Những tác động tiêu cực khi Indonesia tăng sử dụng nhiên liệu sinh học

Nếu Chính phủ Indonesia không hành động, các chính sách về nhiên liệu sinh học có thể sẽ góp phần làm diện tích rừng còn lại dần biến mất vĩnh viễn, lượng phát thải khí nhà kính sẽ tiếp tục tăng cao.
Xe chạy thử dầu diesel sinh học B30 tại Indonesia. (Ảnh: Antara)

Ngày 23/10, trang mạng The Conversation đăng tải bài viết: “Những tác động tiêu cực sau khi Indonesia thực hiện chính sách đẩy mạnh sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học.”

Bài viết chỉ ra rằng, trái với mong đợi của Chính phủ Indonesia và suy nghĩ của nhiều người, việc Indonesia thực hiện chính sách đẩy mạnh sản xuất và sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học bằng cách thu hẹp diện tích rừng tự nhiên để nhường chỗ cho các đồn điền trồng cọ dầu lấy nguyên liệu sản xuất xăng sinh học đang có nguy cơ gây ra những tác động to lớn đối với nước này. 

Tháng 7/2020, tập đoàn dầu khí quốc gia Pertamina của Indonesia chính thức sản xuất lô nhiên liệu sinh học đầu tiên được chiết xuất hoàn toàn từ dầu cọ với tên gọi D100.

Kế hoạch sản xuất và đưa vào sử dụng rộng rãi loại nhiên liệu sinh học D100 này là một phần trong chiến lược quốc gia của Indonesia nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời quảng bá sản phẩm nhiên liệu thân thiện với môi trường ra thế giới, nhấn mạnh đến vai trò của Indonesia trong việc luôn là quốc gia có tránh nhiệm bảo vệ môi trường, phát triển biền vững.

Những hậu quả trái với mong đợi

Bắt đầu từ tháng 1/2020, Chính phủ Indonesia đã thực hiện chính sách bắt buộc các tập đoàn sản xuất xăng dầu trong nước phải pha trộn 30% nhiên liệu sinh học vào xăng dầu tự nhiên trước khi bán ra thị trường với mục đích giảm giá xăng dầu và tăng tỷ lệ nhiên liệu sinh học được sử dụng.

Chính sách này của Indonesia sẽ làm tăng nhu cầu đối với dầu cọ, mặt hàng nông sản xuất khẩu số một của Indonesia. Chính phủ Indonesia đã định vị chương trình này là một trong những chương trình chiến lược quốc gia có vai trò quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế cũng như giảm lượng phát thải khí và hiệu ứng nhà kính.

Tuy nhiên, trái ngược với những gì Chính phủ Indonesia đang mong đợi. Người ta cho rằng việc tăng cường sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học sẽ làm trầm trọng thêm nạn phá rừng, tăng phát thải khí nhà kính và dẫn đến tình trạng mất đa dạng hệ sinh thái tại Indonesia.

[Indonesia bắt đầu thử nghiệm dầu diesel sinh học B40]

Chính sách này của Indonesia cũng sẽ chứa đựng nhiều nguy cơ gây ra xung đột xã hội hơn tại Indonesia.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngành công nghiệp dầu cọ của Indonesia đang là nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng, phát thải khí nhà kính và làm mất cân bằng hệ sinh thái tại quốc gia này.

Các đồn điền trồng cây cọ dầu đã tạo ra nhiều dầu hơn trên một đơn vị diện tích đất so với các cây trồng thay thế. Những người ủng hộ ngành công nghiệp dầu cọ tại Indonesia thường lập luận rằng, nếu nhu cầu của thế giới về dầu thực vật được đáp ứng bởi các cây trồng khác, chẳng hạn như đậu tương, hướng dương hay cải dầu thì sẽ cần nhiều đất hơn để trồng rừng và do đó dẫn đến nạn phá rừng nhiều hơn.

Lập luận này vẫn đang gây ra nhiều cuộc tranh cãi vì không phải tất cả các loại cây trồng đều liên quan đến nạn phá rừng như nhau. Một báo cáo của Liên minh châu Âu (EU) kết luận rằng dầu cọ có liên quan đến mức độ phá rừng cao hơn so với các loại cho ra nhiên liệu sinh học khác. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dầu nhiên liệu sinh học được làm từ dầu cọ có thể tạo ra nhiều khí thải carbon hơn so với nhiên liệu hóa thạch. 

94,1 triệu hecta rừng của Indonesia đặc biệt phong phú về cả đa dạng sinh học và hàm lượng carbon. Các vùng đất than bùn cũng rất giàu carbon. Khi các diện tích đất rừng được chuyển đổi thành các đồn điền trồng dầu cọ, lượng carbon lớn sẽ bị phát thải vào không khí.

Trong năm 2014, hơn 50% lượng khí thải carbon của Indonesia đến từ việc chuyển đổi diện tích rừng và sử dụng đất rừng. Khi sản lượng dầu cọ được Indonesia gia tăng từ 26 triệu tấn trong năm 2012 lên gần 46 triệu tấn vào năm 2016, việc chặt phá rừng cũng tăng theo.

Tại đảo Borneo, 50% vụ phá rừng trong giai đoạn năm 2005-2015 đều có liên quan đến việc phát triển cây cọ dầu trên đảo này. 

Năm 2018, mặc dù Indonesia đã ra lệnh cấm trồng mới đối với cọ dầu song số liệu từ Bộ Nông nghiệp nước này cho thấy diện tích rừng trồng đã mở rộng từ 14 triệu hecta năm 2018 lên hơn 16 triệu vào tháng 1/2020.

Theo nhóm bảo vệ môi trường Sawit Watch, tổng diện tích cây cọ dầu của Indonesia hiện là hơn 21 triệu hecta. Các nhóm xã hội dân sự cùng các quan chức thuộc ngành công nghiệp dầu cọ Indonesia đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận về việc phát triển cây cọ dầu bên vững (một sáng kiến của nhiều bên liên quan).

Họ đã bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của lệnh cấm trên. Họ cho rằng có quá nhiều kẽ hở trong việc thực hiện lệnh cấm và cũng thiếu tính công khai, minh bạch khi thực hiện lệnh cấm này. 

Hơn 80% diện tích rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn và đất than bùn tại Indonesia có nguy cơ bị phá hủy để phục vụ mục đích trồng và sản xuất dầu cọ. Bộ Nông nghiệp Indonesia từ chối yêu cầu của Tòa án tối cao năm 2017 về việc phải công bố dữ liệu liên quan đến quyền sử dụng các đồn điền trồng cọ dầu của các tập đoàn kinh tế hiện nay tại Indonesia.

Không có dữ liệu này, không thể xác định diện tích thực của các đồn điền trồng cọ dầu với diện tích được cấp phép. Trên toàn quốc, hơn 100.000 hộ gia đình đã bị ảnh hưởng bởi xung đột đất đai liên quan đến việc phá rừng để lấy đất trồng cây cọ dầu vào năm 2019. Và theo dự báo của chính quyền địa phương, các xung đột này đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, tạo ra những bất ổn trong xã hội. 

Giải pháp gỡ rối

Các chuyên gia cho rằng một trong những biện pháp cần quy định trong lệnh cấm là phải tăng năng suất của các đồn điền cọ dầu hiện có. Đầu tư vào việc nâng cao năng suất sẽ tốt hơn cho môi trường và tốt hơn việc xây dựng các đồn điền mới.

Ngoài ra, có thể cải thiện năng suất của các đồn điền hiện có bằng cách đầu tư vào sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và hạt giống chất lượng cao, cải thiện hệ thống tưới tiêu, loại bỏ những cây già cỗi giảm sản lượng và thay thế bằng những cây mới. Tuy nhiên, từ lâu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại chỉ chú trọng đến việc mở rộng diện tích trồng rừng do chi phí rẻ hơn và mang lại nhiều lợi nhuận cao hơn là đầu tư tăng gia sản xuất.

Theo Sawit Watch, 55% tổng số đồn điền cọ dầu thuộc sở hữu của 30 tập đoàn kinh doanh lớn tại Indonesia. Là một phần của giới thượng lưu, họ có những lợi ích tế rất lớn và có khả năng tác động đến các quy định về quản lý hoặc mở rộng phạm vi đất rừng để phục vụ cho mục đích trồng cọ dầu thông qua hoạt động hối lộ hoặc bảo trợ chính trị.

Khi diện tích rừng nguyên sinh của Indonesia vẫn còn, điều này có nghĩa là việc vận động hành lang hoặc mua chuộc chính quyền của số người này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra để mở rộng diện tích trồng cọ dầu và đến một lúc nào đó, Indonesia sẽ không còn rừng nguyên sinh như hiện nay. Tất cả sẽ nhường chỗ cho các đồn điền cọ dầu.

Do đó, Chính phủ Indoneisa nên khẩn trương điều chỉnh những kẽ hở của lệnh cấm này, xem xét các giấy phép hiện có (theo lệnh cấm) và thực hiện các hành động pháp lý để ngăn chặn kịp thời có hiệu quả sự tàn phá rừng. 

Chính phủ Indonesia cũng nên khẩn trương công khai việc cấp phép hoạt động cho các đồn điền cọ dầu, đồng thời công khai dữ liệu hiện nay về diện tích đất rừng mà các doanh nghiệp đang sở hữu, để các tổ chức bên ngoài chính phủ và công chúng đối chiếu, giám sát giúp giảm nguy cơ gian lận. Pháp luật cần đảm bảo tính minh bạch và sự tham gia vào quá trình ra quyết định của các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Chính phủ cũng nên đảm bảo trợ cấp cho ngành dầu cọ mang lại lợi ích cho người nghèo và nhiều tầng lớp xã hội khác, không chỉ tập trung chủ yếu vào đối tượng chính là các tập đoàn và cổ đông.

Khoản trợ cấp trị giá 195 triệu USD gần đây của Chính phủ Indonesia dành cho việc triển khai sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đã bị các tổ chức xã hội tại Indonesia và Liên minh nông dân sản xuất dầu cọ Indonesia phản đối mạnh mẽ, vì họ cho rằng khoản tiền lớn này sẽ chỉ có lợi các tập đoàn kinh doanh mặt hàng này tại Indonesia hiện nay.

Nếu Chính phủ Indonesia không hành động, các chính sách về nhiên liệu sinh học của Indonesia có thể sẽ góp phần làm diện tích rừng còn lại dần biến mất vĩnh viễn, lượng phát thải khí nhà kính sẽ tiếp tục tăng cao hơn và các cuộc xung đột, tranh chấp đất đai sẽ nhiều hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục