Bài 2: Mưa bom, bão đạn không ngăn được đoàn xe con gái
Nhà thơ Phạm Tiến Duật, nổi tiếng với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” từng gặp gỡ và tặng những nữ chiến sỹ lái xe hai câu thơ: “Xe con gái cứ như huyền thoại/Thoắt đến, thoắt đi, thoắt vượt Cổng Trời.”
Quả là một huyền thoại khi đoàn nữ lái xe ấy đã vượt qua muôn trùng hiểm nguy, hoàn thành nhiệm vụ và tất cả đều sống sót trở về.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Chính trị viên Đại đội, nói đùa rằng con gái có “chín vía” nên phải chăng vì vậy mà họ “cao số,” nhiều lần thoát khỏi cửa tử nơi rừng thiêng nước độc Trường Sơn.
Không sợ bom, chỉ sợ... ma
Để đảm bảo an toàn và bí mật, đội xe chủ yếu hành quân vào ban đêm, xuất phát từ 5h chiều hôm trước, quay về đơn vị lúc 5h sáng hôm sau. Tất cả đèn xe đều tắt, lái xe chỉ căn cứ vào cái “đèn rùa” bằng ngón tay dưới gầm xe để lái. Một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, trước mặt, sau lưng và cả trên đầu có thể bị dội bom bất cứ lúc nào. Bà Hòa kể rằng hôm nào có Trăng là mừng lắm, vì nhìn đường rõ.
“Không chỉ lái xe, chúng tôi còn phải học cách khắc phục sự cố. Mỗi lần làm lốp, nhíp hỏng, con gái chân yếu tay mềm, vô cùng vất vả, có lúc phát điên lên vì bất lực. Dần dần chúng tôi cũng nghĩ ra cách khắc phục. Nếu nam giới thay lốp chỉ cần dùng tay vặn một hơi, thì nữ giới chúng tôi phải dùng hai chân đạp để nới ốc lỏng ra mới vặn được bằng tay,” bà Hòa kể.
[Bài 1: Trốn nhà, viết tâm thư bằng máu xin tòng quân diệt giặc]
Bà Kim Dung từng bị cờ-lê va vào miệng mẻ mất hai chiếc răng cửa. Cô gái trẻ cứ xấu hổ mãi vì “cái góc con người ấy” không toàn vẹn.
Nhưng gian khổ nhất vẫn là việc hút xăng. Cô bộ đội lái xe Trường Sơn ngày ấy rơi nước mắt, kể lại: "Giấu xe, ngụy trang xe thì phải hút xăng ra chứ không máy bay Mỹ ném bom thì cháy cả xe. Xăng quý lắm, chúng tôi hút xăng bằng miệng đổ ra thùng, rồi lại từ thùng đổ vào xe. Có khi xăng ọc vào miệng phải nuốt cả xăng. Sau này hơn mười người trong đội chúng tôi đều mất vì ung thư, có lẽ là vì nhiễm độc từ việc hút xăng ấy.”
Những thiếu nữ tuổi đôi mươi khi ấy không sợ đạn bom, thế mà vẫn sợ... ma, sợ tiếng lợn rừng khụt khịt, tiếng hú trong đêm tối giữa rừng Trường Sơn. Có lần, xe bà Kim Dung đang đi thì bóng đèn quả táo bị hỏng nên không nhìn thấy đường, bị đoàn xe phía trước bỏ xa. Bà cùng đồng đội Bùi Thị Vân đành dừng lại chờ Trăng lên để chạy tiếp. Rừng già âm u, chỉ nghe tiếng hú ở phía xa, mấy con lợn rừng đi qua đi lại. Trong cabin ngột ngạt, nóng như rang, nhưng hai cô gái không dám mở cửa xe để ra ngoài.
"Cả hai nín thở khi nghe tiếng hú dài, thế rồi Vân sợ quá, bật khóc thút thít. Tôi trấn an Vân chứ trong lòng mình cũng sợ run lên được. Một lúc sau thì có đoàn xe của các anh nam đi qua, chúng tôi nhờ họ sửa giúp bóng đèn và cả đoàn lại tiếp tục lên đường," bà Dung cười khi nhớ lại kỷ niệm.
Thân gái ở chiến trường, biết bao gian khổ khó mà hình dung ra được. Bà Dung kể rằng khổ nhất là những khi “đến tháng,” họ tranh thủ xuống suối, hay xuống hố bom nào có nước giặt tạm miếng lót rồi chăng dưới nắp capô để hơi nóng làm khô đi rồi lại dùng.
“Có lần đang chở các anh thương binh thì tôi bị ướt đẫm cả quần. Lúc ấy có xấu hổ đến mấy cũng đành dẹp sang một bên. Tôi dừng lại bên suối, giặt qua loa rồi lại tiếp tục lên đường. Chúng tôi ngày ấy ghẻ lở 100%. Có quần áo khô mà mặc cũng là một điều xa xỉ,” bà Dung kể.
Có lúc tìm được mấy quả bồ kết, họ bẻ thành từng mảnh nhỏ, nướng thơm lên rồi cho vào khăn nhúng ít nước nóng, chà khắp đầu sau đó nhúng tóc xuống suối.
Mùa mưa ở Trường Sơn bắt đầu từ tháng 6 rồi dai dẳng đến hết năm, kéo theo muỗi, vắt, ruồi vàng và vô vàn thứ côn trùng khó chịu khác. Trên những cung đường âm u, ẩm ướt, tư trang, đồ dùng riêng tư chẳng mấy khi khô, sạch. Khi mùa khô đến lại là lúc thiếu nước uống, nước sinh hoạt triền miên trong khi ngày nắng cháy khét da, đêm về sương giăng buốt thịt.
Trong hoàn cảnh ấy, những nữ chiến sỹ lái xe vẫn vững tay lái trên những cung đường hiểm trở, chở hàng thì bốc vác, chở thương binh thì cõng thương binh.
Song, dù kiên cường đến đâu thì họ cũng là những cô gái yếu mềm, dễ rơi nước mắt...
Nữ dũng sỹ của núi rừng
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Binh đoàn 12, từng kể về đội nữ lái xe này trong một cuốn sách. Ông gọi họ là những nữ dũng sỹ của núi rừng Trường Sơn.
Đêm 30/12/1969, tại ngầm Cơn Siêu, đường 20, một đoàn 30 chiếc xe chuẩn bị qua ngầm thì máy bay địch ập tới ném bom. Sau 25 phút, hiện trường ngổn ngang. Đặc biệt là có một quả bom từ trường nằm chui dưới đất. Các lực lượng hội ý và quyết định dùng xe chở hàng thông đường, một nhiệm vụ cảm tử.
“Trong giờ phút yên lặng, tôi bất ngờ nghe giọng một người con gái miền Bắc. Cô dõng dạc xin đi trước. Lúc đó, chúng tôi đều trầm xuống bởi tâm trạng chuẩn bị tiễn biệt một người đồng đội về nơi vĩnh hằng. Chiếc xe tách khỏi đội hình từ từ tiến đến ngầm Cơn Siêu. Thình lình xe rú ga tăng tốc, theo sau là tiếng nổ rung động cả rừng núi. May mắn cô gái ấy sống sót. 4 giờ sáng, đường thông, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ,” ông kể lại.
[Nhìn lại tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc]
Bà Lê Thị Hải Nhi nhớ mãi lần chở 4 thương binh nặng. Các anh không thể ngồi mà phải nằm sau thùng xe.
“Một chiến sỹ cứ lấy tay bóc da mình rồi cho vào mồm. Tôi thấy lạ nên hỏi một đồng chí bên cạnh rằng tại sao anh có hành động kỳ quặc vậy, đồng chí đó cho biết, anh thương binh này bị bom bi găm vào khắp cơ thể dẫn đến mê man,” bà Nhi kể.
Thương các anh, Nhi cố gắng đi thật chậm, tránh những chỗ đường xóc để các anh không bị đau. Những thương binh đề nghị bà vừa lái xe vừa hát. Thế là suốt chặng đường, cô hát hết bài này đến bài kia, từ những làn điệu chèo, quan họ đến những ca khúc Cách mạng.
“Khi đến trạm dừng chân, tôi dừng xe và hỏi các thương binh rằng nghe tiếng hát có thấy đỡ đau hơn không thì các anh bảo đỡ nhiều lắm, còn anh bị thương nặng nhất đã trút hơi thở cuối cùng trên đường đi. Các đồng đội của anh nói rằng, tiếng hát của tôi là niềm an ủi cuối cùng cho anh ấy,” bà Nhi rưng rưng nhớ lại.
Lúc đó, nước mắt Nhi cứ trào ra và cô gái trẻ đã khóc suốt chặng đường tiếp theo. Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc này, bà Nhi vẫn không cầm lòng được.
Nữ lái xe Phạm Thị Phàn (Thái Bình) ngày ấy được chị em gọi bằng cái tên thân mật "Phàn còi" bởi 19 tuổi mà nặng chưa đầy 40kg. Ấy vậy mà cô gái trẻ đã làm nên chuyện phi thường. Cô là một trong hai nữ lái xe đầu tiên của toàn quân vượt cao điểm 050 (Quảng Trị) - cao điểm mà kể cả cánh đàn ông lái xe dạn dày kinh nghiệm cũng phải ngao ngán.
Phàn xung phong dẫn đầu đoàn xe chở súng ống, đạn dược vượt cao điểm trong đêm để sang Lào. Đêm tối mù mịt, bánh xe chỉ trật một chút là lăn xuống vực, nhưng cô vẫn bình tĩnh về số rồi băng qua.
Vượt cao điểm thành công, Phàn cùng đồng đội được Bác Hồ gửi tặng một chiếc đồng hồ. Mới đây bà đã trao tặng chiếc đồng hồ này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Đầu năm 1972, trung đội nữ lái xe Trường Sơn được điều về Trường đào tạo lái xe D255. Không một ai bỏ mạng nơi chiến trường, họ trở thành giáo viên đào tạo cho 300 lái xe nữ. Năm 1975, nhiệm vụ hoàn thành, họ được phục viên, chuyển ngành, trở về quê hương. Trong lễ duyệt binh mừng đất nước hoàn toàn giải phóng, trong đội hình có các nữ lái xe đầy kiêu hãnh và tự hào khi họ đã góp phần không nhỏ vào độc lập của dân tộc./.
Mời độc giả theo dõi toàn bộ chùm bài Những “tài xế tóc dài” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại:
Bài 1: Trốn nhà, viết tâm thư bằng máu xin tòng quân diệt giặc
Bài 2: Mưa bom, bão đạn không ngăn được đoàn xe con gái
Bài 3: Hạnh phúc bình dị của những “nữ dũng sỹ” Trường Sơn