Bài 3: Hạnh phúc bình dị của những “nữ dũng sỹ” Trường Sơn

Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

Trong gian khổ, những người nữ chiến sỹ lái xe vẫn có những tình yêu cho riêng mình. Dù vậy, không phải ai cũng có được một mối tình trọn vẹn...
Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 1Bà Vũ Thị Kim Dung bồi hồi nhớ lại những ngày tháng ở Trường Sơn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Bài 3: Hạnh phúc bình dị của những “nữ dũng sỹ” Trường Sơn

Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thành viên Trung đội nữ lái xe năm xưa mỗi người về một ngả. Tuổi thanh xuân qua đi trong đại ngàn, qua những cơn sốt rét và mưa bom bão đạn, khiến việc lập gia đình của các cô lỡ nhịp. Không ít người mơ hồ nhận thấy những ẩn họa len lỏi trong cơ thể, đã chôn chặt khát khao làm vợ, làm mẹ.

Sau nhiều năm thất lạc, những nữ lái xe đã tìm lại được nhau. Họ luôn nhớ về một thời vào sinh ra tử, một thời gian khó nhưng đầy ắp tình cảm ấm nồng.

Nối lại tình yêu nơi chiến trường

Bà Dương Thị The năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn nhớ rất rõ thời khắc bố cùng với dân làng ra đón bà trở về quê hương. Người cha ném hòn đá theo đoàn tàu chở con gái ra trận ngày ấy mừng rơi nước mắt bởi đã từng tuyệt vọng khi  nhiều năm bặt tin con.

“Nhìn nét mặt rạng rỡ vui mừng và tự hào của bố cùng với bà con hàng xóm, tôi cảm thấy thật vinh dự bởi mình đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc,” bà The xúc động nói.

Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 2Bà Vũ Thị Kim Dung (phải) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh khi tuổi đôi mươi. (Ảnh tư liệu)

Với bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, đất nước độc lập cũng là lúc bà được sống trọn vẹn với hạnh phúc riêng.

Chiến trường gian khổ, ác liệt nhưng cũng là nơi nảy nở và nuôi dưỡng nhiều mối tình đẹp. Chuyện tình của bà và ông Trần Công Thắng là một trường hợp như thế. 

Họ gặp nhau tình cờ trong một buổi văn nghệ do đơn vị công binh của ông tổ chức năm 1966. Trong quân ngũ, những nam nữ thanh niên vẫn thường hò đối đáp với nhau. Hai ông bà phải lòng nhau từ những câu hò như thế. Năm 1968, đơn vị của ông được lệnh vào Nam, hoạt động trên đất bạn Lào. Dù xa nhau nhưng tình cảm của họ không hề phai nhạt. Ông tặng bà một cuốn sổ tay, trong viết những câu hò, bài thơ, những lời yêu thương thay lời hẹn ước: “Đất tốt anh để trồng hành. Bao nhiêu thứ đẹp anh dành lái xe.”

“Tôi đã vượt qua tất cả một phần là nhờ cuốn sổ này. Từng câu, từng chữ anh viết trước khi chia tay như một động lực để tôi hoàn thành nhiệm vụ,” bà Ánh bồi hồi.

Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 3Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh và ông Trần Công Thắng hồi trẻ. (Ảnh tư liệu)

Khi đất nước hòa bình, đội nữ lái xe tham gia lễ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình. Nghe người nhà nói ngoài Quảng trường có đội nữ lái xe Trường Sơn, ông Thắng vội chạy ra tìm. Họ tìm thấy nhau mà ngỡ như đang nằm mơ.

Đến năm 1977, ông chuyển công tác về tổng cục hậu cần còn bà Ánh xin vào Bộ tài chính làm lái xe. Họ sống bên nhau hạnh phúc đến bây giờ. Ngôi nhà nhỏ ở Long Biên, Hà Nội, đầy ắp tiếng cười của các cháu nội ngoại.

Những hạnh phúc chưa tròn

Từ tuyến lửa trở về, có người được hưởng hạnh phúc yên ấm, nhưng cũng có người không được làm vợ, làm mẹ.

Trở về từ chiến trường, bà Vũ Thị Kim Dung (hiện ở Long Biên, Hà Nội) có nhiều người dạm hỏi nhưng bà đều từ chối, dự định ở vậy với mẹ già. Trong thâm tâm, bà mặc cảm vì mình là nữ lái xe, từng đi qua những cung đường nguy hiểm nhất, rải đầy chất độc của Trường Sơn.

"Hút xăng xe bằng miệng, nuốt toàn chì độc hại, nhiều chị em của đại đội sau này đều mất vì ung thư. Tôi cũng bệnh phổi, trở trời là ho hắng, là thương binh 22%," bà Dung tâm sự.

Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 4Đội nữ lái xe Trường Sơn giao lưu với thế hệ trẻ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Sau này, một người hàng xóm mai mối cho bà với ông Chu Minh Tuấn ở gần nhà. Ông cũng là bộ đội, là phóng viên chiến trường, được nhận Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất. Vợ ông là giáo viên mất vì tai nạn. Lúc này ông đã có 3 con, cả trai, cả gái.

[Nhìn lại tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc]

Ông cảm mến bà vì bản lĩnh khi lái xe ở chiến trường, lại đồng cảm vì cùng là bộ đội, nhưng ông cũng ngần ngại khi thấy nhiều người đến tìm hiểu đều bị bà từ chối. Trong số đó, có cả những người có chức quyền, có điều kiện kinh tế.

Ông bèn viết một bức thư nhờ bà mối mang sang cho bà Dung, tâm sự hoàn cảnh của mình, chia sẻ cảm nghĩ của mình về bà Dung, trong đó có đoạn: “Anh biết em chịu nhiều thiệt thòi sau chiến tranh. Anh cũng thiệt thòi khi gà trống nuôi con nhiều năm. Chúng mình có thể bù đắp cho nhau được không? Nếu em đồng ý thì anh mới dám sang chơi…”

Bà mối bày tỏ nghi ngại rằng bao người đến hỏi đều không được, ông chỉ viết mấy chữ thế này thì có ăn thua gì không.

Có lẽ do duyên số, hay những dòng tâm sự chân thành của ông Tuấn khiến bà Dung cảm động. Cuối cùng họ xây dựng gia đình năm 1990.

“Tôi làm vợ nhưng không được làm mẹ, đó là điều nuối tiếc khôn nguôi trong suốt cuộc đời này. May mắn các con riêng của chồng đều yêu thương và tôn trọng tôi,” bà Dung chia sẻ.

Dù vậy, bà Dung bằng lòng với hạnh phúc hiện tại. Bà tâm sự rằng nhiều chị em khác còn khổ hơn, có người đứt gánh giữa đường, có người sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, có người ở vậy không lấy chồng, một mình sống với những hồi ức đẹp của tuổi thanh xuân.

Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 5Vợ chồng và Vũ Thị Kim Dung và ông Chu Minh Tuấn. (Ảnh: NVCC)

Nhìn lại những hình ảnh của đội nữ lái xe được trưng bày tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, bà Dung xúc động và cho hay rằng bà rất hạnh phúc khi thế hệ ngày nay trân trọng những cống hiến của bà và đồng đội.

“Tôi rất vui khi thấy lại hình ảnh mình khi còn trẻ. Tôi đã sống hết mình cho lý tưởng. Mỗi thời mỗi khác, giờ đất nước hòa bình, tôi chỉ mong các bạn trẻ vươn lên cống hiến cho xã hội,” bà giãi bày.

Niềm vui hàng ngày của bà là vườn rau bên triền đê sông Hồng. Bà thường hái rau biếu hàng xóm và các chị em đội lái xe năm xưa sống ở gần nhà. Chiều muộn, bà xách làn rau to từ dưới bãi đi lên. Ông Tuấn đã đứng chờ sẵn ở trên đê. Ông đưa tay âu yếm đòi xách hộ cho bà. Hạnh phúc bình dị đã phần nào xoa dịu những vết thương chiến tranh đã lùi vào quá khứ.../.

Mời độc giả theo dõi toàn bộ chùm bài Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại:

Bài 1: Trốn nhà, viết tâm thư bằng máu xin tòng quân diệt giặc

Bài 2: Mưa bom, bão đạn không ngăn được đoàn xe con gái

Bài 3: Hạnh phúc bình dị của những “nữ dũng sỹ” Trường Sơn

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục