Những "sứ giả hòa bình" Việt Nam chung tay bảo vệ Quyền con Người

Trong hơn 8 năm, trên 500 lượt chiến sỹ đã lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại các điểm nóng ở châu Phi, vượt qua vô vàn khó khăn, nguy hiểm, có cả hy sinh để hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình.
Các sỹ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Liên hợp quốc đánh giá cao sự ủng hộ, tham gia và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên thế giới.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách hỗ trợ triển khai thực địa hoạt động gìn giữ hòa bình, ông Atul Khare đã khẳng định như vậy trong buổi tiếp đoàn Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Việt Nam thăm và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc cuối tháng 7 vừa qua.

Ông Atul Khare nhấn mạnh những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, từ việc cử Đại đội Công binh số 1 đến Phái bộ An ninh Lâm thời của Liên hợp quốc ở khu vực Abyei (UNISFA) đến Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tới Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS), đến tổ chức đào tạo thông qua cơ chế hợp tác 3 bên, đồng thời mong muốn Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm đào tạo lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình với các nước khác, đặc biệt các nước trong khu vực.

Trong chuyến thăm trụ sở Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam cuối tháng 11/2022, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroiz cũng đánh giá cao những cống hiến của các lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam, đồng thời bày tỏ tin tưởng quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và Việt Nam trong lĩnh vực Gìn giữ Hòa bình sẽ ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

[Triển khai hiệu quả Lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình]

Đánh giá của các quan chức Liên hợp quốc về đóng góp của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với chặng đường 8 năm Việt Nam cử lực lượng tham gia các "sứ mệnh hòa bình," mà còn cho thấy Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực cho nỗ lực chung đảm bảo quyền con người trên thế giới, bởi hòa bình và được sống trong hòa bình là một quyền con người cơ bản, là trụ cột nền tảng, quan trọng nhất của việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Việt Nam chính thức tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc từ tháng 6/2014.

Trong hơn 8 năm, trên 500 lượt chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại các điểm nóng ở châu Phi, vượt qua vô vàn khó khăn, nguy hiểm, có cả hy sinh để hoàn thành sứ mệnh giữ gìn hòa bình, đảm bảo an ninh, tích cực hỗ trợ cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương.

Những người lính "sứ giả hòa bình" Việt Nam với tinh thần quốc tế và phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân và đối tác ở những nơi họ đi qua, truyền đi thông điệp về một đất nước Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, nhân văn, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt.

Kiểm tra thông số an toàn các loại xe, máy chuyên dụng trước ngày lên đường đi phái bộ LHQ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nỗ lực của lực lượng Việt Nam trong bảo vệ các cộng đồng dân cư tại những nơi xảy ra xung đột được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, là cơ sở vững chắc để Việt Nam được tín nhiệm bầu vào là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ của Liên hợp quốc, các sỹ quan của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam còn tham gia thúc đẩy quyền con người thông qua việc hỗ trợ nhân dân nước sở tại bằng nhiều hoạt động nhân đạo như nuôi dạy trẻ em, hướng dẫn người dân địa phương cách trồng rau xanh để đảm bảo hậu cần tại chỗ, phòng chống dịch COVID-19...

Đánh giá về những đóng góp của Việt Nam trong hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, Thiếu tá Adam R. Lulay, sỹ quan hoạt động song phương thuộc Văn phòng hợp tác quốc phòng Mỹ nhấn mạnh “sứ mệnh của Việt Nam tại Nam Sudan là một hình mẫu điển hình về hoạt động cứu trợ y tế, đặc biệt trong bối cảnh thách thức về dịch bệnh.”

Sau hơn nửa năm làm nhiệm vụ trong Phái bộ UNISFA, Đại đội Công binh số 1 Việt Nam, xuất quân với 184 người, đông gấp 3 lần quy mô của một bệnh viện dã chiến cấp 2 và là đội hình cấp đơn vị có số lượng thành viên lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, được đánh giá cao về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp, có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Một loạt con số biết nói về kết quả nỗ lực của những "sứ giả hòa bình" Việt Nam gần 20 đợt cứu hộ đường bộ trong các tình huống an ninh khẩn cấp, hơn 100 lượt phương tiện giao thông của phái bộ và người dân địa phương bị sa lầy, mắc kẹt được giải cứu; gần 30km kênh, mương thoát nước, hơn 200m cống tròn chống ngập được hoàn thành với hơn 3.000 hộ dân thoát khỏi cảnh ngập lụt trong mùa mưa; giúp tu bổ trường cấp 2-3 Abyei, làm đường vào trường…

Đội cũng phối hợp với đơn vị bộ binh Pakistan tổ chức thành công buổi khám chữa bệnh từ thiện cho nhân dân địa phương khu chợ Amiet.

Theo Thiếu tướng Benjamin Olufemi Sawyerr, đại diện chỉ huy Phái bộ UNISFA, công việc mà Đội Công binh Việt Nam đảm đương rất có ý nghĩa đối với việc thực hiện nhiệm vụ của phái bộ tại địa bàn cũng như cuộc sống của người dân địa phương.

Xuất quân cùng đội Công binh, 63 chiến sỹ quân y thuộc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 của Việt Nam lên đường nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan từ tháng 4/2022.

Chỉ sau 3 tháng, bệnh viện đã cho khánh thành phòng khám chuyên khoa sản và phát động chương trình hành động “Chung tay vì sức khỏe phụ nữ” ở địa bàn Bentiu. Đây là phòng khám chuyên khoa sản đầu tiên được xây dựng tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Phái bộ UNMISS.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên Trung tâm Tương lai Chính sách, Đại học Queensland, Australia, hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam có ý nghĩa bởi Việt Nam từng là nạn nhân của chiến tranh, từng là nước đi tìm kiếm và mưu cầu hòa bình, thì nay là nước đóng góp kiến tạo và xây dựng hòa bình cho những nước là nạn nhân của chiến tranh và xung đột.

Điều này có nghĩa là sự tham gia của Việt Nam xuất phát từ ý thức trách nhiệm, không chỉ là nghĩa vụ, và vì thế đã giúp Việt Nam giành được lòng tin của Liên hợp quốc, các nước đối tác và nước sở tại mà lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam có mặt.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh lòng tin ấy không phải phải nước nào, Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của nước nào cũng nhận được. Do đó có thể nói vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam có được như ngày nay bao hàm và cũng nhờ vào sự đóng góp của Việt Nam trong việc tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc.

Cùng chung quan điểm này, ông Jean-Pierre Archambault, cựu Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp-Việt, nêu rõ là nước từng trải qua những đau khổ của chiến tranh, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ giá trị của việc đảm bảo quyền hòa bình, độc lập dân tộc và quyền sống của con người.

Theo ông, sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo trong khuôn khổ Phái bộ Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, cho thấy Việt Nam đã thực hiện tốt việc bảo đảm quyền hòa bình, độc lập dân tộc và quyền sống của con người.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Tinh thần cống hiến, làm việc trách nhiệm, tận tụy của các chiến sỹ mũ nồi xanh Việt Nam càng làm tỏa sáng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu hòa bình, vì cộng đồng nhân loại thịnh vượng và phát triển."

Chính những "sứ giả hòa bình" của Việt Nam đã và đang góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy và bảo vệ quyền của mọi người dân được hưởng hòa bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục