Bầu không khí khá căng thẳng xung quanh quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã có phần dịu bớt sau cuộc Đối thoại An ninh và ngoại giao lần thứ hai (còn gọi là đối thoại 2+2) giữa hai nước vừa diễn ra tại thủ đô Washington.
Ít nhất thì những tuyên bố từ cả hai bên sau sự kiện này cũng phát đi một thông điệp hòa hoãn, cho thấy vòng đối thoại là một giải pháp kịp thời, tạo điều kiện cho hai bên thẳng thắn trao đổi, dần tháo gỡ những nút thắt trong nhiều vấn đề vốn khiến quan hệ của hai cường quốc này “sục sôi” trong thời gian qua.
Việc Mỹ và Trung Quốc tổ chức được cuộc đối thoại 2+2 lần này đã là một diễn biến tích cực bởi bất đồng hai nước từ lâu đã không còn dừng lại ở "cuộc chiến thương mại" với những lần áp thuế trừng phạt và trả đũa qua lại, thậm chi giới phân tích đã nói về một cuộc "Chiến tranh Lạnh" giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Hồi tháng trước, đích thân Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc "dùng sức mạnh quân sự, kinh tế, lợi dụng mạng lưới tình báo và các chiến dịch tuyên truyền để hủy hoại Mỹ trên khắp thế giới."
Đáp lại, phía Mỹ liên tiếp có những động thái cứng rắn đối với Trung Quốc, mà giới phân tích nói rằng Tổng thống Mỹ đã mở một loạt mặt trận mới chống Trung Quốc, kể cả chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự.
Từ cáo buộc Trung Quốc can thiệp cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, cấm xuất khẩu linh kiện, phần mềm và sản phẩm công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc, trừng phạt liên quan các hợp đồng mua vũ khí của Nga tới tìm kiếm liên minh với nhiều nền kinh tế lớn để chống lại các hoạt động thương mại của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng để ngỏ khả năng áp đặt bổ sung gói thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD, sau khi các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD đã bị đánh thuế cao. Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ quan ngại về các hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông mà Washington khẳng định là gây mất an ninh hàng hải.
Tất cả cho thấy có vẻ Mỹ đang thúc đẩy một chiến dịch dài hơi với mục tiêu trước hết là thể hiện sức mạnh và kiềm chế Trung Quốc. Căng thẳng hai bên leo thang cũng là nguyên nhân khiến vòng hai cuộc đối thoại này bị trì hoãn, dù sáng kiến tổ chức đối thoại 2+2 từng được Tổng thống Trump nhìn nhận là “cơ sở của mối quan hệ thân hữu” với nhà lãnh đạo Trung Quốc, nằm trong tiến trình khôi phục quan hệ song phương, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 4/2017 tại Mỹ.
Từ những động thái căng thẳng như vậy, có thể coi tuyên bố của phía Mỹ sau cuộc đối thoại 2+2 lần này, rằng Washington không theo đuổi một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới với Trung Quốc và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, là động tác xoa dịu sau màn "nắn gân" trước đó.
[Mỹ khẳng định không theo đuổi "Chiến tranh lạnh" với Trung Quốc]
Đặc biệt, trong bối cảnh mối quan hệ với Trung Quốc, vốn được Tổng thống Donald xem như đối thủ chính đe dọa lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ, là một trong chủ đề chính của cuộc bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ vừa qua, thì thái độ quyết liệt của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc có thể hiểu như một chiến thuật tranh cử của đảng Cộng hòa, đồng thời cũng là biện pháp gia tăng sức ép buộc Bắc Kinh phải đưa ra những nhượng bộ theo yêu cầu của Mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi vòng đối thoại 2+2 này là bước mở màn cho cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tháng 11 tại Argentina, động thái mới của Washington nhiều khả năng để tạo một bầu không khí thuận lợi cho đối thoại.
Nói cách khác, Mỹ dù có những động thái cứng rắn cũng không muốn đẩy xung đột giữa hai nước lên đến mức đối đầu khó kiểm soát, bởi đây là kịch bản luôn được đánh giá là gây tổn hại cho cả hai. Washington nhiều khả năng muốn thăm dò phản ứng của Bắc Kinh sau cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh lần này, để có thể thảo luận sâu hơn cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị cấp cao G20.
Về phần Trung Quốc, với cam kết phối hợp với Mỹ bằng phương thức phi đối đầu và ủng hộ đối thoại để quyết thỏa đáng các vấn đề, trong đó có kinh tế và thương mại, theo thỏa thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, Bắc Kinh một lần nữa thể hiện sự mềm mỏng và linh hoạt. Trung Quốc không muốn chứng kiến nền kinh tế trong nước tiếp tục xấu đi do ảnh hưởng của “bóng ma” mang tên cuộc chiến thương mại.
Đồng nhân dân tệ hồi cuối tháng 10 sụt xuống mức 6,96 nhân dân tệ/1 USD, gần sát mức 7 nhân dân tệ/1USD và là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Cùng với đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh.
Đối với vấn đề an ninh, cả hai cũng nhất trí một cách tiếp cận tránh đối đầu, tăng cường kiểm soát nguy cơ, ngăn ngừa va chạm, tránh hiểu nhầm, phán đoán sai, tăng cường trao đổi xây dựng giữa quân đội hai nước làm gia tăng sự tin cậy chiến lược, đưa quan hệ giữa quân đội hai nước trở thành nền tảng ổn định cho quan hệ song phương... Có thể coi đây là chiến lược kiềm chế mà hai bên đang tìm cách áp dụng để kiểm soát xung đột leo thang, khi những bất đồng trong các vấn đề địa chiến lược và an ninh khu vực mà hai bên cùng có lợi ích, như châu Á-Thái Bình Dương, rõ ràng là khó có cơ hội thu hẹp.
Cuộc đối thoại lần này được hai nước đánh giá là mang tính xây dựng và thẳng thắn, dù không thể tạo được đột phá. Quan hệ Trung-Mỹ hiện là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên toàn cầu, bởi vậy việc hai bên kiểm soát ổn thỏa bất đồng trên cơ sở đối thoại xây dựng luôn là giải pháp tối ưu.
Cuộc điện đàm với giữa lãnh đạo hai nước hôm 1/11 vừa qua cũng như cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến tại Argentina sắp tới và vòng đối thoại 2+2 lần này có thể coi những "rào chắn" ngăn căng thẳng hai bên vượt qua "ranh giới đỏ," bởi cho dù còn tồn tại sự khác biệt trong nhiều vấn đề, việc duy trì ổn định mối quan hệ ràng buộc này luôn nằm trong lợi ích chiến lược của cả hai./.