và có thể giải quyết bằng việc việc tích cực thu hút người dân và các bên liên quan khác trong quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng và chống tình trạng nghèo năng lượng thông qua việc giảm tiêu thụ, cũng như giảm chi phí năng lượng.
Thông cáo chung của hội nghị Napoli nêu rõ: "Các nước từ Trung Quốc tới Ấn Độ, Mỹ, Nga và các nước châu Âu đều nhất trí rằng việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhất là sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19, là công cụ thúc đẩy nhanh và toàn diện tăng trưởng kinh tế, xã hội, tạo việc làm và phải là một tiến trình chuyển đổi mà không ai bị bỏ lại phía sau."
Các nền kinh tế G20 đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng sự phục hồi sau đại dịch làm tăng sức chống đỡ của các hệ thống kinh tế - xã hội trước tác động của biến đổi khí hậu và khuyến khích quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế phi carbon hóa và công bằng giữa các thế hệ.
Với những cam kết cụ thể tại hội nghị cấp bộ trưởng vừa kết thúc ở Napoli, một lần nữa G20 lại thể hiện vai trò đầu tàu của mình, trước hết là trong việc tìm giải pháp để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19./.