Những “sứ giả hòa bình” xây dựng, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”

Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là hành động hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa ngay trong thời bình và bằng các biện pháp hòa bình.
Tấm bảng trong lớp học tại trường Tiểu học Bentiu B, Nam Sudan (Ảnh: NVCC)

Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ngoài thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn và lòng yêu chuộng hòa bình của quân đội, nhân dân Việt Nam, còn là hành động hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa ngay trong thời bình và bằng các biện pháp hòa bình.

Những “sứ giả” của hòa bình

 “Let us live in peace and love. Let us forget the last things” (Tạm dịch: Xin cho chúng con được sống trong hòa bình và tình thương yêu. Hãy giúp chúng con quên đi những điều đã qua).

Đây là những dòng chữ trên tấm bảng tại một trường học ở thị xã Bentiu, Cộng hòa Nam Sudan, được một sỹ quan của Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam chụp lại khi đi làm nhiệm vụ tại địa bàn.

“Chỉ vài từ ngữ ngắn gọn nhưng chứa đựng nỗi khát khao và mong ước của trẻ em cũng như người dân Nam Sudan. Đó là khát vọng được sống trong một môi trường hòa bình, ổn định và có cơ hội phát triển.”

Đây là một phần trong câu chuyện mà Thượng úy, bác sỹ Từ Quang - Đội trưởng Đội cấp cứu đường không, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 - người chụp bức ảnh trên, kể với phóng viên TTXVN sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Thượng úy Từ Quang cho biết, do những xung đột triền miên kể từ khi Nam Sudan tuyên bố độc lập năm 2011, những đứa trẻ ở đây đã không còn hoặc có rất ít cơ hội được tiếp cận với giáo dục một cách đầy đủ.

Tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, bắt đầu triển khai tại Cộng hòa Nam Sudan từ tháng 11/2019, Thượng úy, bác sỹ Từ Quang được phân công phụ trách nhiệm vụ điều phối hoạt động phối hợp Quân sự - Dân sự (CIMIC).

CIMIC có vai trò là cầu nối giữa khối quân sự và khối dân sự trong nội bộ Liên hợp quốc, tham gia công tác điều phối giữa Liên hợp quốc, các tổ chức nhân đạo quốc tế với chính quyền địa phương, qua đó thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo và phát triển bền vững tại địa bàn.

“Trường học mà chúng tôi tới thăm là một trong số những ví dụ về những khó khăn chồng chất mà người dân nơi đây đang phải đối mặt,” Thượng úy Từ Quang nói.

Với hơn 1.600 học sinh nhưng Trường tiểu học Bentiu B chỉ có 3 khối nhà gồm 2 khối nhà kiên cố và một khối nhà tranh. Nói là kiên cố nhưng tường gạch đã nứt, mái tôn thì thủng lỗ chỗ. Còn khối nhà tranh, cả mái nhà và vách tường làm bằng đất đều đã xiêu vẹo… Do chiến tranh, xung đột và nghèo đói, nhà trường không còn khả năng duy tu, bảo dưỡng, Thượng úy Từ Quang cho biết.

Bên trong lớp học Trường tiểu học Bentiu B, bàn ghế ngổn ngang chỉ còn trơ khung sắt. (Ảnh: NVCC)

Với mong muốn giúp học sinh địa phương có điều kiện tốt hơn để học hành, các cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đã tranh thủ tối đa thời gian để làm những việc không phải là chuyên môn của mình.

Họ đã tận dụng từng mảnh gỗ từ các thùng chứa hàng để đóng bàn ghế cho các em học sinh ở địa phương. Sau gần 12 tháng làm tranh thủ, 31 bộ bàn ghế và 100 bộ chữ cái đã được hoàn thành và trao tặng cho các em học sinh ở trường Bentiu B, Nam Sudan.

Trong buổi trao tặng bàn ghế mới, các em học sinh còn được nhận những túi quà, trong đó ngoài sách vở, bút còn có một tờ giấy nhỏ giới thiệu về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[Quan điểm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” thể hiện tầm nhìn chiến lược]

“Khi đọc tờ giấy này, các em sẽ thấy Việt Nam là một đất nước nằm bên bờ Thái Bình Dương và có diện tích chỉ bằng một nửa Nam Sudan. Hai đất nước cách xa nhau hơn mười ngàn km. Khoảng cách này là rất xa, nhưng chúng tôi hy vọng khoảng cách đó sẽ được rút ngắn bởi những kiến thức thu nhặt qua những cuốn sách được đọc trên những bộ bàn ghế này và ghi chép lại bằng những cuốn sổ này. Khi có kiến thức, các em có thể giúp cho gia đình mình và xây dựng lại đất nước Nam Sudan… Một ngày nào đó, chúng tôi tin rằng sẽ được chào đón các em tới thăm Việt Nam, chúng ta đồng ý như thế nhé?”

Câu hỏi của một vị đại diện bệnh viện khi phát biểu tại buổi lễ được đáp lại bằng những tràng pháo tay không ngớt ngay khi phiên dịch vừa dứt lời, Thượng úy, bác sỹ Từ Quang cho biết.

Các em học sinh trường Bentiu B nhận những túi quà của Cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 trong buổi lễ trao tặng bàn ghế mới cho nhà trường. (Ảnh: NVCC)

Là một đất nước từng đi qua chiến tranh, Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình. Bản thân những người lính sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng lại càng trân trọng hơn những điều mà thế hệ ngày nay đang được thụ hưởng.

Đó là ngày ngày được đi làm, đi học, được sinh sống trong một xã hội bình yên. Chính vì lẽ đó, khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và dù hoạt động trong điều kiện nhiều khó khăn, khắc nghiệt tại địa bàn, các chiến sỹ “mũ nồi xanh” Việt Nam luôn ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của mình.

Tự hào được đóng góp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”

“Chuyến bay C17 cất cánh tại Thủ đô Juba, Nam Sudan và hạ cánh tại sân bay Nội Bài là những giây phút mà tôi có nhiều cảm xúc dâng trào nhất. Đó là cảm giác vui mừng khôn xiết của ngày trở về với Tổ quốc, quê hương, gia đình và người thân sau gần 18 tháng ròng rã.”

Trên đây là chia sẻ của Thiếu tá Cao Thùy Dung, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, sau khi cùng các cán bộ, nhân viên của bệnh viện đáp chuyến bay từ Juba, Nam Sudan trở về Việt Nam.

Lên đường thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan từ tháng 11/2019 với thời hạn 1 năm theo kế hoạch nhưng do đại dịch COVID-19, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã phải kéo dài nhiệm vụ công tác tại địa bàn thêm gần 6 tháng so với dự kiến với nhiều khó khăn đột xuất phát sinh.

Trở về nước an toàn sau 18 tháng xa Tổ quốc, gia đình để thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả, các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 không quên những ngày tháng hoạt động trong điều kiện muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt tại địa bàn nhưng cũng vô cùng tự hào khi được đóng góp một phần trách nhiệm của cá nhân trong nhiệm vụ chung của quân đội, quốc gia.

Kể lại kỷ niệm đáng nhớ trong nhiệm kỳ 18 tháng tại Phái bộ Bentiu (Nam Sudan), Bác sỹ Nguyễn Việt Phương, Trưởng khoa Nội-Truyền nhiễm, Tổ trưởng Tổ điều trị COVID-19 Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, cho biết đó là khi anh cùng các y bác sỹ của bệnh viện điều trị cho một ca bệnh nam sỹ quan Mông Cổ được chẩn đoán mắc lao màng phổi.

Bác sỹ Phương cho biết theo quy định của Liên hợp quốc, những trường hợp như thế này sẽ phải chuyển lên bệnh viện cấp cao hơn, hoặc thậm chí phải cho hồi hương.

Tuy nhiên, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, các chuyến bay vận chuyển bệnh nhân gần như đóng băng, bệnh nhân được quyết định theo dõi, điều trị lâu dài tại bệnh viện. Sau nhiều lần chọc hút dịch màng phổi và điều trị thuốc chống lao tích cực theo đúng phác đồ, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt.

Bệnh nhân và các bác sỹ phụ trách y tế, chỉ huy tiểu đoàn Mông Cổ - đơn vị quân chủ lực của Phái bộ - hết sức vui mừng và cảm ơn tập thể y bác sỹ Việt Nam.

“Đây có lẽ là một ca bệnh được theo dõi và điều trị dài ngày nhất của khoa, huy động trí tuệ tập thể của nhiều cán bộ, y bác sỹ bệnh viện trong điều kiện xét nghiệm, thuốc men, trang bị vật tư y tế tại địa bàn còn nhiều thiếu thốn,” bác sỹ Phương nhớ lại.

Kết thúc nhiệm kỳ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhiều chiến sỹ “mũ nồi xanh” Việt Nam sau khi trở về Tổ quốc vẫn còn lưu luyến với nhiều kỷ niệm tại địa bàn. Nhưng trên hết, họ đều cảm thấy tự hào khi được tham gia làm nhiệm vụ quốc tế, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các sỹ quan của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc báo công dâng Bác sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Nam Sudan. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

 “Tôi cảm thấy được ý nghĩa to lớn khi được là quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam sống trong thời bình và được tham gia làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ xa, nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của quân đội, quốc gia, dân tộc, trong mắt bạn bè quốc tế,” Thiếu tá Cao Thùy Dung chia sẻ.

Sứ mệnh cao cả đó đã, đang và sẽ được tiếp nối bởi các thế hệ người lính Quân đội nhân dân Việt Nam trong trang phục lực lượng “mũ nồi xanh” của Liên hợp quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục