Trước những thách thức do ảnh hưởng của COVID-19, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, trên cơ sở quán triệt phương châm ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, ngành Ngoại giao đã vượt qua nhiều thách thức, tạo ra và tận dụng tốt những cơ hội hợp tác mới, để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đảm bảo “dòng chảy” thương mại thông suốt giữa Việt Nam với các nước.
Hành trình đưa quả vải Việt đến siêu thị Nhật
Lần đầu tiên ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON (Nhật Bản) vào tháng 6/2020, quả vải thiều Việt Nam đã được người tiêu dùng sở tại và đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại đây lựa chọn.
Thành quả này trên là kết quả của những ngày tháng đàm phán, đi lại như con thoi của những cán bộ Ngoại giao, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản.
Nhớ lại quãng thời gian đàm phán, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh chia sẻ: Để chuẩn bị cho việc đưa vải thiều vào thị trường này, trong hai năm 2018 và 2019, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã nhiều lần mời các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam để khảo sát vùng trồng vải thiều Lục Ngạn và có các buổi làm việc với Sở Công Thương Bắc Giang, lãnh đạo huyện Lục Ngạn.
Tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch vùng trồng và áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất để kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định của Nhật Bản.
Tháng 6/2020, khắc phục những khó khăn do dịch COVID-19, với sự vận động quyết liệt của Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cùng với các cơ quan chức năng Việt Nam, lô vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam đã lên đường sang Nhật Bản bằng đường hàng không vào ngày 19/6/2020.
Sau đó, số vải thiểu này đã được chuyển tới các siêu thị của AEON và các chợ đầu mối của các nhà nhập khẩu VIENT Corportion, Yufruit hay Sunrise Farm để bày bán. Các lô hàng tiếp theo được chuyển tới Nhật Bản bằng đường biển.
Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, việc vải quả Việt Nam có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản giúp cho người nông dân thay đổi cách sản xuất, chế biến, bảo quản để đảm bảo chất lượng quả vải.
Đại sứ nhấn mạnh: “Điều quan trọng là sau khi vào được thị trường Nhật Bản, uy tín của vải quả Việt Nam đã tăng lên. Kim ngạch xuất khẩu vải sang Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Singapore đều tăng. Điều này tạo ra hiệu ứng dây chuyền để vải quả Việt Nam có thương hiệu trên toàn cầu, và từ đó giúp người trồng vải bán được nhiều sản phẩm hơn và có thu nhập cao hơn.”
Mặt khác, theo Đại sứ, sau khi vải quả thâm nhập thành công Nhật Bản, những người trồng các hoa quả khác sẽ theo đó học hỏi, để rồi các loại nông sản khác của Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường này và các thị trường "khó tính" khác.
Nỗ lực đưa các chuyên gia nhập cảnh an toàn
Bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động giao thương với nước ngoài, những người làm công tác ngoại vụ ở các địa phương còn thực hiện nhiệm vụ đưa các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh hết sức nghiêm ngặt.
Tỉnh Tiền Giang có 7 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 3.100ha; trong đó có 4 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiêp đã đi vào hoạt động ổn định, sử dụng hơn 130.000 lao động và thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên 2,8 tỷ USD.
Theo ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang, đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát ở một số tỉnh, thành phố trong nước và nguồn lây bệnh chủ yếu từ nước ngoài, việc đi lại của các chuyên gia nước ngoài hết sức khó khăn, Sở Ngoại vụ được giao là cơ quan đầu mối để liên hệ các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố và phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh giúp các doanh nghiệp đưa chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện cách ly tập trung và đến tỉnh làm việc sau cách ly.
[Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được phép nhập khẩu trái nhãn Việt Nam]
Với quyết tâm hỗ trợ các doanh nghiệp FDI, đến nay Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang đã tham mưu, tổ chức 32 đợt với hơn 450 chuyên gia nhập cảnh và đến tỉnh làm việc an toàn, không có trường hợp nào gây lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.
Ông Lưu Văn Phi cho biết thêm, khi dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, Tiền Giang buộc phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương châm “3 tại chỗ,” hoặc tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách.
Trước tình hình trên, Sở Ngoại vụ kịp thời lập nhóm Zalo kết nối hơn 158 doanh nghiệp FDI trong tỉnh; qua đó chuyển nhanh các văn bản chỉ đạo, biểu mẫu hướng dẫn của tỉnh đến cán bộ đầu mối, các doanh nghiệp để nắm rõ nội dung yêu cầu.
Mặt khác, cũng qua nhóm Zalo, cơ quan này đã tiếp nhận rất nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp để tổng hợp báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh xử lý, hoặc đề nghị các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố trong khu vực giải quyết, nhất là cấp giấy đi lại và tạo luồng xanh di chuyển cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, thực phẩm cho các bếp ăn, chuyên gia, công nhân…
Đại sứ thuyết trình quảng bá hàng Việt Nam
Cách Việt Nam gần 6.000km, từ đất nước vùng Vịnh, Kuwait, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Ngô Toàn Thắng đã chia sẻ câu chuyện những ngày tất bật, bàn cách đưa hàng hóa Việt Nam sang thị trường Kuwait; tham mưu cho Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan có những chính sách để giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường Arab tiềm năng.
Tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm cũng như hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè nước ngoài là phương châm hoạt động ngoại giao kinh tế mà Đại sứ Ngô Toàn Thắng luôn tâm niệm khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Kể lại câu chuyện đi tiếp thị quảng bá sản phẩm gỗ Việt Nam ở Kuwait hồi tháng 6 vừa qua, Đại sứ chia sẻ, khi đó, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait tới thăm và làm việc với Công ty Ali Abdulwahab Al Mutawa - một công ty lớn của Kuwait chuyên nhập khẩu và phân phối đồ gỗ nội thất, thực phẩm, nông sản, dược phẩm.
Gặp Đại sứ, Chủ tịch Công ty, ông Faisal Al Mutawa hết sức bất ngờ khi Đại sứ Việt Nam trực tiếp thuyết trình, giới thiệu các sản phẩm đồ gỗ nội thất của một công ty Việt Nam và bày tỏ sự quan tâm với những sản phẩm này.
Bên cạnh đó, khi nhận thấy doanh nghiệp Ali Abdulwahab Al Mutawa còn thiếu thông tin về các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như cà phê, Đại sứ Ngô Toàn Thắng đã chủ động giới thiệu với đối tác Kuwait về các doanh nghiệp sản xuất càphê của Việt Nam.
“Dẫu biết, để có thể tiến tới ký kết hợp đồng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, nhưng mỗi lần đi tiếp xúc doanh nghiệp sở tại là một lần Đại sứ quán có cơ hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm cũng như hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè Kuwait,” Đại sứ Thắng tâm sự.
Dù gặp khó khăn vì dịch COVID-19 nhưng những cán bộ ngoại giao vẫn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. “Trên tinh thần "đồng hành," "phục vụ," Bộ Ngoại giao, với mạng lưới 94 cơ quan đại diện ở nước ngoài, sẽ luôn là nhà, là địa chỉ thân thiết, tin cậy, là nơi kết nối các cơ hội hợp tác của các địa phương, doanh nghiệp và người dân Việt Nam ở nước ngoài.”./.