Tin đồn về việc Tổng thống Nga Vladmir Putin đột nhiên biến mất và vụ bắt cóc con tin tại bảo tàng Bardo, Tunissia là hai trong số những sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần qua.
Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 16-22/3:
1. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ADMM-9 tại Malaysia
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã tái khẳng định cam kết của ADMM về tăng cường hợp tác quốc phòng trong các nước ASEAN và với ADMM mở rộng (ADMM+), góp phần vào việc hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, trong đó có Cộng đồng Chính trị-An ninh.
Các Bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế, trong đó có Công ước ASEAN về chống khủng bố, chống các mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố cực đoan và các nhóm cấp tiến... thông qua chia sẻ thông tin, tăng cường giám sát, và nâng cao nhận thức của người dân về các mối đe dọa trên.
Các Bộ trưởng cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố, cực đoan, cấp tiến ở Iraq và Syria.
Xem thêm tại đây: Sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao tại Hội nghị ADMM-9
2. Nhật Bản và Trung Quốc nối lại đàm phán về an ninh sau 4 năm gián đoạn
Ngày 19/3 tại thủ đô Tokyo, các quan chức ngoại giao và quốc phòng của Trung Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu cuộc đàm phán an ninh cấp cao. Đây là cuộc đàm phán an ninh đầu tiên giữa hai bên sau 4 năm.
Cơ chế đàm phán này được khởi động từ năm 1993 và bị gián đoạn sau cuộc đàm phán mới nhất tại Bắc Kinh hồi tháng 1/2011, sau đó bị đình chỉ do Nhật Bản đơn phương "quốc hữu hóa" quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông do Tokyo kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc hiện đang ở vào thời điểm nhạy cảm khi 2 nước sắp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới 2.
Xem thêm tại đây: Nhật-Trung bắt đầu đàm phán về an ninh sau 4 năm gián đoạn
3. Bầu cử quốc hội Israel
Ngày 18/3, theo kết quả kiểm phiếu chính thức, đảng cánh hữu Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội khóa 20 của Israel, với 30 ghế.
Ngay khi kết quả được công bố, Thủ tướng Netanyahu đã đưa ra lời mời các đảng tiềm năng tham gia chính phủ liên minh gồm đảng Bayit Yehudi, Kulanu, Yisrael Beytenu, Shas và United Torah Judaism.
Ông Netanyahu cũng cam kết sẽ thành lập một chính phủ liên minh "mạnh mẽ và ổn định" để giải quyết các thách thức an ninh và kinh tế xã hội, đồng thời hy vọng tiến trình thành lập chính phủ liên minh sẽ được hoàn tất trong vòng hai đến ba tuần.
Với việc một chính phủ cực hữu lãnh đạo Israel, những vấn đề “nóng,” đặc biệt là triển vọng hòa bình Trung Đông nhiều khả năng sẽ vẫn ở trong ngõ cụt.
Xem thêm tại đây: Mỹ lạnh nhạt trước chiến thắng của ông Benjamin Netanyahu
6. Tin đồn về việc Tổng thống Nga Vladmir Putin đột nhiên biến mất
Trong khi báo chí phương Tây đang sôi sục với câu chuyện về sự “biến mất” của Tổng thống Putin mà họ tạo ra, ông thực tế vẫn làm việc trong văn phòng.
Hoàn toàn không có vụ đảo chính, ốm đau hay bắt cóc nào và Tổng thống Nga đơn giản là không muốn xuất hiện trước công chúng.
Theo trang tin Sputnik, các câu chuyện “chế” về sự biến mất của ông Putin thậm chí còn khiến chính phương Tây sợ hãi và họ đã “vỡ òa” trong sung sướng trước tin ông có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Kyrgyzstan.
Xem thêm tại đây: Putin tái xuất: Báo phương Tây giải quyết bí ẩn do mình tự tạo ra
7. Ukraine thông qua luật trao quy chế đặc biệt cho miền Đông
Ngày 17/3, Quốc hội Ukraine đã thông qua bản dự thảo luật trao quy chế đặc biệt và quyền tự trị hạn chế cho các khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền Đông nước này với điều kiện các cuộc bầu cử khu vực phải được tổ chức theo thẩm quyền của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đệ trình dự thảo luật kể trên lên quốc hội nước này và cho biết đây là một phần trong thỏa thuận hòa bình được 4 bên (gồm Ukraine, Nga, Pháp, Đức) thống nhất tại thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng trước.
Xem thêm tại đây: Bộ Nội vụ Ukraine cho lực lượng an ninh ở Donetsk nổ súng
8. Nước Nga tiến hành kỷ niệm một năm sáp nhập Crimea
Ngày 11/3/2014, Crimea và chính quyền thành phố Sevastopol đã tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Ukraine, đồng thời yêu cầu được sáp nhập với Nga.
Một cuộc trưng cầu dân ý trên quy mô toàn bán đảo đã diễn ra sau đó vào ngày 16/3. Cuối cùng Crimea và Kremlin đã ký hiệp ước sáp nhập trong ngày 18/3.
Việc ký hiệp ước đã khởi đầu cho một tiến trình sáp nhập kéo dài gần một năm trời, trong đó cử tri Crimea đã đi bỏ phiếu lần đầu vào tháng Chín năm ngoái để bầu hội đồng lập pháp và chính quyền địa phương.
Xem thêm tại đây: Nga trình chiếu bộ phim tài liệu "Crimea: Đường về Tổ quốc"
9. Xây dựng đường ống khí đốt từ Azerbaijan tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu
Ngày 17/3, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan khởi công xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới, với tổng trị giá hơn 10 tỷ USD, dẫn khí đốt từ mỏ Shah Deniz 2 của Azerbaijan tới Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu, nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Đường ống dẫn khí đốt này dài 1.850km dự kiến hoàn tất vào năm 2018 và sẽ nối với đường ống dẫn khí đốt Nam Caucasus nối Thổ Nhĩ Kỳ với các mỏ khí đốt của Azerbaijan tại Biển Caspi qua Gruzia.
Theo thỏa thuận, công ty năng lượng quốc gia SOCAR của Azerbaijan và công ty Botas của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lần lượt nắm giữ 58% và 30% cổ phần, trong khi tập đoàn BP của Anh nắm giữ 12% cổ phần còn lại trong dự án này. BP cho biết mỏ Shah Deniz 2 có thể cho sản lượng khai thác 16 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Xem thêm tại đây: Xây đường ống khí đốt từ Azerbaijan tới Thổ Nhĩ Kỳ-châu Âu
10. Bắt cóc con tin tại bảo tàng Bardo, Tunissia
Ngày 18/3, một số phần tử có vũ trang mặc trang phục quân đội đã xả súng vào khách tham quan khi họ xuống xe buýt bên ngoài bảo tàng Bardo, nằm sát tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Tunis của Tunisia, sau đó bắt giữ nhiều con tin và cố thủ trong bảo tàng khi bị lực lượng an ninh bủa vây.
Vài tiếng sau, lực lượng an ninh Tunisia quyết định tấn công vào bảo tàng, tiêu diệt 2 kẻ khủng bố và giải cứu toàn bộ con tin.
Tổng số nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công trên là 21 người, trong đó có 20 du khách nước ngoài đến từ Nhật Bản, Italy, Colombia, Australia, Pháp, Anh, Ba Lan và Tây Ban Nha.
Xem thêm tại đây: IS thừa nhận thực hiện vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô của Tunisia