Năm 2018, Bộ Tư pháp và ngành tư pháp tiếp tục nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quan tâm của cử tri cả nước thông qua các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Những kết quả của Bộ Tư pháp và ngành tư pháp đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, là cơ sở để Bộ Tư pháp và ngành tư pháp đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ người dân trong thời gian tới.
Toàn ngành đã tạo chuyển biến mới về chất lượng trong xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, nhận diện, đề xuất khung pháp lý đối với tiền và tài sản mã hóa.
Trong năm 2018, các bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện 16 dự án luật, 1 pháp lệnh và nhiều nghị quyết, văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh.
Bộ Tư pháp đã thẩm định đúng thời hạn 246 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định 57 điều ước quốc tế và góp ý hàng nghìn văn bản, đề án khác.
Các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu hoàn thiện dự án, dự thảo, được Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tham khảo khi quyết định thông qua các dự án luật. Hầu hết các dự án do Chính phủ trình được thông qua với tỷ lệ trên 80%.
Đặc biệt, trong năm 2018 Bộ Tư pháp đã từng bước tiếp cận những vấn đề mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra, đáng chú ý là vấn đề pháp lý liên quan đến tiền, tài sản mã hóa nói riêng, hệ sinh thái số nói chung.
Bộ đã hoàn thiện Báo cáo Thủ tướng Chính phủ “Về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện” để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có sự chỉ đạo cho việc xây dựng khung pháp lý về vấn đề này.
[Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng thực trạng pháp luật về tiền ảo]
Năm 2018 đánh dấu 5 năm “Ngày Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tinh thần của Ngày Pháp luật lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống một cách nhanh chóng, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của từng bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, ngày 9/11/2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tổ chức thành công “Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2018.”
Đây là dấu mốc quan trọng trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 5 năm triển khai Ngày Pháp luật.
Năm 2018, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh số việc và tiền thụ lý tiếp tục tăng cao so với năm 2017 (tăng 5,06% về việc và 13,32% về tiền); công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã đạt nhiều kết quả.
Đặc biệt, đã giải quyết dứt điểm 74 vụ việc (chiếm trên 70%) số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài nhiều năm, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Trong năm qua, Bộ Tư pháp đã tập trung vào việc tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành là điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; y tế; lao động - thương binh và xã hội… tại 14 cơ quan, địa phương để kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện pháp luật, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.
Một sự kiện tiêu biểu của ngành tư pháp trong năm qua là đột phá trong giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào; tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp, tương trợ tư pháp.
Theo đó, ngày 23/11/2018, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2157/QĐ-CTN về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 119 cá nhân hiện đang cư trú tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, chấm dứt tình trạng sống không giấy tờ, không quốc tịch sau hàng chục năm, đáp ứng lòng mong mỏi của bà con.
Đây là kết quả sau 5 năm thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp Việt Nam-Lào, góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương, ổn định vùng biên giới hai nước.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính đạt kết quả tích cực, tạo thuận lợi trong giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Cụ thể, năm 2018, Bộ Tư pháp đã ban hành 10 quyết định công bố thủ tục hành chính mới trong 8 lĩnh vực: hòa giải thương mại, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước, trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận thông tin.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của một số bộ; phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 49/94 (chiếm 52,13%) điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Trong năm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp được ngành thực hiện đồng bộ, toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của bộ, ngành. Tên của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - cố Luật sư Vũ Trọng Khánh, được đặt cho một tuyến phố mới ở quận Hà Đông, Thủ đô Hà Nội./.