Xuất khẩu nông sản: Khi Trung Quốc không là thị trường dễ tính

Những thách thức khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

Trong năm 2023, việc thúc đẩy mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc là một trong những nhiệm vụ trong tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Những thách thức khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc ảnh 1Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc Trung Quốc mở cửa biên giới và nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 từ ngày 8/1 được kỳ vọng sẽ khiến xuất khẩu nông sản Việt Nam sang quốc gia này năm 2023 tăng trưởng mạnh. Thế nhưng, cơ hội và thách thức sẽ song hành đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc thay đổi theo hướng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, quy cách đóng gói bao bì, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Cơ hội cho nông sản Việt

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 53 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. Nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc là trên 260 tỷ USD thì chúng ta mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%. Đây là thị trường rộng lớn và còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Hòa, các nhóm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc gồm gỗ, sắn, rau quả, cao su. Chính sách thương mại biên mậu với Trung Quốc không chỉ có ảnh hưởng lớn với rau quả tươi mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc cũng sẽ có khởi sắc.

Nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả với tỷ trọng hơn 53%, sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng hơn 91%, cao su với tỷ trọng 71%. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản).

Trong năm 2023, việc thúc đẩy mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc là một trong những nhiệm vụ trong tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết hiện nay Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm nông sản gồm: Chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo và gạo.

Cục Bảo vệ thực vật cũng đang đàm phán với phía Trung Quốc để ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch một số quả tươi truyền thống như dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải và chôm chôm; hướng dẫn xuất khẩu tạm thời ớt, chanh leo.

Những thách thức khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc ảnh 2

Hai bên cũng đang đàm phán kỹ thuật để xuất khẩu: Khoai lang (đã ký Nghị định thư, đang chuẩn bị kiểm tra thực địa các cơ sở đóng gói), dược liệu, bưởi và một số loại quả thuộc nhóm cây có múi, dừa. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã nộp hồ sơ đối với quả na và thảo quả để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, tiến hành các bước tiếp theo.

Khi Trung Quốc không là thị trường dễ tính

Mặc dù liên tiếp các sản phẩm nông sản Việt Nam được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang nước này, tuy nhiên phía Trung Quốc cũng đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn hơn nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu.

Tiến sỹ Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho rằng: “Quan điểm sai lầm của nhiều người là thị trường Trung Quốc dễ tính. Chúng tôi hoạt động nhiều năm tại đây thì thấy rằng sự thật không phải như vậy. Chúng ta cần lưu ý về chất lượng, số lượng khi xuất khẩu sang thị trường này.”

Dẫn chứng cụ thể về tình trạng doanh nghiệp chạy theo số lượng mà quên đảm bảo chất lượng, Tiến sỹ Trà My cho hay: “Tôi từng đến một kho hàng sầu riêng thấy nhiều quả vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy thì khả năng cao sẽ bị trả lại. Không những thế, việc xuất hàng không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành hàng. Ngoài ra, việc một số doanh nghiệp mượn mã số để xuất khẩu sẽ gây hậu quả rất lớn.”

[Đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc]

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thừa nhận khó khăn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay là vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.

“Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian vừa qua Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố mã số vùng trồng và phối hợp với các chi cục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu để kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, công tác quản lý muốn đạt hiệu quả hơn nữa thì cần có sự đồng hành của các địa phương, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội ngành hàng trong vấn đề quản lý mã số đã được cấp,” ông Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ.

Trước sức ép về tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng khắt khe, các địa phương có sản lượng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc lớn cũng đang chú trọng đẩy mạnh chuẩn hóa để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường. Đơn cử như tại Long An, Trung Quốc là thị trường chính của nhiều mặt hàng xuất khẩu như lúa gạo, thanh long, chuối, mít... Do đó, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết tỉnh xác định chuẩn hóa nguồn nguyên liệu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp địa phương.

Để thực thi Lệnh 248 và Lệnh 249 (các quy định về quản lý an toàn thực phẩm, đăng ký doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đã phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện tuyên truyền cho các cơ sở để thực hiện tốt các tiêu chuẩn, yêu cầu của Lệnh và đăng tải thông tin trên trang thông tin của Sở.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đã thành lập ‘đội đặc nhiệm’ hướng dẫn các cơ sở xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói,” bà Đinh Thị Phương Khanh cho hay.

Trong khi đó, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh người sản xuất cần đảm bảo tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn trên từ lúc gieo hạt, thu hái, sơ chế, chế biến cũng như xuyên suốt quá trình đóng gói, vận chuyển, phân phối. Đây là yếu tố tiên quyết để mở cửa và phát triển thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như các quốc gia khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục