Những rủi ro lớn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Á

Tại Thái Lan và Malaysia, nợ của hộ gia đình đã phình to, do sự bùng nổ của thị trường ôtô và nhà ở. Trong khi đó, Ở Trung Quốc, nợ hộ gia đình tính theo phần trăm GDP danh nghĩa hiện nay là trên 50%.
Nợ của các hộ gia đình châu Á đã phình to. (Nguồn: edgeprop.my)

Các chuyên gia nhận định tình trạng gia tăng nhanh chóng nợ của hộ gia đình ở nhiều nền kinh tế mới nổi tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã trở thành rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế châu Á nói riêng.

Tại Thái Lan và Malaysia, nợ của hộ gia đình đã phình to, do sự bùng nổ của thị trường ôtô và nhà ở. Gánh nặng trả nợ ngày càng tăng đã làm suy yếu niềm tin tiêu dùng.

Ở Trung Quốc, nợ hộ gia đình tính theo phần trăm GDP danh nghĩa hiện nay là trên 50%.

Các quốc gia như Thái Lan đã bắt đầu kiềm chế mức tiêu thụ để ứng phó với tình trạng nợ gia tăng.

[Nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc chạm mức cao kỷ lục trong năm 2018]

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành các đợt giảm lãi suất, các nền kinh tế mới nổi cũng có dư địa để thực hiện động thái tương tự. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng có thể làm trầm trọng hơn vấn đề nợ trong thời gian dài.

Tại Nhật Bản, nợ hộ gia đình tăng gần gấp 3 trong những năm 1980, khi giá nhà đất tăng vọt và tỷ lệ nợ hộ gia đình so với thu nhập khả dụng đã tăng từ hơn 70% lên 120%. Sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng dẫn đến suy thoái nghiêm trọng và suốt nhiều năm lĩnh vực tiêu dùng ở trong trạng thái ảm đạm.

Somprawin Manprasert, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Ayudhya, chỉ ra rằng các khoản nợ hộ gia đình gia tăng là kết quả của chính sách kích thích mua ôtô và các mặt hàng khác do Chính phủ Thái Lan đưa ra vào năm 2011. Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng, theo nhận định của ông Somprawin.

Tỷ lệ nợ hộ gia đình của Thái Lan ở mức tương đương gần 70% GDP. Con số này cao hơn Nhật Bản và các nền kinh tế tiên tiến khác, có tỷ lệ khoảng 58%, và cao hơn cả Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Lý do chính là các khoản vay tự động.

Để hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra các ưu đãi về thuế để khuyến khích hoạt động mua sắm ôtô. Do áp lực về nợ cao hơn, lĩnh vực tiêu dùng cá nhân trở nên ảm đạm và lạm phát yếu.

Ở Malaysia, nợ hộ gia đình đã tăng vọt khi Chính phủ nước này đưa ra các chính sách khuyến khích mua nhà, trong số các biện pháp thúc đẩy nhu cầu trong nước khác.

Đồng nội tệ của Malaysia dễ bị tổn thương, một phần do thiếu dự trữ ngoại hối. Tỷ lệ lãi suất tại "đất nước vạn đảo" tương đối cao đối với các nước trong khu vực châu Á, ở mức 3%, phản ánh tính dễ bị chi phối bởi những tác động bên ngoài của đồng ringgit. Gánh nặng lãi suất cũng đè nặng lên các hộ gia đình.

Xu hướng nợ hộ gia đình phình to làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng cũng được ghi nhận rõ nhất ở Trung Quốc.

Tính đến cuối năm 2018, nợ của các hộ gia đình ở Trung Quốc đã tăng lên trên mức 47.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6.500 tỷ USD), tăng 140% so với 5 năm trước đó. Số nợ này tương đương khoảng 53% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2018 của Trung Quốc, tăng đáng kể so với mức 33% GDP năm 2013.

Yuji Miura, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Nhật Bản, cho biết có những dấu hiệu cho thấy nợ hộ gia đình là nguyên nhân làm giảm doanh số bán lẻ. Trung Quốc hy vọng sẽ chuyển đổi trọng tâm tăng trưởng, từ chỗ phát triển kinh tế dựa vào sản xuất và xuất khẩu sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, nhưng nước này phải đối mặt với những rào cản lớn về nợ hộ gia đình.

Tình trạng nợ của các hộ gia đình tiếp tục tăng đã khiến người tiêu dùng ở Trung Quốc hạn chế mua sắm các thiết bị gia dụng mới, qua đó tác động bất lợi tới lĩnh vực sản xuất thiết bị gia dụng lâu nay vốn dựa vào các khoản trợ cấp của Chính phủ để duy trì sức cạnh tranh.

Việc nợ hộ gia đình của Trung Quốc liên tục tăng đã khiến người tiêu dùng "thắt chặt hầu bao,” dẫn tới tình trạng 48,6 triệu máy điều hòa không khí vẫn còn tồn kho chưa bán được.

Theo số liệu của China Market Monitor, nếu không tính tháng 3/2019, doanh số thiết bị gia dụng hàng tháng ở thị trường Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 7/2018-6/2019 đều thấp hơn so với cùng kỳ một năm trước đó. Doanh số thiết bị gia dụng ở Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 7/2018-6/2019 đã giảm 8%.

Trong 5 năm trở lại đây, vay nợ là nguồn tài chính để người tiêu dùng Trung Quốc mua nhà và ôtô. Vì vậy, việc trả nợ luôn một vấn đề “nan giải” đối với người tiêu dùng Trung Quốc, và hệ quả của tình trạng này được thể hiện qua doanh số thiết bị gia dụng sụt giảm.

Những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế các hành vi đầu cơ trên thị trường bất động sản đã làm gia tăng sức ép lên lĩnh vực sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc vốn đã đi tới giai đoạn bước ngoặt.

Theo nhà phân tích về lĩnh vực công nghệ và thiết bị gia dụng Liang Zhenpeng, hoạt động đầu tư vào thị trường bất động sản là “một nguồn lực to lớn” thúc đẩy doanh số thiết bị gia dụng. Do vậy, việc Chính phủ đưa ra các hạn chế nói trên đã ảnh hưởng tới lĩnh vực này.

Năm 2018, doanh số bán nhà đất ở Trung Quốc tăng 2,2% (tính theo diện tích mặt bằng bất động sản), thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 11,5%/năm trong 3 năm trước đó. Vì thế, doanh số bán tủ lạnh, máy giặt và máy thu hình ở Trung Quốc đều sụt giảm.

Trái ngược hoàn toàn với các nền kinh tế mới nổi, nơi tỷ lệ nợ tiếp tục tăng, các hộ gia đình ở Mỹ và các nước phát triển khác ghi nhận tỷ lệ nợ của họ giảm sau khi đạt đỉnh trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các chuyên gia dự báo nhiều quốc gia châu Á sẽ nối gót Mỹ giảm lãi suất và áp dụng chính sách tiền tệ phù hợp hơn, song những ảnh hưởng của biện pháp nới lỏng tiền tệ sẽ nhanh chóng biến mất trong khi tác động của “núi nợ” còn kéo dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục