Những thách thức đối với AU trong đảm bảo an ninh châu lục

Vấn đề nan giải hiện nay đối với Ủy ban Liên minh châu Phi là làm thế nào để bảo vệ các chuẩn mực và giá trị vốn không thể có được sự đồng thuận tuyệt đối giữa các quốc gia thành viên.
Những thách thức đối với AU trong đảm bảo an ninh châu lục ảnh 1Binh sỹ Mozambique di chuyển tới Sadjundjira thuộc vùng núi Gorongosa sau chiến dịch tấn công truy quét lực lượng nổi dậy Renamo. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Trang mạng dailymaverick.co.za đã đăng bài của Paul-Simon Handy - Cố vấn cấp cao khu vực thuộc Viện Nghiên cứu An ninh có chi nhánh Dakar và Félicité Djilo - nhà phân tích an ninh và hòa bình độc lập - phân tích những thách thức đối với Liên minh châu Phi (AU) trong đảm bảo an ninh châu lục.

Nội dung bài viết cơ bản như sau:

Trong bối cảnh AU đang thúc đẩy cải cách về thể chế và hoạt động, những sự kiện phức tạp gần đây cho thấy Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Những khó khăn này cũng là phép thử năng lực của AU trong việc đáp ứng kịp thời những thay đổi về bản chất bối cảnh an ninh và quản trị ở châu Phi.

Trước hết phải kể đến việc Hội đồng Hòa bình và An ninh (PSC) của AU tán thành những thay đổi bị cho là vi hiến trong chính quyền tại Cộng hòa Chad sau cái chết của cựu Tổng thống Idriss Déby.

Với lập luận rằng các mối đe dọa an ninh tại Chad cần phản ứng đặc biệt, PSC đã không đình chỉ tư cách thành viên AU của Chad. Dù quyết định của PSC đi kèm với một số điều kiện để Hội đồng Quân sự chuyển tiếp cầm quyền tại Chad, song vẫn chưa rõ những khoan nhượng này sẽ đổi lại bảo đảm gì.

Sự kiện thứ hai là việc chính quyền Somalia mới đây từ chối công nhận tư cách Đại diện cấp cao của AU tại nước này của cựu Tổng thống Ghana John Mahama, theo yêu cầu từ PSC hồi tháng 6/2021. Trước đó, Chad cũng từ chối tiếp nhận đại diện AU thay thế ông Ibrahima Fall tại nước này.

Sự kiện thứ ba là việc nguyên thủ các nước miền Nam châu Phi quyết định triển khai Phái bộ của Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) hỗ trợ cuộc chiến chống bạo lực cực đoan ở Cabo Delgado, Mozambique ngày 23/6.

Dù quyết định của SADC dựa trên Kịch bản 6 của Lực lượng Thường trực châu Phi, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên Cộng đồng Kinh tế Khu vực (REC) - được AU công nhận - cử lực lượng can thiệp nhằm chống lại chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Trước đó, Rwanda đã gửi 1.000 quân theo yêu cầu của Mozambique.

Điều đáng nói trong các diễn biến này là sự mờ nhạt của chính AU. PSC chưa bao giờ chính thức đứng ra xem xét tình hình ở Mozambique dù mức độ nghiêm trọng đáng báo động trên thực tế. Vì vậy, việc SADC triển khai lực lượng tại Mozambique mà chưa có quyết định ủng hộ từ PSC có thể là động thái “qua mặt” AU.

Trong lịch sử, SADC luôn ít cởi mở với “sự can dự từ bên ngoài” vào những gì được coi là các vấn đề nội bộ khu vực miền Nam châu Phi.

Ba sự kiện trên cho thấy một số vấn đề mà AU phải đối mặt trong việc hỗ trợ hòa bình và an ninh châu lục. Thứ nhất là sự thiếu sự nhất quán trong việc áp dụng các chuẩn mực và nguyên tắc của AU.

[Sáng kiến Châu Phi thịnh vượng - Con đường trở lại Lục địa Đen của Mỹ]

Thứ hai là các quốc gia thành viên không nhất quán thực thi quyết định của PSC. Thứ ba là sự miễn cưỡng ngày càng tăng của các quốc gia thành viên AU và các cộng đồng kinh tế khu vực trong việc chấp nhận “sự can thiệp từ bên ngoài” vào các cuộc khủng hoảng nội bộ - kể cả từ AU. Việc không có định nghĩa rõ ràng về “sự hỗ trợ” rõ ràng đã tạo ra những lỗ hổng để các REC “qua mặt” AU.

Những diễn biến này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh AU chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập vào năm 2022. Một số nhà phân tích quan ngại rằng điều này thậm chí còn phản ánh thực tế sự đồng thuận giữa các bên về nguyên tắc chính của AU đang bị xói mòn nghiêm trọng. Do vậy, vấn đề đặt ra là: liệu tất cả các quốc gia thành viên có còn cam kết thực hiện cách tiếp cận quản lý khủng hoảng và ngăn ngừa xung đột dựa trên chuẩn mực của AU không?

Báo cáo Kagame năm 2017 về cải cách thể chế AU và một số thông cáo chung của PSC chỉ ra rằng hầu hết các cuộc khủng hoảng bạo lực, bao gồm cả các cuộc nổi dậy phổ biến ở Bắc Phi, có thể bắt nguồn từ yếu kém trong công tác quản trị.

Tuy nhiên, AU đã không thể hành động dứt khoát để giải quyết những vấn đề này vì nhiều lý do khác nhau như sự ủng hộ nửa vời của các quốc gia thành viên PSC đối với việc tuân thủ các giá trị dân chủ hay việc rất khó để đánh giá tiêu chí của nền tảng đối thoại Kiến trúc Quản trị châu Phi (AGA) - vốn được xây dựng nhằm thúc đẩy các thông lệ quản trị hiệu quả, nếu không thông qua các cuộc đối thoại cấp cao.

Các quốc gia hoặc cá nhân riêng lẻ thường ủng hộ các dự án thành công của AU. Đây là trường hợp đã thấy với các cải cách thể chế của AU, với thỏa thuận về Khu vực Thương mại Tự do châu Phi (AfCFTA), với các nỗ lực chống khủng bố và thậm chí là Quan hệ Đối tác Mới vì sự Phát triển châu Phi (NEPAD). Tuy nhiên, chưa có một quốc gia nào sẵn sàng đấu tranh cho dân chủ, quản trị và nhân quyền.

Việc các thành viên PSC đưa ra quyết định không nhất quán trong các cuộc khủng hoảng đã làm xói mòn quyền hạn của AU. Các cuộc khủng hoảng ở các nước như Ai Cập (2013), Zimbabwe (2017), Sudan (2018), Algeria (2019), Chad (2021) và Mali (2021) càng nhấn mạnh những mâu thuẫn này.

Theo thông lệ, trọng tâm của AU là tài trợ cho các hoạt động hỗ trợ hòa bình. Điều đó đã, đang và sẽ dẫn đến những hạn chế về năng lực của tổ chức trong việc quản lý khủng hoảng dân sự, ngoại trừ các nhiệm vụ quan sát bầu cử (với hiệu quả thực tế vẫn đang là câu hỏi ngỏ). Nghịch lý là các quốc gia thành viên từ trước đến nay đều coi Ủy ban AU là cơ chế hoạt động tốn kém và lãng phí.

Do đó, câu hỏi đặt ra là AU hiện mang lại lợi ích gì cho các quốc gia thành viên, các cộng đồng kinh tế khu vực, xã hội dân sự và người dân?

Xét phạm vi toàn cầu, kể từ năm 2004 tới nay, cách thức tiếp cận để giải quyết các vấn đề an ninh cũng như bối cảnh thể chế và chính trị của châu Phi đều đã thay đổi đáng kể. Thời điểm năm 2004, chủ nghĩa cực đoan bạo lực chỉ giới hạn ở một số khu vực nhỏ và hầu hết các quốc gia châu Phi đều đang củng cố mục tiêu hướng đến các thể chế dân chủ của mình.

16 năm sau, liệu cách tiếp cận của AU có cần thay đổi để phù hợp với mức độ gay gắt của các thách thức quản trị và sự gia tăng của các cuộc nổi dậy cực đoan bạo lực? Mọi đánh giá trong hoàn cảnh hiện tại đều gần như cho cùng kết quả về một khuôn khổ thận trọng hơn, hạn chế nhiều hơn nữa không gian chính trị và chính sách của Ủy ban AU.

Đó chính là thách thức mà Ban các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh mới của AU (sáp nhập từ Ban Hòa bình-an ninh và Ban Các vấn đề chính trị) phải đối mặt.

Cơ quan mới thành lập này của AU cần chứng minh sự phù hợp và giá trị đối với các quốc gia thành viên - những chủ thể dường như ít quan tâm đến việc xây dựng hòa bình lâu dài và dựa trên quy tắc được thúc đẩy bởi Đạo luật Hiến pháp AU và Nghị định thư PSC.
Liệu Ủy ban AU có thể đóng vai trò tốt hơn là đơn giản tập hợp các quốc gia thành viên AU? Làm thế nào để ủy ban này có thể góp phần vào việc quản trị tốt hơn và ngăn ngừa xung đột với các quốc gia không dân chủ hay chuyên quyền?

Các tổ chức liên chính phủ mong muốn trở thành “thể chế siêu quốc gia” thường phải đối mặt với sự miễn cưỡng trong từ bỏ quyền lực riêng của các quốc gia thành viên. Vấn đề nan giải hiện nay đối với Ủy ban AU là làm thế nào để bảo vệ các chuẩn mực và giá trị vốn không thể có được sự đồng thuận tuyệt đối giữa các quốc gia thành viên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục