Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, các phóng viên TTXVN còn là những con người đầy nghĩa tình, với tấm lòng thơm thảo thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn không chỉ trong mùa dịch, mà trong cả cuộc sống đời thường...
Chung tay giúp nhau mùa dịch
Là phóng viên theo dõi mảng kinh tế, phóng viên Mỹ Phương, Cơ quan thường trú TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều mối quan hệ với các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong thời gian dịch bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh, Mỹ Phương đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như tham gia kết nối giữa các doanh nghiệp với cơ sở để hỗ trợ các bếp ăn và người dân khó khăn; cùng với Ban quản lý, Ban quản trị chung cư nơi chị cư trú tham gia hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong lúc giãn cách khó khăn; vận động, đóng góp 4 tấn lương thực, thực phẩm cho cơ dân nơi cư trú và bệnh viện dã chiến ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Phóng viên Mỹ Phương chia sẻ được phân công theo dõi mảng kinh tế, chị có quen biết nhiều doanh nghiệp.
[TP.HCM: Các Phật tử tặng 10 xe cứu thương để hỗ trợ phòng, chống dịch]
Trong đợt dịch này, nhiều doanh nghiệp muốn chung tay hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và lực lượng tuyến đầu. Khi có chương trình hỗ trợ, các tổ chức, doanh nghiệp thường chia sẻ thông tin với phóng viên.
Trong quá trình tác nghiệp, hoặc qua bạn bè, đồng nghiệp, chị thấy nơi nào khó khăn, cần sự hỗ trợ, chị chia sẻ thông tin, giới thiệu và kết nối hai bên liên hệ trao đổi, làm việc.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát, Thành phố Hồ Chí Minh bị phong tỏa, nông sản ở nhiều địa phương không có đầu ra, trong khi người dân Thành phố Hồ Chí Minh lại thiếu.
Với mong muốn đóng góp một phần công sức cho đợt dịch, vừa giúp người dân thành phố có rau xanh, vừa góp phần hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân các tỉnh thành, phóng viên Mỹ Phương đã liên hệ với các đầu mối ở tỉnh, chuyển nông sản về Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài phục vụ cho cư dân trong khu chung cư, phần còn dư được trao tặng những khu nhà trọ gặp khó khăn gần đó.
Trong số đó, có một chuyến hàng đặc biệt, chuyển tới 4 tấn rau củ do các cư dân khu chung cư đóng góp tài chính, nhờ đầu mối từ một đơn vị quân đội ở tỉnh Lâm Đồng thu gom từ các nông dân và chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh. 2 tấn phục vụ cư dân, còn 2 tấn được đưa vào tặng cho hệ thống bếp ăn của bệnh viện dã chiến trong thành phố.
Mỹ Phương chia sẻ anh chị em trong Cơ quan thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình tác nghiệp, thấy chỗ nào khó khăn, cũng thường về chia sẻ trên nhóm thông tin chung.
Từ các thông tin đó, Mỹ Phương tìm kiếm những doanh nghiệp nào có thể hỗ trợ và kết nối...
Đơn cử như đợt thành phố triển khai sử dụng hệ thống nhà ở xã hội ở Quận 2 làm hệ thống bệnh viện thu dung, lúc mới chuyển qua rất thiếu thốn, phóng viên theo dõi y tế nhắn trên group tác nghiệp của Cơ quan thường trú hỏi có ai giúp được không, Phương lập tức liên hệ và gửi thông tin qua đề xuất với Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Ngay lập tức, bên Hội hồi âm lại: “Sẽ họp ngay và làm ngay.” Và thế là, có nhiều sản phẩm thiết yếu được các doanh nghiệp chuyển tới hỗ trợ...
“Trong những thời điểm cấp thiết nhất, được làm cầu nối giúp ích được cho xã hội, giúp đỡ những nơi khó khăn, góp một phần nhỏ bé vào công cuộc chống dịch, tôi cảm thấy rất vui,” phóng viên Mỹ Phương tâm sự.
Tham gia nhiều lần hoạt động từ thiện, với phóng viên Hoàng Tuyết, Báo Tin tức (TTXVN) tại Thành phố Hồ Chí Minh, lần kết nối hỗ trợ bệnh viện dã chiến số 6 có lẽ để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc.
Phóng viên Hoàng Tuyết kể ngày đó, một người bác sỹ mà chị quen đang làm việc ở bệnh viện dã chiến có chụp ảnh hộp cơm gửi cho chị. Hỏi ra mới biết, đó là suất cơm dành cho bác sỹ theo tiêu chuẩn.
Cơm đưa vào đúng giờ ăn nhưng bác sỹ còn trong ca trực. Đến khi hết ca, hộp cơm không ăn được nữa.
“Nhìn hình ảnh hộp cơm được bác sỹ gửi, nước mắt tôi đã rơi... Tôi nghĩ nếu mình không làm gì sẽ rất có lỗi với họ, thế là tôi đã tìm đến một chị đầu bếp khách sạn 5 sao mà tôi quen trong quá trình tác nghiệp, chia sẻ xem có cách nào để có đồ ăn có thể giữ được lâu hơn. Sau khi suy nghĩ, chị đầu bếp làm 200 phần bánh mỳ gửi vào hỗ trợ."
Phóng viên Hoàng Tuyết chia sẻ là phóng viên thời sự, trong quá trình tác nghiệp, chị đến rất nhiều nơi và gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, cần hỗ trợ. Mỗi lần như vậy, chị về chị lại tìm đơn vị, doanh nghiệp có điều kiện hỗ trợ, kết nối để doanh nghiệp tặng quà, ủng hộ.
“Thời gian qua, tôi đã kết nối để được khá nhiều đơn vị, doanh nghiệp tặng quà cho các bệnh viện dã chiến, cho các hộ dân khó khăn trong khu phong tỏa. Hôm nay, tôi vừa kết nối một công ty gửi tặng 150 phần quà cho người dân trong một khu vực bị phong tỏa đã 2 tháng và không thể ra ngoài mua đồ thực phẩm được. Ngay trong chiều nay, họ sẽ đi trao quà,” phóng viên Hoàng Tuyết vui vẻ khoe.
Tại Hà Nội, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm, một số phóng viên, nhóm phóng viên của TTXVN ở Ban biên tập tin Trong nước, Truyền hình Thông tấn, Đoàn Thanh niên Báo Tin tức... đã tổ chức quyên góp nhu yếu phẩm hỗ trợ các bệnh viện, bệnh nhân bị mắc COVID-19, giúp lực lượng tuyến đầu cũng như các bệnh nhân giảm bớt khó khăn...
Và những tấm lòng
Không chỉ ở những thành phố lớn mà ở nhiều địa phương, các phóng viên của TTXVN cũng thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, chung tay góp sức cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nơi mình sinh sống, công tác.
Trong đợt dịch này, phóng viên Đậu Tất Thành, Cơ quan thường trú TTXVN tại Bình Phước, đã tham gia kết nối, vận động lắp máy lọc nước uống miễn phí cho toàn bộ các khu cách ly y tế bệnh nhân COVID-19 ở thành phố Đồng Xoài, gồm 6 khu cách ly tập trung, ở Bộ Chỉ huy Quân sự và 2 Trung tâm Y tế có nhiều người dân đến khám, test COVID-19.
Khi đến tác nghiệp tại chốt kiểm soát giáp tỉnh Bình Dương, một trong những chốt quan trọng nhất, phải bố trí người trực 24/24, anh em trực chốt rất vất vả, xã nấu cơm phục vụ nhưng lại thiếu thốn nhiều thứ, anh đã huy động tài trợ 1 tủ cấp đông để đựng thức ăn cho đội ngũ trực...
Ngoài ra, trong quá trình tác nghiệp, thấy chốt nào khó khăn, anh cũng kết nối, kêu gọi hỗ trợ một phần kinh phí.
Phóng viên Đậu Tất Thành chia sẻ trong quá trình tác nghiệp thông tin, anh gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, cần được trợ giúp. Là phóng viên công tác lâu năm trên địa bàn, có uy tín, có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp, anh vẫn thường xuyên tham gia kết nối để các đơn vị, doanh nghiệp tặng quà giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
“Đến nay, nhiều doanh nghiệp tin tưởng, hễ có chương trình họ lại chủ động liên hệ nhờ tôi tìm giúp địa chỉ để từ thiện. Tôi thấy vui khi mình có thể góp một phần công sức giúp đỡ những người khó khăn, đồng thời cũng muốn lan tỏa tinh thần thiện nguyện, để nhiều người cùng tham gia,” phóng viên Đậu Tất Thành chia sẻ.
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Đặng Công Mạo, cơ quan thường trú TTXVN tại An Giang thấy đời sống của bà con ở một số nơi như thị trấn Long Bình, xã Vĩnh An, phường Mỹ Bình, Mỹ Thạnh, Mỹ Quý... rất khó khăn, đặc biệt bà con trong trong các xóm trọ, các khu vực đang bị phong tỏa... anh đã gọi điện, rủ thêm một số anh em, bạn bè và và một số doanh nghiệp quen biết vận động nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con.
Riêng đợt dịch này, anh cùng bạn bè đã vận động, quyên góp được 5 tấn gạo và 500 phần quà gồm sữa, rau, trứng và một số nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con gặp khó khăn trong mùa dịch.
Trước đó, anh Đặng Công Mạo đã vận động nhu yếu phẩm hỗ trợ lực lượng cắm chốt và tuần tra biên giới. Anh kể, do đặc thù đường biên giới không rõ ràng, trong số 210 chốt canh phòng dọc biên giới An Giang, có rất nhiều chốt là những tổ dân quân tự quản, trang thiết bị thiếu thốn, anh đã vận động được hơn 200.000 khẩu trang y tế, một số đèn pin chuyên dụng, quần áo bảo hộ để đảm bảo an toàn cho lực lượng canh chốt.
Ngoài nhu yếu phẩm, anh Mạo còn cùng bạn bè vận động, quyên góp được hơn 100 triệu đồng, hỗ trợ xây hai căn nhà cho người nghèo tại phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng. Tháng 8/2021, hai ngôi nhà đã hoàn thành và mời người dân vào ở.
Còn anh Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng cơ quan đại diện TTXVN tại Sóc Trăng, khi thấy người dân quanh mình sống khó khăn, cực khổ, anh đã bỏ tiền túi của mình mua gần 1 tấn gạo hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn nơi cư trú và người dân vùng phong tỏa.
Anh Hiếu cho biết khi dịch bùng phát, anh thường lên nhóm trợ giúp trên Zalo, thấy có nhiều người dân chia sẻ họ gặp khó khăn trong mùa dịch, với tinh thần là lành đùm lá rách, anh về bàn với vợ, mua ít gạo giúp đỡ để bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Vậy là vợ chồng anh bỏ tiền ra mua gạo hỗ trợ những gia đình khó khăn gần nơi anh cư trú.
Ban đầu, gia đình anh hỗ trợ mỗi gia đình khó khăn 10kg gạo. Lúc ban đầu chỉ khoảng 2 tạ, nhưng rồi người này nhắn người kia, không chỉ bà con sống quanh khu phố anh sinh sống, mà có cả những người khó khăn ở những khu phố khác xa hơn cũng tìm đến nhờ giúp đỡ, số người ngày càng đông.
Để giúp được nhiều người hơn, vợ chồng anh chia nhỏ ra mỗi phần quà là 5kg gạo. Rồi sau này, cán bộ trong khu phố đến vận động, có người xin hỗ trợ cho khu vực phong tỏa, vợ chồng anh lại quyên góp thêm.
Đến nay, số gạo mà gia đình anh hỗ trợ đã lên đến gần 1 tấn và con số có lẽ vẫn chưa dừng lại ở đó, bởi anh bảo vẫn còn nhiều người khó khăn lắm, chắc chắn gia đình anh sẽ còn giúp đỡ nữa.
Bên cạnh việc hỗ trợ gạo cho những gia đình khó khăn, anh Hiếu xin được mỗi năm khoảng 2.500 cuốn vở. Số vở này anh dành tặng cho những học sinh nghèo ở Sóc Trăng.
Chia sẻ cảm xúc của mình khi tham gia các hoạt động thiện nguyện, hầu hết các phóng viên đều cho rằng, đó là những việc cần làm, nên làm và mọi người đều rất vui, khi thấy mình có thể góp một phần nhỏ bé của mình trong việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, góp ích cho xã hội.
Có thể thấy những phóng viên TTXVN không chỉ là những người, năng động, dũng cảm “lao vào điểm nóng” để đảm bảo nguồn thông tin phục vụ nhiệm vụ tuyên tuyền, các anh chị còn là những con người có tấm lòng vàng, có tâm thiện, luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và không quên trách nhiệm của mình đối với xã hội./.