Trang mạng japantimes.co.jp đưa tin nếu có cơ hội lui tới Nhật Bản và các nước châu Á khác, đặc biệt là Đông Nam Á và Ấn Độ, chúng ta có thể thoáng thấy những cơ hội lớn ở đó.
Khi dành thời gian đi đến hoặc toàn bộ khu vực châu Á, hoặc Nhật Bản, chúng ta có thể chỉ nhận thấy những thách thức của mỗi bên và tia hy vọng nhỏ nhoi cho tương lai của họ.
Tuy nhiên, việc trải nghiệm cuộc sống lần lượt ở Nhật Bản và cả phần còn lại của châu Á có thể cho chúng ta thấy toàn những cơ hội.
Thứ nhất, nhiều thách thức đối với Nhật Bản và các nước ASEAN có thể bù trừ lẫn nhau. Họ cần nhau để giải quyết các thách thức đó, mà đa phần trong đó còn có thể được giải quyết cùng lúc.
[Nhật Bản và ASEAN - đối tác gần gũi, quan trọng của nhau]
Và trong tiến trình đó, có một cơ hội tốt là những tài sản không thể mang lại bất kỳ giá trị nào nếu không được kết nối sẽ được chuyển hóa thành những tài sản có giá trị cao nếu Nhật Bản và các nước châu Á cùng hợp tác với nhau.
Dưới đây là một số ví dụ:
Đầu tiên là lực lượng lao động trẻ của châu Á. Các nước châu Á với dân số lên đến hơn 100 triệu dân, như là Ấn Độ, Indonesia, và Philippines, có một lực lượng nhân sự đông đảo.
Tháp nhân khẩu học của họ trái ngược hẳn với của Nhật Bản, có nghĩa là những thách thức giữa họ có thể bù trừ cho nhau.
Người dân ở Nhật Bản có thể cảm thấy ghen tị với tỷ lệ dân số trẻ rất lớn của các nước khác, trong khi các quốc gia đông dân châu Á lại đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng trong việc tạo công ăn việc làm cho tầng lớp trẻ ở nước mình.
Mặt khác, dân số Nhật Bản đã bắt đầu giảm khoảng 400.000 người mỗi năm - và được dự báo là đến giai đoạn đỉnh điểm của sự suy giảm dân số này có thể còn giảm 1 triệu người mỗi năm.
Những ứng dụng công nghệ xã hội như là trí tuệ nhân tạo và robot có thể giảm bớt sự tác động của việc giảm dân số ở một chừng mực nào đó, song một số ngành công nghiệp vẫn đòi hỏi một lực lượng nhân công lớn, và điều này cũng rất cần thiết đối với viêc gia tăng dân số trẻ nhằm củng cố nền kinh tế và ngân sách y tế của đất nước.
Là một đầu máy kinh tế lớn của khu vực, Nhật Bản có thể tiếp nhận một lượng nhân công lớn từ thị trường lao động trẻ tuổi dồi dào của châu Á.
Tuy nhiên, không chỉ Nhật Bản muốn có những lao động trẻ châu Á này mà Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như các nước châu Âu, cũng muốn thu hút một số lượng lớn các lao động có tài. Nếu Nhật Bản chậm trễ trong việc phát triển một hệ thống tiếp nhận các lao động châu Á, họ sẽ để thua các nước kia.
Số lượng lớn các căn hộ không người ở tại Nhật Bản - ước tính hiện nay đã lên đến 10 triệu căn - do dân số sụt giảm và già đi - có thể trở thành những tài sản đáng giá.
Những tài sản bỏ không này bao gồm các căn nhà truyền thống Nhật Bản tại khu vực nông thôn có thiên nhiên tươi đẹp của đất nước.
Các doanh nghiệp đã xúc tiến việc cải tạo các căn nhà này thành những nhà chung cư, khách sạn hay nhà hàng.
Chúng còn có thể được khai thác làm những căn nhà nghỉ dành cho khách du lịch giàu có của châu Á với giá rẻ.
Ngoài ra, các dự án biến những tòa nhà từng là trường học bị bỏ hoang thành những trường quốc tế và chung cư cho lượng người nước ngoài ngày càng lớn đang có nhu cầu định cư tại thành phố cũng đầy hứa hẹn.
Các đền thờ, miếu và lâu đài bị bỏ hoang do không có người thừa kế các tài sản hay do khó khăn về tài chính cũng có thể được cải tạo thành những điểm du lịch độc đáo. Các doanh nghiệp châu Á có thể coi đây là những tài sản đầy tiềm năng.
Tiếp đến, còn có sự hiện diện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Nhiều SME tại Nhật Bản đang chịu thiệt hại từ sự giảm năng suất, một thị trường trong nước đang co cụm và một sự thiếu thốn những thế hệ kế nghiệp cho việc làm ăn của họ.
Những nhà môi giới liên doanh và thu mua tại Nhật Bản có một danh sách dài những SME để bán, song những chủ nhân của các doanh nghiệp này lại đang phải vật lộn để tìm những đối tác cân xứng bởi họ chỉ coi các công ty trong nước là những khách hàng tiềm năng.
Vì thế, nhiều SME cuối cùng đã phải đóng cửa dù có công nghệ và chứng chỉ hành nghề xuất sắc.
Mặt khác, nhiều nước Đông Nam Á và Ấn Độ, dù có các lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển hưng thịnh, lại rất chậm chạp trong việc thiết lập các ngành công nghiệp chế tạo có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định sự thiết lập công ăn việc làm.
Nhiều công ty châu Á có tiềm năng to lớn để phát triển với sự chuyển giao kiến thức công nghệ và tiến trình sản xuất của Nhật Bản.
Triển vọng phát triển sang thị trường châu Á rộng lớn hơn có thể giúp các SME của Nhật Bản thu hút được các thế hệ kế cận trẻ tuổi để gánh vác việc làm ăn của họ.
Nếu việc chuyển dời sang các nước châu Á khác chậm trễ thì sẽ có thêm nhiều công ty Nhật Bản nữa phải đi đến nước đóng cửa, còn sự phát triển các ngành công nghiệp chế tạo ở châu Á sẽ bị trì trệ.
Ngoài ra, Nhật Bản còn phải cạnh tranh với Trung Quốc và châu Âu. Nếu Nhật Bản tiếp tục ngồi im thì các công ty Trung Quốc sẽ hỗ trợ các lĩnh vực chế tạo ở những nước châu Á khác, và có khả năng đưa họ vào tầm ảnh hưởng của mình.
Còn các công ty châu Âu, đặc biệt là các SME mạnh ở Đức, cũng đang ồ ạt bước chân vào thị trường châu Á. Hệ quả tiềm năng là một sự thống trị của Trung Quốc và Đức với các ngành công nghiệp chế tạo châu Á. Trong khi đó, SME tại Nhật Bản sẽ đi vào một lối mòn suy thoái.
Tóm lại, Nhật Bản là nước tiên phong trên thế giới trong việc khắc phục các vấn đề mà đất nước vấp phải. Nếu đất nước có thể thành công trong việc xử lý chúng thì sẽ có tiềm năng xuất khẩu các giải pháp của mình ra toàn thế giới./.