Năm 2016 được xem là một năm đáng nhớ đối với ngành dầu mỏ thế giới khi các nước sản xuất dầu mỏ đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm vực dậy giá dầu vốn đã giảm hơn một nửa từ mức đỉnh điểm hồi giữa năm 2014.
Sau nhiều lần đàm phán căng thẳng, ngày 30/11, tại Vienna (Áo), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ lần đầu tiên kể từ năm 2008.
Theo thỏa thuận đã đạt được, trong nửa đầu năm 2017, các nước OPEC sẽ giảm khai thác 1,164 triệu thùng mỗi ngày, xuống mức 32,5 triệu thùng/ngày.
Các nước cắt giảm sản lượng chính gồm Saudi Arabia sẽ giảm 486.000 thùng/ngày, Iraq - 210.000 thùng/ngày, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) - 139.000 thùng/ngày, Kuwait - 131.000 thùng/ngày, Venezuela - 95.000 thùng/ngày, Angola - 80.000 thùng/ngày, Algeria - 50.000 thùng/ngày, Qatar - 30.000 thùng/ngày, Ecuador - 26.000 thùng/ngày và Gabon - 9.000 thùng/ngày.
Không chỉ có các nước thành viên OPEC, ngay cả 11 nước sản xuất dầu ngoài tổ chức này cũng đã bắt tay với OPEC. Các nước đã ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC vào ngày 10/12 vừa qua gồm Azerbaijan, Bahrain, Brunei, Guinea Xích đạo, Kazakhstan, Malaysia, Mexico, Oman, Nga, Sudan và Nam Sudan.
Nhóm nước này dự kiến sẽ giảm 558.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng dầu mỏ được cắt giảm trong nửa đầu năm 2017 tới lên đến 1,7-1,8 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, một ủy ban cấp cao phụ trách kiểm soát khai thác cũng được thành lập, trong đó có 2 đại diện là các bộ trưởng đến từ các nước ngoài OPEC gồm Nga và Oman, và 3 đại diện của nước thành viên OPEC, gồm Venezuela, Algeria và Kuwait. Phiên họp đầu tiên của ủy ban này sẽ được tổ chức vào tháng 1/2017.
Sau khi các nước sản xuất khẩu dầu mỏ quyết định cắt giảm sản lượng, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới luôn trên đà tăng, thậm chí còn tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2015.
Theo số liệu mới nhất, chốt phiên giao dịch ngày 22/12, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2017 tăng 46 xu lên 52,95 USD/thùng, trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent giao cùng kỳ cũng tăng 59 xu lên 55,05 USD/thùng.
Trước đó, do nguồn cung dư thừa, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã lao dốc, có lúc xuống dưới 30 USD/thùng từ mức hơn 100 USD/thùng vào giữa năm 2014./.