Tờ Business Times của Singapore đã đăng tải bài bình luận của tác giả Emir Hrnjic (Giáo sư phụ tá tại trường Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore - NUS) về những tác động của đồng tiền kỹ thuật số đối với chính sách tiền tệ tại các nước.
Theo bài viết, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) được cho là đã bắt đầu tiến hành quá trình thử nghiệm sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số phát triển trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) trong tháng 4/2020, và do vậy Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương mới (CBDC).
Những hoạt động thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được áp dụng tại ba thành phố là Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và ở Khu vực Mới Xiong’an, đồng thời đồng nhân dân tệ đã trở thành một bộ phận của hệ thống tiền tệ nước này.
Cùng với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đưa ra lời kêu gọi nhanh chóng phát triển công nghệ blockchain, việc triển khai sử dụng thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là ví dụ điển hình nhất cho thấy tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành quốc gia lãnh đạo về tiền tệ kỹ thuật số. Ngoài ra, tờ báo nhà nước Trung Quốc Nhật báo cũng tuyên bố rằng "hệ thống tiền tệ kỹ thuật số của nước này cung cấp sự thay thế có tính chức năng đối với hệ thống thanh toán bằng đồng USD."
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải nền kinh tế lớn duy nhất hướng tới việc tiến hành thử nghiệm sử dụng công nghệ blockchain và các đồng tiền kỹ thuật số trong nhiều năm qua. Đã có những phiên bản từ khá sớm của dự luật kích thích kinh tế Mỹ, trong đó bao gồm cả việc phát triển một đồng USD kỹ thuật số, trong khi Ngân hàng trung ương châu Âu gần đây cũng đã công bố một tài liệu nghiên cứu phấn tích những lợi ích của đồng tiền kỹ thuật số tiềm năng của mình.
CBDC: Công cụ điều chỉnh chính sách mới?
Đánh giá của các chuyên gia cho rằng CBDC có thể giúp và hỗ trợ chính sách tiền tệ, đồng thời cho phép truy cập dữ liệu liên quan đến nhu cầu theo thời gian thực. Ngoài ra, hệ thống này cũng có thể được xem là trách nhiệm trực tiếp của ngân hàng trung ương, trong khi các hệ thống thanh toán liên ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ blockchain sẽ có cơ hội hoạt động nhanh hơn, có thể kiểm toán và minh bạch hơn.
Nhìn chung, các ngân hàng trung ương tạo ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ bằng cách thay đổi lãi suất ngắn hạn. Ngoài ra, các cơ quan tiền tệ giảm lãi suất dài hạn bằng cách mua trái phiếu chính phủ dài hạn. Quá trình này, còn được gọi là nới lỏng định lượng, sẽ làm tăng nguồn cung tiền.
CBDC có thể hỗ trợ việc hướng đến mục tiêu tăng nguồn cung tiền bởi hệ thống này cho phép các công dân có sự tiếp cận trực tiếp đối với đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Ngoài ra, CBDC cũng sẽ cho phép chính phủ các nước tiếp cận những dữ liệu liên quan đến nhu cầu tiền tệ theo thời gian thực.
Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã kết luận rằng một đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể "củng cố, tăng cường sự truyền tải những thay đổi chính sách tiền tệ tới nền kinh tế thực."
[Tiền số: "Con át chủ bài" trong cuộc giành vị trí độc tôn toàn cầu?]
Lấy đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin làm ví dụ. Những người ủng hộ đồng tiền Bitcoin đã tung hô tiến trình phát hành cố định mà không chịu ảnh hưởng theo ý muốn của các ngân hàng trung ương hoặc bất kỳ tổ chức nào khác của đồng tiền này. Những người này thường đưa ra bằng chứng trong quá khứ mà các ngân hàng trung ương ở một số quốc gia đã lạm dụng quyền áp đặt ý muốn tùy ý và in tiền vì lợi ích của các nhóm lợi ích khác nhau.
Mặc dù vậy, trong trường hợp của CBDC, vấn đề cam kết của ngân hàng trung ương có thể được giải quyết bằng cách sử dụng hợp đồng tiền thông minh để xác định trước tỷ lệ phát hành một loại tiền khi các điều kiện xác định trước được đáp ứng. Tuy nhiên, việc phát hành tiền tệ được xác định trước có ngụ ý rằng lượng cung tiền sẽ mặc định bỏ qua các yếu tố thị trường trong tương lai và do đó, lượng tiền dự kiến có thể sẽ không đáp ứng với các điều kiện thị trường trong tương lai.
Mặt trái của đồng tiền kỹ thuật số tư nhân
Khi Facebook và các đối tác của mình trong Hiệp hội Libra tuyên bố việc phát triển đồng tiền ảo cùng với nền tảng số lượng người dùng tiềm năng, khả năng một đồng tiền ảo tư nhân thay thế đồng tiền quốc gia đã trở thành một thực tế.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ được tổ chức sau đó vài tuần, Giám đốc điều hành Facebook David Marcus khẳng định Hiệp hội Libra "không có ý định cạnh tranh với bất kỳ đồng tiền quốc gia nào hoặc tham gia vào đấu trường chính sách tiền tệ." Tuy nhiên, nếu Libra trở thành đồng tiền tư nhân được chấp thuận rộng rãi như những người tạo ra nó kỳ vọng, thì điều không thể tránh khỏi là đồng tiền này sẽ có những tác động đến chính sách tiền tệ bất chấp những ý định của người tạo ra nó là gì.
Libra sẽ được hỗ trợ đầy đủ bởi rổ tiền tệ bao gồm cả đồng USD, đồng euro, đồng yen Nhật Bản, đồng bảng Anh và đồng đôla Singapore, và do đó nó sẽ tuân thủ hiệu quả các chính sách tiền tệ của năm ngân hàng trung ương phát hành những đồng tiền nói trên. Với việc các nhà quản lý trên toàn thế giới đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại rằng đồng Libra có thể can thiệp vào hệ thống tiền tệ quốc gia và chính sách tiền tệ của họ, đồng Libra gần đây đã được tái thiết kế, và một Sách Trắng mô tả các đồng tiền stablecoin đơn lẻ tách biệt với đồng Libra.
Mặc dù có những thay đổi này, đồng Libra cuối cùng vẫn có thể thay thế một số đồng tiền quốc gia nhất định, đặc biệt là ở các quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao và hệ thống ngân hàng không ổn định.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các đồng tiền điện tử tư nhân được hỗ trợ bởi các tập đoàn công nghệ khổng lồ có thể "nhanh chóng thiết lập một vị trí thống trị trong hệ thống tài chính toàn cầu và là mối đe dọa tiềm tàng đối với sức cạnh tranh, sự ổn định và phúc lợi xã hội."
Hơn nữa, sự thống trị tiềm tàng của đồng Libra hoặc bất kỳ loại tiền điện tử tư nhân nào khác ở một quốc gia cụ thể sẽ làm suy yếu nghiêm trọng những tác dụng của chính sách tiền tệ quốc gia đó và gây nguy hiểm cho nền kinh tế. Nếu các công dân bắt đầu sử dụng đồng tiền điện tử thay vì đồng tiền quốc gia đó thì nhu cầu đối với đồng tiền quốc gia đó sẽ trở nên yếu đi, gây ra sự mất giá của đồng nội tệ này. Khi lạm phát của đồng nội tệ tăng lên, nó sẽ ảnh hưởng đến cả những người không chấp nhận tiền điện tử.
Về mặt này, tác động của tiền điện tử sẽ tương tự như quá trình "đôla hóa" - tác động của đồng USD đối với đồng nội tệ ở một số quốc gia đang phát triển. Ví dụ, nhu cầu đối với đồng nội tệ ở các quốc gia như Zimbabwe hoặc Campuchia bị ảnh hưởng người dân do thiếu niềm tin vào đồng nội tệ, họ sử dụng đồng USD làm phương tiện trao đổi. Sự thay thế tiền tệ này khiến các cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia đó mất đi một bộ công cụ chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng đến những kết quả kinh tế vĩ mô.
Mặt khác, những người theo chủ nghĩa tự do và thần tượng thị trường tự do cho rằng cạnh tranh từ tiền tệ tư nhân có thể áp đặt kỷ luật thị trường đối với các ngân hàng trung ương, điều này sẽ cải thiện chất lượng của đồng tiền quốc gia. Họ cho rằng cạnh tranh tiền tệ có thể làm giảm lạm phát và ngăn chặn khả năng thao túng lãi suất của ngân hàng trung ương.
Hơn nữa, chính sách tiền tệ thường ảnh hưởng đến nền kinh tế thực thông qua lãi suất ngắn hạn của các ngân hàng trung ương, điều này có tác động đến chi phí cấp vốn ngân hàng và do đó cũng tác động đến lãi suất cho vay của ngân hàng. Tính hiệu quả của chính sách tiền tệ này bị hạn chế bởi sức mạnh thị trường tương đối mạnh mà các ngân hàng có đối với những người gửi tiền. Theo thuật ngữ không chuyên, lãi suất tiền gửi không phản ánh đầy đủ các thay đổi lãi suất chính sách.
Tuy nhiên, một hệ thống thanh toán dựa trên nền tảng blockchain được cải thiện có thể sẽ làm tăng sự cạnh tranh và do đó, áp lực cạnh tranh trên hệ thống lưu ký sẽ làm tăng mức độ đáp ứng của lãi suất tiền gửi đối với lãi suất chính sách.
Trong bối cảnh sự chấp nhận trên toàn cầu đối với các đồng tiền kỹ thuật số tiếp tục được gia tăng, các nhà hoạch định chính sách dự báo rằng loại tiền này sẽ thử thách và thậm chí thay thế một phần các đồng tiền pháp định trong tương lai.
Tuy nhiên, trong khi các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có khả năng tăng cường truyền tải chính sách tiền tệ và hỗ trợ chính sách tiền tệ có mục tiêu cung tiền, các đồng tiền điện tử tư nhân khi chiếm ưu thế sẽ làm suy yếu nghiêm trọng ảnh hưởng và tác động của các chính sách tiền tệ. Thậm chí, chúng cũng có thể dẫn đến giảm mức độ liên quan của một số đồng tiền quốc gia, làm mất giá trị của các đồng tiền pháp định và dẫn tới tình trạng lạm phát cao./.